Chiều 19/11, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Kalmaegi nằm ngay trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 11, giật cấp 13.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây nam với vận tốc 10-15 km/h và suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 20/11, tâm áp thấp có thể nằm ngay trên bờ biển phía tây đảo Luzon với sức gió mạnh nhất đạt cấp 7, giật cấp 8. Như vậy, bão suy yếu trước khi tiến vào Biển Đông.
Ngay sau đó, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển, tăng tốc lên 25-30 km/h và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Tối 20/11, trung tâm vùng áp thấp nằm cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía đông bắc.
Cơ quan khí tượng Hong Kong cũng dự báo bão Kalmaegi ngày càng suy yếu khi tiến sâu vào Biển Đông. Ảnh: HKO. |
Trên đất liền, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Trung Bộ đang chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh tràn về trong các ngày 18-19/11. Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8. Ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây mưa lớn cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi được dự báo có mưa kéo dài đến hết ngày 22/11. Quảng Nam và Quảng Ngãi có mưa lớn nhất tập trung trong ngày 21/11.
Trước những diễn biến của bão Kalmaegi trên biển và không khí lạnh trên đất liền, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công văn khẩn gửi đến các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Theo đó, các địa phương nằm trong khu vực này phải thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão hoặc áp thấp nhiệt đới để không đi vào vùng nguy hiểm.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh phải giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. Nhà chức trách cũng cần rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản