-
13h chiều 16/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 320 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ).
-
14h, phóng viên Hoàng Anh điện thoại từ Đồ Sơn (Hải Phòng) cho hay, lệnh cấm biển có hiệu lực từ trưa 16/9 song nhiều thanh niên vẫn ra biển Đồ Sơn (Hải Phòng) tắm biển, nô đùa tạo dáng chụp ảnh.
-
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, chiều nay gió mạnh cấp 8 - 9; Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 5 - 6m.
-
Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã có công điện khẩn gửi các Sở GD-ĐT, ĐH, CĐ, TCCN thuộc 29 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cho phép các trường và địa phương chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ để đảm bảo an toàn.
-
Tương tự, 4 chuyến bay của Vietnam Airlines đi và đến Hải Phòng trong ngày 16/9 sẽ hoãn sang 17/9, do địa phương này bị chịu ảnh hưởng nặng của bão Chim Mòng biển.
-
Đánh giá về bão Kalmaegi (Chim Mòng biển) sau khi nó đột ngột tăng 5 cấp (từ cấp 8 lên cấp 13) và di chuyển với tốc độ nhanh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định hôm 15/6, đây là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử quan trắc.
-
16h, phóng viên Hoàng Anh cho hay, khu vực trung tâm TP Cẩm Phả gió bắt đầu mạnh dần và có mưa nhỏ.
-
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tổ chức thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (lực lượng: 8.669 người; 82 phương tiện). Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải KVI đã điều động tàu SAR 273 ra ứng trực tại Gia Luận, Cát Bà.
-
Sở GD-ĐT Hải Phòng ra thông báo tới các trường học trên địa bàn TP về lịch nghỉ học ngày mai (17/9). Theo đó, tất cả các trường học từ cấp mầm non đến PTTH, học sinh đều được nghỉ học tránh bão, phóng viên Nguyễn Vũ cho biết.
-
Tàu SAR 273 được điều ra Cát Bà ứng trực đón bão Kalmaegi.
-
UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp từ hôm nay (16/9) đến khi bão tan để tập trung phòng chống bão. Yêu cầu cấp thiết của Thành phố là không để người dân nào bị thiệt mạng trong bão; giảm tối thiểu thiệt hại về tài sản.
Trong khi đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Thái Bình đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, rà soát, nắm tình hình và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công việc phòng, chống lụt, bão ở mỗi địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
-
Người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) chằng chống nhà cửa đón bão. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Ảnh mây vệ tinh lúc 16h chiều 16/9.
-
Theo báo Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo phát 16 bản tin, bắn 42 quả pháo hiệu thông báo bão tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, Ngọc Vừng, Cô Tô; phối hợp với các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.
-
Thông tin từ cuộc họp sáng nay tại Hải Phòng với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Quốc phòng đã điều 5 tàu TKCN sẵn sàng ứng phó tại vùng biển Hải Phòng- Quảng Ninh, trong đó có 4 tàu ứng trực tại vùng biển Hải Phòng, phóng viên Hoàng Anh cho biết.
-
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố Hải Phòng, công tác kêu gọi tàu thuyền, sắp xếp nơi neo đậu tránh trú bão đang được thành phố khẩn trương thực hiện. Thành phố chỉ đạo, từ trưa 16/9, tất cả khu du lịch, các phương tiện thủy sẽ bị cấm hoạt động. Đến chiều 15/9, các địa phương hoàn tất phương án di dân tại các vùng trọng điểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các phương án chủ động ứng phó với bão đối với hệ thống đê điều, công trình PCLB, hoạt động sản xuất nông nghiệp được tăng cường triển khai.
-
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ, vị trí tâm bão cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118 - 133 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km.
-
Dự báo, tối nay bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất cấp 10, cấp 11, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8 - 9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14 – 15, sóng biển cao 5 - 6m.
-
17h30, phóng viên Nguyễn Hoàn cho biết, khu vực ngã ba Cửa Ông (Quảng Ninh) đang có mưa to, gió giật mạnh thành từng cơn. Tàu thuyền đã được đưa vào neo đậu tại cảng Cái Rồng. Ảnh: báo Quảng Ninh.
-
-
Cầu Bãi Cháy bắt đầu vắng người và phương tiện qua lại. Báo Quảng Ninh dẫn lời ông Vũ Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý cầu phà Quảng Ninh cho biết, lực lượng chức năng sẽ cấm xe thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy khi gió giật cấp 6 và cấm hoàn toàn phương tiện khi gió bão giật cấp 10. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Nhiều cây xanh trên quốc lộ 14 từ Hạ Long đi Cẩm Phả được tỉa bớt cành trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Trong khi đó, bãi biển không một bóng người. Lán, chòi sát bờ biển đều được chằng chống. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Được dự đoán là nơi tâm bão đổ bộ nên Quảng Ninh đã sơ tán hơn 10.000 người dân tại các khu vực nguy hiểm vào bờ tránh trú bão an toàn. Trong đó, thị xã Quảng Yên sơ tán 2.680 người; TP Hạ Long 180 người; Vân Đồn 1.860 người, Móng Cái 268 người; Hải Hà 52 người; Cẩm Phả 1.520 người; Đầm Hà 64 người; Tiên Yên 4.111 người.
-
18h20, phóng viên Anh Tuấn cho hay, tại tây Bến Do (Bãi Cháy, Quảng Ninh), gió đã mạnh dần, mưa chưa lớn. Ngư dân trên các tàu bè cố gắng neo đậu thuyền bè trong bến. Một số người dân vẫn sinh hoạt trên thuyền bất chấp thông báo khẩn về cơn bão số 3. Gió lớn đã khiến các chợ tạm bên bờ biển đã bị quật rách nát. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Phóng viên Nguyễn Hoàn cho hay, trung tâm cảng Cái Rồng (Quảng Ninh) đang mưa rất lớn, gió giật mạnh. Nhiều tàu cá, tàu du lịch đã về neo đậu ở cảng. Lực lượng cảnh sát, công an đang chốt trực đón bão. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
-
Trước đó, lực lượng biên phòng của thị trấn Cái Rồng đã phủ bạt, kè bao cát tại đê chống ngập mặn thuộc xã Đoàn Kết. Tàu bè cũng được neo chặt tại bến. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
-
Thuyền bè tại Bến Do (Cẩm Phả) cũng được người dân đưa vào bờ cạn tránh bão. Ảnh: Anh Tuấn.
-
19h30, phóng viên Nguyễn Ngân của VTV cho hay, mưa ở Quảng Ninh khá lớn, gió cấp 9-10.
-
Thành phố Hạ Long cũng đã di dời hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Ảnh: báo Quảng Ninh.
-
Phóng viên Lê Hiếu cho hay, 19h30 gió giật mạnh tại Đồ Sơn (Hải Phòng), mưa cũng nặng hạt hơn buổi chiều. Nhiều tuyến đường xung quanh khu du lịch này không một bóng người. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Nhiều nhà dân, cửa hàng ở Đồ Sơn được chằng chống rất kiên cố vài giờ trước khi bão Chim Mòng biển đổ bộ. Vợ chồng chị Thủy (khu 2 Đồ Sơn) đang chằng chống lại cửa hàng và che đậy đồ đạc để chuẩn bị sơ tán. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Ông Hoàng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay, tới thời điểm 19h ngày 16/9 tại cảng Cái Rồng mưa rất lớn, gió giật cấp 6-7 và rít theo từng đợt. Theo thông báo mới nhất từ lực lượng biên phòng, cứu hộ thì tại đảo Cô Tô (cách cảng Cái Rồng 80 km), gió giật cấp 10 kèm mưa rất lớn.
Theo như kế hoạch đối phó với cơn bão số 3, lực lượng công an, cảnh sát giao thông phối hợp với đồn biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát biển đã đưa 1650 tàu cá về bến neo đậu an toàn, trong đó có 55 tàu cá xa bờ (02 tài cá của Đông Xá, 01 tàu cá Hạ Long trú bão tại đảo Cô Tô và 01 tàu cá trú tại đảo Ba Mùn). Ngoài ra, công tác cứu hộ phòng chống thiệt hại cơn bão số 3 còn chủ động chằng chống 450 lồng cá các loại, kêu gọi ngư dân nuôi trồng thủy sản lên bờ tránh bão và thực hiện lệnh di dời khẩn cấp 439 hộ dân (1929 khẩu) sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở, tốc mái, phóng viên Nguyễn Hoàn cho biết.
-
-
Tại Cẩm Phả tính đến 20h đêm nay gió đã lớn hơn rất nhiều, gió rít mạnh từng hồi, đường phố vắng bóng người qua lại. Một số khu dân cư và chung cư ven biển đã bị cắt điện để đảm bảo an toàn trong bão, phóng viên Anh Tuấn điện thoại.
-
Anh Phạm Văn Dũng, người sống trên đảo Cô Tô hơn 30 năm, cho biết, toàn bộ hệ thống cáp ngầm đưa điện ra đảo đã ngừng hoạt động, Cô Tô đã mất điện cách đây 50 phút. Hiện tại, ở Cô Tô có mưa vừa, sóng bắt đầu to, gió mạnh hơn. Anh Dũng cho biết theo kinh nghiệm đi biển và sống trên đảo thì bão sẽ đổ bộ trong đêm nay, tuy nhiên sẽ chếch ngược lên phía Móng Cái chứ không vào Cô Tô, phóng viên Thiên Lam thông tin.
-
-
Theo phóng viên Nguyễn Vũ, gió bắt đầu giật mạnh tại Hải Phòng từ 19h tối nay. Hiện nay, tuy mưa không lớn nhưng cả thành phố Hải Phòng đang chìm trong gió giật.
-
Đường ven biển Hạ Long vắng không bóng người đi lại. Ảnh: Thiên Lam.
-
"Cây đổ liên tục tại Đồ Sơn. Hiện tại, gió rất mạnh, tôi không thể đứng vững để chụp ảnh", phóng viên Lê Hiếu.
-
Tại cuộc họp trực tuyến với các quân, binh chủng, quân khu liên quan vào chiều 16/9 trong việc ứng phó với cơn bão số 3, Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh yêu cầu các đơn vị tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, ứng trực 24/24 giờ để ứng phó bão, coi trực bão như trực chiến đấu.
-
Hiện toàn bộ khu vực Đồ Sơn (Hải Phòng) đã mất điện, phóng viên Lê Hiếu cho biết.
-
Theo PV Thiên Lam, trung tướng Phạm Hoài Giang - Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, quân đội đã huy động 28.023 bộ đội, dân quân và cứu nạn hàng hải triển khai phòng chống bão. Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội sử dụng 1.041 phương tiện gồm 505 ô tô, 61 tàu, 32 phà, 48 xe lội nước; 18 bộ vượt sông VSN-1500, 367 xuồng các loại, 5 máy bay... ứng trực làm nhiệm vụ.
-
Vị trí bão lúc 19h. Tâm bão đã rất sát đất liền còn vùng gió mạnh 90km/h đã bao trùm ven biển Quảng Ninh. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
-
Một bạn trẻ ở Móng Cái tên là Daniel Le chia sẻ hình ảnh trên Facebook.
-
Đang trực tiếp có mặt ở Quảng Ninh, ông Lê Thanh Hải (Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương) cho hay, lúc 21h tâm bão chỉ còn cách đất liền chừng 40-50km. "Chỉ 1-2 giờ nữa bão sẽ đổ bộ, tâm bão đi vào khu vực Móng Cái - Tiên Yên, tức là nằm trọn trong phần lục địa Việt Nam", ông Hải trả lời Zing.vn.
-
Ngồi trong nhà nghe tiếng mưa gió quật mạnh, trên Facebook, cô Lê Hoàn - giáo viên trường PTTH Kiến Thụy, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) nhớ lại: "Cũng tầm này cách đây 2 năm, bão đột ngột chuyển hướng đổ về Hải Phòng. Gió và mưa lớn làm ngập đường, đổ cây cối, sập mái nhà và làm thổi bay bao nhiêu mái tôn, biển quảng cáo.... Mình có nhận được điện thoại của một phụ huynh học sinh xin phép cho con nghỉ ở nhà giúp gia đình vì đàn lợn đang bơi đầy ngoài ao... Mong rằng cơn bão này không to thế".
-
Cũng theo Phó giám đốc Trung trâm khí tượng thủy văn trung ương Lê Thanh Hải, khu vực bão đổ bộ sẽ có gió mạnh từ cấp 9-11, giật cấp 12.
Ngoài ra, với hình thái mây của bão Kalmaegi, mưa lớn sẽ tập trung ở vùng trung du, miền núi phía Bắc với lượng 200-300 mm. Khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội tổng lượng mưa không quá lớn, chỉ khoảng 100 mm.
-
Cây đổ tại khu 2 Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Lê Hiếu.
-
Phóng viên Hoàn Nguyễn điện thoại cho biết, hiện tại tại Cái Rồng mưa đã ngớt nhiều, điện lưới đã có trở lại, người dân lại bắt đầu ra đường. Các đồn biên phòng tại đây cho biết, cơn bão số 3 được dự báo nguy hiểm, nên công tác neo đậu tậu đã làm rất nghiêm túc. Các tàu đều được neo đậu các vùng nước, có che chắn,
-
Anh Phạm Văn Dũng cho biết bão đã đổ bộ vào Cô Tô, cấp 12, sóng biển cao 4-5 m. người dân lo sợ không dám ra biển, phóng viên Thiên Lam thông báo.
-
Theo thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, vào khoảng 17h30, ngày 16/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gió mạnh đã khiến cho lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp sự cố, gây mất điện tại các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều. Trong đó, các khu vực mất điện hoàn toàn là huyện Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô.
-
Bản tin lúc 21h của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho hay, tâm bão lúc 20h ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11-12.
Vùng tâm bão đang đi vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, sau đó dần suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp theo là một vùng áp thấp.
Đêm nay và sáng mai, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ 25 - 30 km/h. Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, sóng biển cao 5-6 m.
Trong đêm 16/9, các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9-10. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8. Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to.
-
Đường đi và vị trí của cơn bão lúc 20h.
-
Trả lời phóng viên Hoàn Nguyễn, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết ở khu vực Cái Rồng, 10 ngôi nhà ở bị tốc mái, 1.000 ha lúa bị đổ, hiện tại mưa lớn diện rộng tất cả huyện Tiên Yên, Đầm Hà, chưa có xuất hiện lũ. Theo thông tin từ huyện Cô Tô, vào lúc 21h, trên địa bàn huyện đảo gió cấp 7, 8, giật cấp 10; lượng mưa khoảng 80 mm. Tình hình bão tại Cô Tô bắt đầu diễn biến nhanh và phức tạp. Hiện, các phương tiện tàu, thuyền, mảng, lồng bè vẫn an toàn, bên cạnh đó các hộ dân đã chủ động chằng chống lại nhà cửa để đối phó.
-
21h40, mưa to gió lớn nhưng nhiều xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm phóng ra ngoài đường ở Hạ Long. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Cửa tự động tại các khách sạn ở Hạ Long được chèn bao cát vì gió khá lớn. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Facebook của Bùi Cường đăng tải ảnh từ sáng sớm nay, khi cơn bão chưa đổ bộ vào đất liền, Ban QLDA HH 2 thuộc Cục Hàng Hải Việt Nam đã làm lễ cầu bình an, xin Mẹ Thiên nhiên giúp đơn vị không bị cơn bão gây thiệt hại.
-
Lúc 21h 16/9, gió rít từng hồi kèm mưa lớn ở Cẩm Phả (Quảng Ninh).
-
Việc phóng sinh cặp vịt trắng về với biển cũng là cách đơn vị này "trao đổi" với mẹ Thiên nhiên, cầu mong bà nhẹ tay.
-
Anh Bùi Cường, cán bộ xây dựng Cảng Hải Phòng, cho biết thêm trước mỗi trận bão lớn, toàn công trường lại tổ chức cúng lễ cầu bình an và phóng sinh động vật.
-
Theo thông tin Báo Quảng Ninh, cho đến thời điểm này bão số 3 chưa gây thiệt hại về người, bão mới gây đổ gẫy một số diện tích lúa mùa của TP Móng Cái và tốc mái một số nhà.
Tại huyện Cô Tô vào thời điểm 21h đã có gió bão giật cấp 10, có sóng to, mưa lớn; huyện Vân Đồn từ 17h chiều đã có gió cấp 5- cấp 6, đến 20h gió bắt đầu mạnh hơn giật cấp 8 - cấp 9 kèm mưa to. Tại TP Móng Cái gió cũng bắt đầu mạnh dần lên từ lúc 20h tối, kèm theo những cơn mưa vừa, mưa nhỏ. Tại TP Hạ Long và TX Quảng Yên nơi được dự báo tâm bão sẽ đổ bộ cũng đã có gió mạnh cấp 7- cấp 8, có thời điểm gió giật đến cấp 9.
-
Cơ quan Khí tượng Hồng Kông ghi lại đường của bão "Chim Mòng biển" khi vào Biển Đông cho đến lúc đổ bộ.
-
Hình ảnh ghi nhận lúc 22h tại Hạ Long. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Phóng viên Nguyễn Hoàn cho hay, tối nay khi bão đổ bộ, hai người đàn ông khoảng 50 tuổi cố gắng chạy ra ngoài buộc kéo tàu để tránh va nhau tại cảng Cái Rồng. Neo được tàu xong hai người đã chạy vội vào khoang tàu tránh mưa rét. Dù nhận được phản ánh của Zing.vn nhưng lực lượng chốt trực không có động thái xử lý nào để đảm bảo an toàn cho 2 ngư dân này.
-
Đường phố Hạ Long thời điểm hiện tại.
-
23h 16/9, nội thành Hà Nội đã bắt đầu có gió giật mạnh, một số nơi mưa nặng hạt. Dự kiến, sáng 17/9, thủ đô sẽ có mưa lớn.
-
Theo Trung tâm dự báo KTTV Trung ương, lúc 22h, tâm bão nằm trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km một giờ), giật cấp 11-12.
Lúc bão đổ bộ, đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật cấp 12, Cô Tô có gió giật cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật cấp 6-8. Đông Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 70 mm, có nơi cao hơn như Mẫu Sơn 112mm, đảo Cô Tô 161 mm.
Đêm 16, sáng 17/9, bão di chuyển nhanh theo hướng tây chếch bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 17/9, trung tâm vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ.
-
Các thành viên trên một nhóm Facebook thông báo tình hình tại các địa phương.
-
Sau khi Zing.vn đăng tải thông tin hai người đàn ông co ro trong bão buộc neo đậu lại thuyền khi bị sóng đánh thì lực lượng đồn biên phòng Cái Rồng và cảnh sát biển đã cử chiến sĩ ra cứu hộ giúp hai người đàn ông này vào bờ tránh bão. Đồng thời lực lượng này cũng buộc neo lại cho những chiếc thuyến bị sóng đánh. Phóng viên Hoàn Nguyễn điện thoại từ Cái Rồng.
-
Theo báo Quảng Ninh, từ 20h30 ngày 16/9, các lực lượng chức năng thực hiện việc cấm người đi bộ, phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy. Người và phương tiện bị cấm sẽ được vận chuyển qua cầu bằng ô tô để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến 23h cùng ngày, do gió lớn nên lực lượng chức năng đã cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu Bãi Cháy. Lệnh cấm cầu sẽ được gỡ bỏ khi điều kiện thời tiết cho phép.
-
Bão Kalmaegi đổ bộ, mưa lớn bao trùm miền Bắc
Sau khi đổ bộ vào đất liền làm 10 ngôi nhà bị tốc mái, 1000 ha lúa bị đổ, hoàn lưu bão Chim Mòng biển đang gây mưa lớn diện rộng khiến nhiều địa phương có nguy cơ bị ngập.