Ông bà nội ngoại đều ở quê, vợ chồng đi làm cả ngày nên chị Trần Thu Trang, nhân viên truyền thông của một siêu thị điện máy đành gửi con đi trẻ khi bé vừa tròn 2 tuổi. Hôm qua, xem clip bảo mẫu bạo hành trẻ ở một trường mầm non tư thục TP.HCM trên các báo, chị giật mình nghĩ đến cảnh con mình đi học. “Không biết cu Bin nhà mình có bị hành thế không nữa, chẳng phải con mình, xem còn ứa nước mắt, rơi vào con mình thì đứt từng khúc ruột”, chị nói.
Hình ảnh trong clip bạo hành trẻ ở một trường mầm non tư thục tại TP.HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Chị Trang kể, cả phòng truyền thông nơi chị làm việc và khu chung cư chị sống ngày hôm qua đều xôn xao về sự việc này. Gặp mẹ nào có con nhỏ, chị cũng thấy mọi người bức xúc, nói chuyện trên báo rồi quay sang lo chuyện con đi lớp. “Nhiều người còn tính lại việc gửi trẻ vì giờ nhiều bảo mẫu tàn nhẫn quá” – chị chia sẻ. Bản thân chị Trang cũng bàn với chồng thuê osin để trông con ở nhà.
“Trước cũng có ý định đó rồi vì cu Bin còn nhỏ quá, cho đi lớp sợ non, nhưng cứ tiếc rẻ vì thuê người trông 3 triệu mỗi tháng chưa kể ăn uống. Nhưng giờ chắc đành vậy, chứ cho đi lớp khuất mắt trông coi quá”, chị tính.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều chị em dân văn phòng cũng đăng tải những status bày tỏ sự bức xúc với vụ việc ở TP.HCM và lo lắng chuyện gửi con đến trường. Thậm chí, nhiều mẹ còn “truy” lại quá khứ đi trẻ của con để đoán xem con mình có bị bạo hành không.
“Nhớ có lần con đi học về cứ buồn buồn, sợ sợ như tự kỷ, chẳng ăn cũng chẳng khóc, đến khi mẹ đưa vào nhà tắm thì giãy nảy lên đòi ra, không biết các cô ở lớp có làm gì nó trong nhà vệ sinh không nữa”, chị Bình, một nữ nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Các mẹ liên tục chia sẻ những bức xúc về vụ việc bạo hành con trẻ. |
Trong khi đó, từng tận mắt chứng kiến con bị cô giáo la mắng đến mức “tè” ra quần, chị Vân Anh, nhân viên của một trang web groupon, khuyên các mẹ “đừng ham rẻ mà chọn lớp đông trên 20 cháu, các cô không chăm xuể đâu. Các cô mệt rồi hay cáu, chỉ khổ trẻ con. Mà bạn nào lớn rồi, tầm 2 tuổi rưỡi, cha mẹ hẵng cho đi lớp, nên dạy con trước về kỹ năng kể chuyện lớp học sau mỗi ngày đến trường nữa”.
Chị Vân Anh kể, cách đây gần 2 tháng, chị đi đón con sớm hơn thường lệ một tiếng để đưa về nhà bà ngoại chuẩn bị giỗ. Đứng trước cửa lớp, chị sững người khi thấy con mình nước mắt ngắn nước mắt dài, quần ướt sũng mà cô giáo vẫn chỉ thẳng tay vào mặt quát mắng. Đến khi biết có sự xuất hiện của chị, cô giáo mới ôm ấp dỗ dành rồi giải thích là đang “rèn” cho bé vào nếp. Không hoàn toàn trách cô giáo nhưng sau lần đó, chị chuyển trường cho con.
Nhiều dân văn phòng chia sẻ kinh nghiệm chọn trường lớp và bảo vệ con khi cho bé đi học mẫu giáo. |
“Cũng khó nói trường đắt thì tốt hơn, nhưng thôi cứ tạm tin vào cơ sở vật chất và những gì các mẹ chia sẻ trên diễn đàn, hy vọng ít cháu thì các cô đỡ mệt và nền tính hơn, chứ trông trẻ ai mà không mệt. Chuyện qua chẳng định nhắc lại nhưng vụ việc ở TP.HCM mới đây lại khiến mình nhớ nên chia sẻ để các mẹ cùng tránh”, chị Vân Anh nói.
Sốt ruột, lo lắng chuyện gửi con đi trẻ, nhưng lại không thể nghỉ ở nhà chăm con, nên nhiều chị em công sở còn chia sẻ những mẹo nhỏ để bảo vệ con. Đó là kiểm tra kỹ thân thể của con mỗi khi đi học về, xem bé có những biểu hiện bất thường về tâm lý không, cần hỏi cô giáo ngay khi con có bất kỳ vết tím, bầm, vết xước nào, chọn trường có camera 24/24, hay thậm chí là cần “chăm sóc” các cô để con được quan tâm hơn… “Mình ở văn phòng từ sáng đến chiều muộn, thi thoảng cũng chỉ quan sát lớp qua camera chứ chăm chăm cả ngày thì sếp cho nghỉ việc. Thôi thì đành quan tâm các cô, hỏi han sát sao để cải thiện tình hình chứ sau nhiều vụ bảo mẫu đánh trẻ, cho con đi lớp mà mẹ ngồi cơ quan cũng lo nơm nớp”, thành viên me2bong chia sẻ trên diễn đàn của các bà mẹ.