Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bao giờ người Anh lại có Quả bóng vàng?

Khi cả thế giới hướng về Thụy Sỹ để theo dõi Lễ trao giải Quả bóng vàng FIFA 2015, ở nước Anh, những người làm bóng đá và người hâm mộ nước này có lẽ đang lặng mình với hoài niệm.

Thống kê lịch sử cung cấp cho người Anh quyền tự tin ưỡn ngực và bước lên sánh ngang cùng một số cường quốc bóng đá trên thế giới. Với 5 lượt cầu thủ từng giành Quả bóng vàng (QBV), nước Anh ngang bằng Argentina, Brazil, Italy và Bồ Đào Nha.

Ngay từ khi giải thưởng QBV châu Âu (tiền thân của QBV FIFA hiện nay) ra đời, nước Anh đã tạo nên dấu ấn. Giải thưởng đầu tiên năm 1956 thuộc về huyền thoại Stanley Matthews. Ông đoạt giải đầy bất ngờ bởi vì mùa 1955/1956, Blackpool của ông chỉ đứng thứ hai ở giải hạng Nhất Anh, quá lép vế nếu so với huyền thoại Di Stefano giành cúp C1 châu Âu cùng Real Madrid.

Khi đoạt giải, Matthews đã 41 tuổi. Năm ấy ông vẫn đang là tuyển thủ Anh. Chơi bóng chuyên nghiệp từ năm 1932, mãi đến năm 1965, Matthews mới chia tay bóng đá đỉnh cao trong màu áo Stoke City. Khi ấy, ông vừa tròn… 50 tuổi.

Stanley Matthews là huyền thoại của chuẩn mực trong việc rèn luyện thể lực, tinh thần thi đấu chuyên nghiệp và chơi bóng đầy cống hiến. Cho đến giờ ông là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng tước hiệu Hiệp sĩ Hoàng gia Anh khi còn thi đấu.

Bốn cầu thủ Anh từng đoạt Quả bóng vàng. 

Năm 1966, huyền thoại Bobby Charlton vượt qua Eusebio đúng một phiếu bầu (81 so với 80). Năm 1978 và 1979, Kevin Keegan lập cú đúp Quả bóng vàng trong màu áo Hamburg.

Hơn 20 năm sau, “thần đồng” Michael Owen ở tuổi 22 đánh bại hai đối thủ nặng kí là Raul Gonzalez và Oliver Kahn để giành QBV gần nhất của nước Anh. Owen gieo nơi người hâm mộ bóng đá xứ sở sương mù những hy vọng về sự phát triển của bản thân anh cũng như cả nền bóng đá Anh thời điểm đó.

Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau, 15 năm trôi qua, nước Anh khô hạn ứng cử viên trong cuộc đua đến danh hiệu QBV châu Âu, Cầu thủ hay nhất FIFA hay từ năm 2010 là QBV FIFA, đi cùng với những thất bại đau đớn của Tam sư tại các giải đấu lớn.

Cầu thủ thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len duy nhất nằm trong danh sách rút gọn 23 người của năm 2015 là Gareth Bale. Lần gần nhất nước Anh có cầu thủ lọt vào podium (danh sách 3 người cuối cùng) là năm 2005 với cặp Lampard và Gerrard. Báo Telegraph trích dẫn một thống kê để biện hộ: cũng tính từ năm 2005, nước Đức có mình Neuer lọt vào podium.

Tuy vậy chính Telegraph đưa ra tiếp các dẫn chứng để chứng minh sự thụt lùi. Từ khi QBV châu Âu sáp nhập với giải Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA để tạo thành QBV FIFA, chỉ có hai lượt cầu thủ người Anh góp mặt trong 23 cái tên cuối cùng. Cầu thủ ấy là Rooney đứng thứ 5 hồi năm 2011 và thứ 15 ở năm 2012. Nhìn sang các đại gia châu Âu khác, Tây Ban Nha có 27 lượt cầu thủ, còn Đức có 24 lượt.

Telegraph đưa ra giả thuyết, một ngày nào đó, Ross Barkley, Harry Kane, John Stone hay Delle Alli sẽ đóng bộ vest, đáp chuyến bay đến Thụy Sỹ nhận giải. Họ lại tự đặt nghi vấn bằng dẫn chứng: từ thời Kevin Keegan, nước Anh chỉ có thêm 6 ngôi sao lọt vào tốp 3 là Gary Lineker, Alan Shearer, David Beckham, Michael Owen, Frank Lampard và Steven Gerrard.

Nạn nhân thời Messi - Ronaldo

Trong kỷ nguyên Messi - Ronaldo, nhiều ngôi sao xuất chúng phải chấp nhận đứng phía sau và nhường sân khấu lớn nhất cho bộ đôi này.

Huyền thoại Alan Shearer từng giành Quả bóng đồng năm 2006, xếp dưới Matthias Sammer và Ronaldo béo. Ảnh: Telegraph.

Nước Anh không thiếu cầu thủ giỏi. Các thành viên của thế hệ vàng năm 2006 thậm chí còn nằm trong nhóm những người giỏi nhất thế giới ở vị trí của họ. Vấn đề của bóng đá Anh là họ thiếu những ngôi sao xuất chúng nằm trong top đầu thế giới, những người có năng lực thay đổi dòng chảy lịch sử bóng đá của cả quốc gia hoặc cấp độ thấp hơn là xoay chuyển thế cục bằng thiên tài cá nhân.

Hiện tại, cầu thủ Anh không có được môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện, cạnh tranh sòng phẳng và vươn lên đỉnh thế giới.

Quả bóng Vàng cuối cùng cũng chỉ là một danh hiệu cá nhân. Nhưng nó phản ánh một câu chuyện lớn hơn: tư duy quản lý, cách thức phát triển bóng đá trẻ và tương lai của đội tuyển quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà ở thời đại hoàng kim của bóng đá Anh (đỉnh cao là ngôi vô địch thế giới năm 1966), họ sở hữu trong đội hình Quả bóng Vàng châu Âu Bobby Charlton (1966) cùng huyền thoại Bobby Moore xếp thứ tư trong cuộc bầu chọn năm ấy.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm