Tâm bão lúc 8h sáng cách bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh khoảng 490 km về phía đông, chếch nam. Bão đạt sức mạnh cực đại với gió 140-150 km/h (cấp 13), giật cấp 15-16 với tốc độ di chuyển nhanh, đạt 25-30km/h.
Các trung tâm dự báo khí tượng thế giới nhận định thống nhất bão sẽ đi qua giữa phía bắc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ và giảm 1 cấp gió. Trưa nay 16/9, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cấp gió mạnh nhất là cấp 12.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng cho hay, chiều 16/9, cơn bão tiếp cận ven bờ biển vịnh Bắc Bộ và tâm bão đổ bộ vào bờ Quảng Ninh – Hải Phòng với thời gian sớm nhất là từ 18-19h, muộn là từ 23-24h. Khi bão cập bờ, sức gió mạnh nhất còn cấp 10-11.
Bão Kalmaegi, cơn bão thứ 3 trong năm, sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Đông Bắc Bộ. Ảnh: NCHMF. |
Khi bão vào đất liền, các tỉnh tiếp giáp Quảng Ninh như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên sẽ có gió từ cấp 8, khu vực Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ có gió cấp 6. Hà Nội có gió cấp 6-7, giật cấp 8.
Quảng Ninh sẽ là khu vực trọng tậm chịu gió mạnh nhất do gió mạnh tập trung ở phía bắc.
Tổng lượng mưa ở các tỉnh Đông Bắc Bộ phổ biến 100-250 mm. Riêng khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng núi phía Bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang là nơi tập trung mưa lớn, tổng lượng từ 250-300 mm, có nơi trên 400 mm. Ở các tỉnh Tây Bắc Bộ 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Cơ quan khí tượng nhận định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm 16/9 đến chiều ngày 18/9, miền Bắc sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn.
"Mưa tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ trong đêm 16 và sáng 17/9 rồi ngớt nhanh. Các tỉnh miền núi dứt mưa từ 18/9, do mưa lớn trong thời gian ngắn nên phải hết sức lưu ý với lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Khu vực đồng bằng đề phòng ngập úng", ông Cường nói.
Ảnh mây vệ tinh bão Kalmaegi lúc 10h sáng 16/9. Ảnh: HKO. |
Theo báo cáo của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 16/9, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 34.223 tàu/124.634 người ở khu vực từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc (từ Quảng Trị đến Quảng Ninh).
Trong đó có 26.000 tàu/87.900 người neo đậu tại các bến, 8.130 tàu/36.700 người hoạt động ven bờ. Bên cạnh đó có 4.010 lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản cùng 5.110 người ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đáng lo ngại là hiện nay ở đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc đang có 850.000 ha lúa đang kỳ trỗ bông chưa thể thu hoạch (86 % diện tích lúa) dễ bị hư hại do ảnh hưởng của bão.
Các trung tâm dự báo khí tượng thế giới nhận định thống nhất bão sẽ đi qua giữa phía Bắc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ và giảm 1 cấp gió |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu tiếp tục liên hệ chặt chẽ, đôn đốc các địa phương hành động quyết liệt để phòng chống bão.
Ông Phát yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh - Ninh Bình cấm biển từ sáng 16/9. Các địa phương ven biển kêu gọi tất cả tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng bão vào bờ, neo đậu đúng kỹ thuật.
Các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định kiểm tra lồng bè, chòi canh khu vực nuôi trồng thủy sản, yêu cầu tất cả người ở trên lồng bè, chòi canh vào bờ trước 12h ngày 16/9.
Các tỉnh từ Quảng Ninh - Nam Định rà soát các khu vực nhà tạm, nhà yếu, khu dân cư ở ven biển thuộc diện nguy hiểm để sơ tán dân trước 17h ngày 16/9.
Trưa 16/9, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cử đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Tổng cục Thủy lợi cử đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống mưa bão ở các tỉnh miền núi.
Hà Nội yêu cầu tháo nước hồ chống úng cho nội thành
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức trực 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3, triển khai phương án phòng chống lụt bão. Trước mắt, từng quận, huyện tổ chức kiểm tra và cử lực lượng trực tại các vị trí đê kè, hồ, đập trọng điểm, xung yếu. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để xử lý kịp thời các sự cố.
Cũng trong sáng 16/9, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước HN, triển khai phương án phòng chống úng, ngập cho khu vực nội thành. Theo đó, yêu cầu Công ty Thoát nước bơm tiêu nước đệm trong hồ, hạ thấp mực nước trong các hồ ở nội thành và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để bơm tiêu úng, xử lý kịp thời các sự cố và các điểm úng ngập.
Quảng Ninh: Tất cả tàu đánh cá xa bờ đã về nơi neo đậu an toàn
Theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến 9h 16/9, các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi được 249/249 tàu đánh cá xa bờ về nơi neo đậu an toàn.
Các tàu đã liên lạc được phần lớn đang đỗ ở bến cảng, bến cá của các địa phương. Đối với tàu đánh cá gần bờ, hiện có 8.482 chiếc, theo lệnh cấm tàu, hiện nay các tàu này đang thực hiện neo đậu.
Hiện, hơn 6.000 tàu đã neo đậu an toàn. Đến trưa 16/9, toàn bộ tàu đánh cá ven bờ phải về các nơi trú tránh an toàn.
Toàn tỉnh có khoảng 7.600 lồng bè nuôi thủy sản ở hầu hết các địa phương ven biển, tập trung nhiều nhất ở huyện Vân Đồn (4.500 lồng), hiện nay các lồng bè đang được chằng chống và di chuyển người dân lên bờ.Trong ngày 16/9, sẽ sơ tán số dân này lên bờ hoặc lên các hang động trên vịnh gần khu nuôi trồng.