Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bao giờ TP HCM có đường trên cao?

Theo quy hoạch, đến năm 2020 TP HCM sẽ có năm tuyến đường trên cao. Thế nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai xây dựng do nhà đầu tư chưa có phương án khả thi.

Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, áp lực giao thông trên đường ngày càng nặng nề nên cấp bách đầu tư xây dựng đường trên cao nhằm giải quyết giao thông cho TP HCM.

Thế nhưng nhiều dự án chưa triển khai được do khó khăn về vốn dù ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải TP HCM vào năm 2007, đã có nhiều nhà đầu tư đề xuất xây dựng tuyến đường trên cao TP HCM.

Nhiều dự án còn trên giấy

Tháng 12/2007, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đã có báo cáo nghiên cứu ban đầu với đề xuất đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) xây dựng tuyến đường trên cao số 1 dài 9,5 km, bốn làn xe, vận tốc 80 km/h.

Nhà đầu tư đưa ra phương án thi công trong bốn năm và cho biết tuyến đường này mang lại hiệu quả giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi cho người điều khiển xe và tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu thông.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2008 E&C cho biết dự án có kinh phí 340 triệu USD trong khi khả năng thu phí chỉ đạt 20-30%, không đủ thu hồi vốn. Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị TP HCM cần điều chỉnh bổ sung hình thức đầu tư BOT, BT (đầu tư, chuyển giao) và các hình thức đầu tư khác thì dự án mới khả thi.

Tuy nhiên theo cơ quan chức năng, do nhà đầu tư không thực hiện theo hình thức BOT và do vốn ngân sách hạn hẹp nên dự án tạm dừng từ năm 2009.

Năm 2009, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO) đề xuất xây dựng đường trên cao từ nút giao Thủ Đức đến nút giao An Lạc (năm 2013 được quy hoạch là đường trên cao số 5) dài 34 km và nhánh đường trên cao quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến cầu vượt Củ Chi) dài 8,2 km.

Theo đó, IDICO đề xuất phương án mở rộng lộ giới lên 45 m (theo quy hoạch năm 2007, lộ giới đoạn quốc lộ 1 trên 120 m và đến năm 2013 được điều chỉnh còn 70 m), tổng mức đầu tư 36.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên TP HCM đề nghị cần mở rộng lộ giới đến 120 m nhưng theo IDICO, phương án này vốn đầu tư tăng lên 74.092 tỷ đồng thì vượt quá khả năng tài chính nên dự án cũng tạm dừng.

Xe cộ kẹt cứng kéo dài trên đường Phan Đình Phùng thuộc P.1, Q.Bình Thạnh và P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM khi vào giờ cao điểm.
Xe cộ kẹt cứng kéo dài trên đường Phan Đình Phùng thuộc phường 1, quận Bình Thạnh và phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM khi vào giờ cao điểm.

Trước đó năm 2007, Tổng công ty Xây dựng số 1 đề xuất làm chủ đầu tư dự án đường trên cao số 4 từ ngã tư Bình Phước (giao quốc lộ 1 và quốc lộ 13) vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 dài khoảng 9,6 km, kinh phí gần 14.000 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Trung Thanh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1, suốt từ đó đến nay trải qua 4-5 cuộc họp vẫn chưa gút được chuyện TP HCM lo chi phí đền bù giải tỏa khoảng 7.000 tỷ đồng, phần còn lại 7.000 tỷ đồng xây lắp do nhà đầu tư lo.

Ông Thanh cho biết dự kiến năm 2016 sẽ bàn lại dự án này.

Người Sài Gòn bì bõm giữa đường sau hai trận mưa lớn

Hai trận mưa lớn trút xuống TP HCM khiến nhiều tuyến đường ngập mênh mông trong nước từ chiều đến 21h tối 30/7.

Cần làm đường trên cao nào trước?

Với mật độ xe lưu thông tăng cao trên các tuyến đường nội thành, cần phải xây dựng trước tuyến đường trên cao số 1 và số 2.

Thế nhưng các nhà đầu tư lại ngại vốn đầu tư quá lớn, trong đó đền bù giải tỏa chiếm hơn 50%. Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho rằng nếu ngân sách lo phần đền bù giải tỏa mở rộng mặt đường thì đơn vị sẽ bỏ vốn đầu tư xây dựng đường trên cao số 5, vì nếu bỏ toàn bộ vốn đầu tư xây lắp và đền bù giải tỏa thì dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, vượt quá khả năng tài chính của nhà đầu tư và không có hiệu quả kinh tế.

Để giải quyết vấn đề nan giải về vốn đền bù giải tỏa cho dự án đường trên cao, đầu tháng 8/2015 Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thay mặt các nhà đầu tư gồm CIPM Cửu Long, Tổng công ty bêtông 620 Long An, Công ty 624, Công ty Phương Thành và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT trình UBND TP HCM đề xuất dự án đầu tư xây dựng đường trên cao số 5.

Theo đó, tuyến đường trên cao này được xây dựng ở giữa quốc lộ 1 (xa lộ Đại Hàn) đoạn từ nút giao thông trạm 2 (quận Thủ Đức) đến tuyến đường Tân Tạo - Chợ Đệm (đường nối vào đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh) với chiều dài 30,4 km, không đền bù giải tỏa nhà dân hai bên đường.

“Việc đầu tư tuyến đường trên cao số 5 là cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả đầu tư vì số lượng xe lưu thông trên đường này sắp vượt quá thiết kế đường” - cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 1, cho biết.

Thế nhưng vị cán bộ này cho rằng cần phải giải tỏa mở rộng lộ giới đường để tạo làn đường mới cho xe lưu thông và sau đó mới xây dựng đường trên cao. Nếu không, giao thông trên tuyến quốc lộ này trở nên trầm trọng cho xe đi từ các tỉnh miền Đông về các tỉnh miền Tây và ngược lại.

Theo ông Hoàng Trung Thanh, nếu ngân sách TP HCM lo đền bù giải tỏa, nhà đầu tư bỏ vốn phần xây dựng đường trên cao, khi đó các dự án xây dựng đường trên cao mới khả thi và không còn bị ì ạch kéo dài như những năm qua.

5 dự án đường trên cao

- Đường trên cao số 1: điểm đầu đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Xích Long nối dài - Điện Biên Phủ. Tại đây tách thành một nhánh xuống khu vực nút giao Điện Biên Phủ, nhánh còn lại đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An, chiều dài 9,5 km.

- Đường trên cao số 2: điểm đầu tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 656 Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước, hẻm 654 Âu Cơ - dọc công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với quốc lộ 1 (vành đai 2), chiều dài 11,8 km. Tuyến này đi qua địa bàn các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân.

- Đường trên cao số 3: điểm đầu giao với đường trên cao số 2 - đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - đường Nguyễn Văn Linh, dài 8,1 km. Tuyến này đi qua địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 8, 10 và huyện Bình Chánh.

- Đường trên cao số 4: điểm đầu tại quốc lộ 1 (giao với đường trên cao số 5) - đường Vườn Lài vượt qua sông Vàm Thuật tại vị trí rạch Lăng và đường sắt Bắc - Nam tại khu vực cầu Đen, đường Phan Chu Trinh. Kéo dài qua khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ, giao với tuyến đường trên cao số 1 dài khoảng 7,3 km (quận 12 - quận Bình Thạnh - quận 1).

- Đường trên cao số 5: điểm đầu nút giao trạm 2 (quận Thủ Đức) đi theo quốc lộ 1 đến nút giao An Lạc dài 34 km (Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh).

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150824/bao-gio-tphcm-co-duong-tren-cao/957279.html

Theo Ngọc Ẩn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm