Chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó tướng JD Vance đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Politico. |
Giữa lúc bão Helene càn quét miền Đông Nam nước Mỹ, ứng viên phó tổng thống Cộng hòa JD Vance đã phải hủy bỏ hai sự kiện vận động tranh cử tại các thành phố Macon và Flowery Branch, bang Georgia.
“Tôi gửi lời cầu nguyện tới những người bạn tại Florida và Georgia, những người đang phải đối mặt với cơn bão dường như rất tồi tệ này”, ông Vance viết trên mạng xã hội X hôm 26/9.
Trong khi phe Cộng hòa cho biết các sự kiện sẽ được tổ chức trở lại “sớm nhất có thể”, những người phản đối ông Vance chỉ ra điều trớ trêu: Chính trị gia Cộng hòa đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu mà ông thường xuyên tỏ ý nghi ngờ.
Ông Vance từng tuyên bố bản thân “nghi ngờ rằng biến đổi khí hậu hoàn toàn gây ra bởi con người” và gọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden là “trò lừa đảo xanh”.
Việc các sự kiện của ông Vance bị hủy bỏ cho thấy “sự đạo đức giả nguy hiểm của những người chối bỏ biến đổi khí hậu”, bà Cassidy DiPaola, nhà vận động của dự án “Make Polluters Pay Campaign”, nói. “Ông Vance và ông Trump có thể chạy trốn cơn bão nhưng không thể chạy trốn khỏi thực trạng khủng hoảng khí hậu - điều họ tiếp tục chối bỏ”.
Bão tố và nắng nóng
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão như Helene trở nên mạnh hơn và tăng cấp nhanh hơn. Một nghiên cứu được công bố năm 2020 chỉ ra tốc độ mạnh lên của bão giờ đây lớn hơn 30% so với trước thập niên 1990 do nhiệt độ không khí và đại dương đã cao hơn trước.
Năm nay, khu vực bão Helen đi qua ở vịnh Mexico đặc biệt nóng, chủ yếu gây ra bởi hoạt động của con người, theo tổ chức khí hậu Climate Central.
Hôm 24/9, ông Vance tham dự hai sự kiện gây quỹ do các nhân vật cấp cao trong ngành dầu khí tổ chức tại bang Texas: Đồng giám đốc điều hành Double Eagle Energy Cody Campbell và Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunoco Ray Washburne.
Trong khi đó, ông Trump đã cam kết cắt giảm các quy định về môi trường để đổi lấy các khoản tài trợ từ ngành công nghiệp dầu khí. Ông cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ khoản chi “điên rồ” cho các dự án năng lượng sạch nếu trở lại Nhà Trắng.
Giống như ông Vance, chiến dịch của ông Trump cũng phải đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt và những cơn bão - vốn đang trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu.
Hồi tháng 6, 24 người tham gia một sự kiện vận động tranh cử của ông Trump tại Las Vegas cần được chăm sóc y tế do nắng nóng gay gắt. 11 người khác cũng được đưa đến bệnh viện do kiệt sức trong một sự kiện khác tại thành phố Phoenix, bang Arizona.
“Tôi đang ở đây, mồ hôi nhễ nhại”, ông Trump phàn nàn khi đứng trên bục phát biểu tại Las Vegas, khi nhiệt độ lên đến 38 độ C. “Họ không nghĩ gì đến tôi cả. Đây đúng là công việc khó khăn”.
Người ủng hộ tham gia một cuộc vận động tranh cử của ông Trump tại bang Nevada hồi tháng 6 giữa nắng nóng gay gắt. Ảnh: New York Times. |
Vận động khó khăn hơn
Theo ông Jesse Keenan, chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Tulane (Mỹ), khủng hoảng khí hậu đang khiến việc tổ chức vận động tranh cử trở nên phức tạp hơn - giống như nhiều hoạt động ngoài trời khác.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến việc tụ tập đông người trở nên khó khăn hơn, nhất là ở ngoài trời”, ông Keenan nói. “Con người không quen đứng ngoài trời hàng tiếng giữa nắng nóng. Việc nhìn thấy người khác bị sốc nhiệt và gục xuống sẽ là trải nghiệm nhớ đời. Chúng ta đang thấy Donald Trump tổ chức các sự kiện nhỏ hơn và ở trong nhà”.
Ông Keenan chỉ ra các ban tổ chức sự kiện giờ đây sẽ phải chuẩn bị thêm nhiều công trình để phục vụ sự kiện như các công trình làm mát, tạo bóng râm hay trạm cấp cứu, qua đó tốn thêm chi phí vận hành.
“Nếu có lũ, mọi người sẽ khó lái xe đến các cánh đồng đầy bùn đất (nơi các cuộc vận động thường được tổ chức - PV) ở vùng nông thôn hơn. Nếu nắng nóng, các ứng viên - những người thường xuyên phải di chuyển - sẽ khó giữ đầu óc tỉnh táo hơn. Khi bão ập đến, người dân có thể phải rời bỏ nhà cửa và gặp khó nếu muốn đi bầu cử”, vị chuyên gia bổ sung.
Theo văn kiện của dự án “Project 2025” - vốn được coi là “cương lĩnh chính trị” của phe cánh hữu, dù ông Trump đến nay vẫn giữ khoảng cách nhất định với bản văn kiện - Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) trực thuộc sẽ bị giải tán và thương mại hóa.
Theo ông Keenan, tư nhân hóa lĩnh vực dự báo thời tiết sẽ là “ý tưởng rất tồi tệ” do các công ty tư nhân có thể cắt giảm cảnh báo thời tiết cực đoan cho người dân nếu không có lợi nhuận.
“Nếu chuyển lĩnh vực này cho tư nhân, chúng ta sẽ không thể đảm bảo các dự báo sẽ được đưa ra vì lợi ích cao nhất của cả cộng đồng”, ông nói.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.