Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bạo lực, xâm hại trẻ em gây nhức nhối tâm tư người Việt'

"Nhiều vụ việc vừa qua chúng ta xử lý chậm, chưa nghiêm minh, thậm chí sự hỗ trợ với trẻ em chưa đến nơi, đến chốn, tạo ra bức xúc trong xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 16/1 làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để nghe giải trình các vấn đề liên quan.

Xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng, bức xúc

Nhắc đến vụ việc thời sự về đường dây mua bán trinh tiết trẻ em ở Ba Vì vừa được phát hiện, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tình hình xâm hại trẻ em không phải bình thường mà rất nghiêm trọng, bức xúc.

Qua ví dụ vừa dẫn chứng, ông Lưu khẳng định vấn đề này không đơn giản, con số trong các báo cáo cũng chỉ là phần nổi của tảng băng.

duong day ban trinh o Ba Vi anh 1

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tình hình xâm hại trẻ em không phải bình thường mà rất nghiêm trọng, bức xúc. Ảnh: Q. Khánh.

Ông Lưu đề nghị các bộ báo cáo về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và các giải pháp đề ra. Đặc biệt, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói rõ hơn vai trò quản lý gia đình trong vấn đề này, vì thực tế khi đi giám sát, người thân thích trong gia đình xâm hại trẻ em chiếm tỷ lệ cao, xâm hại tình dục, dâm ô, bạo lực diễn ra trong gia đình rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trịnh Thị Thủy giải thích ngành văn hóa đã làm rất nhiều việc, trong đó có ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xây dựng đạo đức lối sống, nâng cao giá trị truyền thống trong gia đình.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục đặt nhiều câu hỏi: “Chúng ta có bộ tiêu chí ứng xử rồi nhưng cách thức tuyên truyền đã đúng đối tượng chưa? Đặc biệt là với trẻ em đã được tuyên truyền, được tập huấn chưa? Địa phương đã xác định gia đình các cháu có nguy cơ bị xâm hại để tập trung vào đó chưa?”.

“Thực tế có trường hợp xâm hại trẻ em xảy ra rất nhiều lần mà không ai biết, đến khi xảy ra hậu quả như các cháu mang thai thì mới biết, như thế phòng ngừa chưa hiệu quả”, ông Lưu đánh giá.

Cũng cho ý kiến về việc này, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu, như danh hiệu “Gia đình văn hoá”, vì việc này quá hình thức và tốn kém, lãng phí.

duong day ban trinh o Ba Vi anh 2

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đánh giá việc trao danh hiệu Gia đình văn hoá rất hình thức và tốn kém. Ảnh: Q. Khánh.

Nhấn mạnh việc trao danh hiệu trong nhiều trường hợp là phản cảm, thậm chí "trong làng ma túy tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá", đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho biết vừa qua, ông đã từ chối nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”.

“Ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, mà phải đi vào thực chất. Đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn. Ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý”, ông Bộ nói.

Kiến nghị có ngân sách riêng chống xâm hại trẻ em

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận phòng chống xâm hại trẻ em là vấn đề rất hệ trọng, có tác động to lớn và được xã hội quan tâm.

Ông đồng tình với nhận xét cho rằng vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em là mảng tối, gây nhức nhối, tác động đến tâm tư, tình cảm của người Việt Nam rất lớn.

“Nhiều vụ việc vừa qua chúng ta xử lý chậm, chưa nghiêm minh, thậm chí sự hỗ trợ của chúng ta với trẻ em bị xâm hại chưa đến nơi, đến chốn, tạo ra bức xúc trong xã hội”, ông Dung nói.

duong day ban trinh o Ba Vi anh 3

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Q. Khánh.

Cùng với việc gia tăng về số vụ thì tính chất vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em cũng phức tạp hơn, ở mọi đối tượng, mọi lĩnh vực, mọi môi trường, lứa tuổi, giới tính và đối tượng xâm hại không chỉ người trong nước mà có cả yếu tố nước ngoài.

Trong khi đó, theo ông Dung, có 3 môi trường quan trọng đối với trẻ em, an toàn nhất là gia đình và nhà trường thì vừa qua đều “có chuyện”.

Bộ trưởng Lao động thẳng thắn đánh giá công tác phối hợp chưa tốt, nhiều cơ quan làm công tác trẻ em nhưng từng nơi làm đều chưa tròn vai, trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn.

Một vấn đề khác liên quan đến kinh phí, ông Dung cho hay có những địa phương tổ chức hội nghị về phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng cả năm “không bố trí xu nào”.

“Cá biệt, có tỉnh đêm trước khi Thủ tướng chủ trì hội nghị, tôi gọi điện cho bí thư, chủ tịch tỉnh thì trong đêm ấy mới bố trí 200 triệu tổ chức. Có địa phương khi nói vấn đề này, họ bảo Bộ trưởng chỉ cho tôi nguồn ở đâu, vì không ghi rõ nguồn họ không bố trí được”, ông Dung phản ánh.

Theo Bộ trưởng Lao động, nếu thực sự quan tâm đến vấn đề trẻ em thì cần có dòng ngân sách riêng.

Đặc biệt, ông kiến nghị nếu được thì dành một khoản ngân sách, dành một chương trình mục tiêu riêng cho việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Như vậy hiệu quả giám sát chắc chắn thành công, hiệu quả sẽ tốt hơn.

Giáo viên bị bắt vì xâm hại tình dục 12 nam sinh

Gọi học sinh đến nhà học bù, một thầy giáo ở Ấn Độ giở trò đồi bại với 12 nam sinh tuổi từ 11-14. Sự việc khiến các phụ huynh sốc nặng và dư luận bức xúc.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm