Bão tăng 5 cấp trong 1 ngày rưỡi - hiếm có trong lịch sử
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 15/9, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều 15/9, bão Kalmaegi (Chim Mòng biển) đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông bắc, với sức gió mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 120-150 km/h).
"Cơn bão đang di chuyển với vận tốc hơn 30 km/h. Đây là một cơn bão mạnh, trong vòng 24-36 tiếng, bão tăng 5 cấp (từ cấp 8 lên cấp 13). Bão có cường độ mạnh và di chuyển với vận tốc nhanh như vậy là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử quan trắc”, ông Cường nhận định.
Ông Cường cho biết, theo quỹ đạo dự báo của các mô hình trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, bão di chyển theo hướng tây tây bắc và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Dự báo của trung tâm cũng cho thấy, bão Kalmaegi) chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây bắc, sẽ đi vào khu vực phía bắc đảo Hải Nam và đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi đi sâu vào vịnh Bắc bộ.
Sau khi cập bờ biển Việt Nam, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Quảng Ninh và Hải Phòng. Đặc biệt, sau khi đi sâu vào đất liền sẽ ảnh hưởng tới khu vực giáp ranh giữa đồng bằng trung du và miền núi.
"Bão số 3 sẽ đạt cực đại ở cấp 14. Tuy nhiên, nhiều khả năng khi vào vịnh Bắc Bộ bão sẽ đạt cấp 12-13. Khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ ở cấp 11-12", ông Cường khẳng định.
Về thời gian bão vào, ông Cường cho biết, thời gian bão đổ bộ dự kiến vào đêm mai 16/9, sớm thì 22h đêm muộn thì sáng sớm. Bão sẽ suy yếu khi đi sâu vào đất liền các vùng trung du ở Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái.
"Trên đường di chuyển của bão các khu vực Hải Dương, Bắc Giang cũng có gió bão, Hà Nội cũng có gió cấp 7-8", ông Cường nói.
Bão số 3 được đánh giá là cơn bão có sự tăng cấp hiếm có trong lịch sử. Ảnh: NCHMF. |
Bắc Bộ mưa rất to, Quảng Ninh gió mạnh, nước biển dâng 4-5 m
Vẫn theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 3 sẽ gây ra mưa to đến rất to ở Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Mưa sẽ bắt đầu từ chiều 16/9, sau đó sẽ trút xuống vào đêm 16/9.
Trọng tâm mưa sẽ tập trung ở khu vực đông bắc và phía bắc đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt khu vực trung du miền núi phía bắc sẽ có mưa từ 200-300 mm, một số nơi có thể trên 300 mm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) sẽ có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 15-16, sóng biển cao 7-9 m.
Từ sáng 16/9, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải) tăng lên cấp 10-11, giật cấp 15-16, sóng biển cao 7-9 m.
Quảng Ninh sẽ là trọng tâm gió mạnh, với sức gió mạnh đến cấp 13-14, giật cấp 15-16; Nam Định, Thái Bình sẽ có gió bão cấp 8-9; Trung du Lạng Sơn, Tuyên Quang thậm chí Phú Thọ vẫn có gió cấp 7, giật cấp 8-9.
Phó thủ tướng: Dừng các cuộc họp không cần thiết
Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định tình hình hết sức khẩn trương do công việc còn nhiều. Các tỉnh cần triển khai quyết liệt, số lượng tàu trên biển hiện còn quá lớn. Đặc biệt cần quan tâm hướng dẫn du khách. Bên cạnh đó, cần chú hướng dẫn người dân đi qua suối đề phòng lũ quét như cơn bão số 2.
Dù theo dự báo bão về hướng tây tây bắc nhưng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các tỉnh không được chủ quan. Mưa lũ vẫn là mối lo lớn nhưng lũ quét vẫn gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trước 17h ngày 16/9, tất cả tàu thuyền phải vào bào, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương phải khẩn trương mới kịp vì chỉ còn 24h.
"Các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, xem xét quyết định thời gian sơ tán dân và thời gian nghỉ học cho các cháu học sinh. Phân công trực lãnh đạo, và lãnh đạo phỉa đi địa phương chống bão. Đặc biệt lưu ý chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn", Phó thủ tướng kết luận.