Phát biểu tại phiên họp tổ sáng 23/5, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cần xem lại quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bà Tâm cho rằng việc giao cho các bộ chủ trì soạn thảo là nguyên nhân khiến nhiều luật, pháp lệnh bị chậm trễ, Quốc hội dự kiến đưa vào chương trình nghị sự rồi sau đó phải thay đổi.
“Đây không phải là chuyện nội bộ của Quốc hội. Việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội. Cử tri trông đợi nhằm đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ”, bà Tâm thẳng thắn.
Đợi đến bao giờ?
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nên xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bà đưa dẫn chứng Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, phần quan trọng nhất là xem xét, xử lý công chức sai phạm sau khi họ ra khỏi cơ quan nhà nước hoặc nghỉ hưu.
“Đây là một vấn đề có tính cấp bách, đại biểu Quốc hội đã có ý kiến từ lâu nhưng chưa thấy đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của năm 2017, thậm chí năm 2019 cũng không có. Vậy phải đợi đến bao giờ?”, bà Tâm đặt câu hỏi và đề nghị nên đưa Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức, viên chức vào chương trình ưu tiên năm 2018.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan chậm trình dự thảo luật. Ảnh: Duy Hiếu.
|
Bên cạnh đó, bà Tâm cho rằng cần có cơ quan chuyên trách, tập hợp những người làm luật và chuyên gia chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng của các dự thảo luật. Việc dự thảo luật, pháp luật chậm trễ cần xem xét nguyên nhân, liệu có động cơ lợi ích gì trong việc trình các dự thảo luật.
Đồng quan điểm, theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc, tình trạng đưa vào rút ra các dự thảo luật tại Quốc hội gây là lãng phí lớn, bức xúc trong cử tri và đại biểu. Ông đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan trình dự luật không đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nêu lên thực trạng kém chất lượng của các tờ trình dự thảo với những lỗi ngây ngô, nhầm lẫn khiến lãng phí thời gian của đại biểu.
Không tạo cơ hội cho người có sai phạm thoát tội
Góp ý về Nghị quyết xử lý nợ xấu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra câu hỏi về cách thức xử lý nợ xấu liệu có trái các quy định và luật hiện hành hay không.
“Nghị quyết của Quốc hội nhưng có một số điều trái luật hiện hành sẽ gây những thắc mắc lớn trong cử tri và cán bộ công chức”, ông Nghĩa nói.
Luật sư Nghĩa cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung quá gấp, cần có thêm thời gian cho đội ngũ luật sư, chuyên gia ngân hàng tính toán kỹ hơn. Như vậy, sẽ có những cách tháo gỡ, xử lý nợ xấu tốt hơn mà không cần ra một quy định trái với luật hiện hành.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Nghị quyết nợ xấu không phải làm cho một số người có sai phạm thoát tội". Ảnh: Duy Hiếu.
|
“Luật cần phải phổ cập, ổn định lâu dài. Sự ổn định đó làm người dân và các nhà đầu tư yên tâm để họ thiết kế những hợp đồng trung hạn và dài hạn”, ông Nghĩa bày tỏ.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ băn khoăn của cử tri liên quan đến tổn thất mà nợ xấu gây ra cho xã hội. Những chủ trương vừa qua của Nhà nước gây tranh cãi trong cử tri.
“Dư luận đặt ra câu hỏi rằng coi chừng những quy định này giúp một số người thoát được trách nhiệm trong khi những sai phạm đó gây hậu quả nặng nề. Làm thế nào rồi cuối cùng Nhà nước phải đi gánh đến mấy chục nghìn tỷ nợ xấu. Cuối cùng đó cũng là tiền thuế của người dân. Nhưng xử lý cá nhân sai phạm lại rất chậm chạp”, ông Nghĩa phân tích.
Đại biểu này cũng nói thêm: “Nghị quyết xử lý nợ xấu là đúng. Tuy nhiên, phải làm cho nhân dân tin rằng nghị quyết này không phải làm cho một số người có sai phạm thoát tội”.