Những tấm bưu thiếp in hình ảnh Vịnh Hạ Long từ lâu đã thu hút rất đông du khách đến với di sản thế giới được UNESCO công nhận của Quảng Ninh. Năm 2017, vịnh Hạ Long đón gần 7 triệu lượt khách quốc tế và trong nước. Các cơ quan chức năng hy vọng con số này vào cuối năm 2020 sẽ tăng lên 16 triệu và thu về 1,3 đến 1,7 tỷ USD doanh thu.
Một trong những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này chính là khai trương sân bay quốc tế Vân Đồn vào ngày 30/12/2018 vừa qua. Sân bay Vân Đồn sẽ giảm đáng kể thời gian di chuyển đến vịnh Hạ Long của du khách nước ngoài.
Trước đây, để đến vịnh Hạ Long, phải mất khoảng 8 tiếng di chuyển cả đi và về từ Hà Nội. Giờ đây, quãng đường từ sân bay Vân Đồn đến Hạ Long chỉ tốn hơn 1 giờ di chuyển. Khi sân bay Vân Đồn hoạt động hết công suất, vịnh Hạ Long sẽ được kết nối trực tiếp với 35 thành phố khác, gồm Hong Kong, Macau và 10 thành phố khác của Trung Quốc đại lục.
Sân bay mới của tỉnh Quảng Ninh cũng nằm cạnh đường cao tốc Hạ Long -Vân Đồn, giúp cắt ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Vân Đồn còn 2 giờ 30 phút, và một cảng du lịch quốc tế mới có sức chứa tối đa 2 tàu lớn với 8.460 hành khách và nhân viên làm việc trên tàu. Đây có thể là tiền đề dẫn đến việc quá tải khách du lịch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Sự ô nhiễm ở Hạ Long đã bị phàn nàn từ lâu
Quay trở lại tháng 8/2012, nhà báo du lịch Mary O’Brien viết trên tờ Traveller của Australia rằng “thực tế phía sau những tấm bưu thiếp rất đáng lo ngại.”
“Khi tôi đến đó, tàu của chúng tôi bị vây xung quanh bởi các tàu hàng container. Các bãi biển gần bến cảng và bến tàu thường có nhiều rác và các trang web du lịch cũng nhận được phàn nàn từ du khách về tình trạng ô nhiễm”, O’Brien viết.
Hình ảnh một góc vịnh Hạ Long đầy rác được đăng tải trên một tài khoản Instagram tháng 9/2018. Ảnh: Plastic.free.vanity |
Những năm sau đó, những quan sát tương tự cũng được ghi nhận vô số lần trên mạng xã hội và các diễn đàn. Khách du lịch phàn nàn bị “lùa” đến những địa điểm quá đông đúc tương tự nhau và lượng rác trên biển. Hang Sửng Sốt dường như nổi danh vì sự đông đúc khách du lịch và ánh sáng lòe loẹt thay vì cấu tạo đá vôi của mình. Mùa hè năm ngoái, các tình nguyện viên đã thu nhặt được 741 kg rác thải từ các bãi biển Cọc Chèo và Áng Dù ở vịnh Hạ Long.
Và mối lo không chỉ nằm ở những rác thải nhìn thấy được. SCMP dẫn lại báo chí trong nước rằng vào tháng 7/2018, khoảng 80% chất thải tại địa phương được đổ thẳng ra biển không qua xử lý. Và đây không phải là cách đối xử phù hợp với một vịnh biển hấp dẫn như Hạ Long.
Cũng trong tháng 7/2018, Liên minh Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) tuyển dụng các nhà tư vấn để nghiên cứu về du lịch và quản lý rác thải tại di sản thế giới của UNESCO. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố ngày 5/1 cho thấy “số lượng khách du lịch cũng như sự ô nhiễm đang tăng lên nhanh chóng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Vịnh Hạ Long, đặc biệt là trong mắt du khách quốc tế.”
Trừ khi những người có trách nhiệm bảo vệ vịnh Hạ Long nhanh chóng thay đổi hành động, doanh thu từ du lịch, động lực tăng trưởng của đất nước, sẽ có nguy cơ bị đình trệ. Không như những chiếc phi cơ, tàu du lịch và xe buýt đang đổ về vịnh Hạ Long ngày một nhiều.
Bài học từ Venice và Indonesia
Venice là một trường hợp mà vịnh Hạ Long có thể học hỏi. Thành phố xinh đẹp của Italy đón khoảng 20 triệu lượt khách mỗi năm. Đa phần trong số này là những người đến và rời đi trong ngày. Họ tràn ngập khắp các con hẻm chật hẹp và làm tắc những cây cầu ở Venice.
Mỗi du khách muốn qua đêm tại Venice phải chịu thuế khách sạn lên tới 6 USD một đêm. Những người chọn không ngủ lại ở Venice sẽ tiết kiệm được khoản chi phí này.
Nhưng ngày 30/12/2018 vừa qua, thị trưởng thành phố Luigi Brugnaro tuyên bố trên Twitter rằng Venice sẽ thu thuế du lịch với cả những du khách chỉ ở thành phố trong ngày mặc dù vẫn chưa có thông tin cụ thể mức phí sẽ là bao nhiêu. Những điểm du lịch khác đang có nguy cơ quá tải như vịnh Hạ Long nên theo dõi cách làm Venice.
Khách du lịch đông đúc ở Venice, Italy. Ảnh: Reuters. |
Nước láng giềng Indonesia cũng đã hạn chế cho khách du lịch nhập cảnh những tháng gần đây nếu hộ chiếu không còn nguyên vẹn. Một cặp đôi người Anh bay đến Bali vào tháng 10/2018 đã bị từ chối nhập cảnh vì các giấy tờ mất một góc nhỏ.
Theo một báo cáo trên tờ The West Australian ngày 2/1, nhà chức trách tại Indonesia bắt đầu thực thi việc phạt các hãng hàng không một số tiền lên tới 5.000 USD nếu cho phép du khách có hộ chiếu không còn nguyên vẹn lên chuyến bay đến xứ vạn đảo.
Một hành khách có bạn đồng hành bị từ chối lên chuyến bay đến Bali vì lý do trên cho biết đã có 20 khách du lịch cũng rơi vào tình cảnh tương tự trong một tháng qua.