Giả thử cuốn “The End of October” của Lawrence Wright được dịch sang tiếng Việt và phát hành ngay tháng này, sẽ có nhiều người nhầm tưởng, khen tác giả viết nhanh, sao chỉ trong một thời gian cực ngắn lại có thể dựa vào dịch Covid-19 để viết tiểu thuyết sinh động như vậy.
Họ sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết tác giả bắt đầu viết vào năm 2017 và xong bản thảo sau cùng vào mùa hè năm 2019!
Khi “The End of October” được xuất bản vào tháng trước tại Mỹ, cuốn sách trở thành một hiện tượng, được bàn tán xôn xao trên mặt báo, trên mạng xã hội, không phải vì đây là một tác phẩm xuất sắc về mặt văn học.
Bìa cuốn sách "The End of October". |
Nó gây xôn xao vì nó dự báo chính xác trên nhiều phương tiện một trận đại dịch càn quét Trái Đất gây ra nhiều thảm họa y như đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Nhân vật chính, bác sĩ Henry Parsons bay đến Jakarta để điều tra căn bệnh lạ, gây tử vong hàng loạt tại một trại tập trung dành cho dân đồng tính, ông phát hiện một loại virus cúm mới gây căn bệnh chết người hàng loạt kể cả cho các bác sĩ đang điều trị tại đây.
Mặc dù kịp thời cách ly cả khu vực, người tài xế chở Parsons đến địa điểm sau đó lại vô tình lên đường đi hành hương tại Mecca, nơi tập trung hơn 3 triệu người cùng hành lễ. Thế là dịch bùng phát, lan rộng khắp thế giới, người chết la liệt, kinh tế đình trệ, xã hội tan rã…
Câu chuyện kéo dài với nhiều tình tiết ly kỳ không phải là mục đích của bài đọc sách này. Điểm làm mọi người sững sờ là nếu Lawrence Wright dựa vào hàng chục cuộc phỏng vấn các chuyên gia dịch tễ học, virus học để tiên đoán đại dịch, tại sao thế giới vẫn bị đẩy vào thế bất ngờ khi đối diện con virus corona chủng mới?
Ai cũng biết đại dịch sẽ kéo đến những chuyện như thế, sao thế giới vẫn như bị virus corona bất ngờ đánh úp.
Ý tưởng viết về một trận đại dịch xuất phát từ lần tác giả gặp nhà làm phim Ridley Scott năm 2010 khi nhà đạo diễn nổi tiếng này muốn làm bộ phim về sự sụp đổ nền văn minh của nhân loại.
Lawrence Wright kể cho tờ Guardian rằng nền văn minh chỉ có thể sụp đổ nhanh chóng vì một trận đại dịch nên bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các trận dịch nhân loại từng trải qua, nhất là trận dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.
Wright xuất thân là nhà báo, viết cho tờ The New Yorker. Có lẽ phong cách viết báo giúp ông thói quen tìm hiểu sâu về đề tài muốn viết nên ông cất công đi phỏng vấn hàng chục chuyên gia y tế đủ lãnh vực.
Cách làm như thế từng đem về cho ông một giải Pulitzer năm 2007 cho tác phẩm “The Looming Tower: Al-Qaeda and the Road to 9/11” viết về sự ra đời của nhóm khủng bố Al-Qaeda và con đường dẫn tới thảm kịch ngày 11/9.
Chính vì thế “The End of October” cho dù là tác phẩm hư cấu nhưng đúng ra là ghi nhận của một nhà báo về sự chuẩn bị của nhân loại cho một đại dịch như Covid-19.
Những gì ông tưởng tượng trong tác phẩm cũng phơi bày những yếu kém dẫn tới sự lúng túng, hoang mang ở nhiều nước khi phải đối phó với dịch.
Dĩ nhiên thực tế chưa đến nỗi như trong tiểu thuyết nơi tỷ lệ tử vong do virus lên đến gần 50%; chính phủ Mỹ chưa đến nỗi phải xuống hầm ngầm để điều hành đất nước, máy ATM chưa hết tiền, các nước chưa đến nỗi gây chiến với nhau vì dịch.
Nhưng tất cả đều có mầm mống xuất hiện, từ các thuyết âm mưu, sự thiếu thốn trang thiết bị y tế, bệnh viện quá tải, người chết nằm khắp các nhà dưỡng lão. Điều đáng nói, mặc dù Wright dự báo đúng nhiều điều, kể cả việc thiếu máy thở, ông và các chuyên gia ông phỏng vấn để viết sách, không ai hình dung được nước Mỹ thiếu khả năng xét nghiệm xác định bệnh thời gian đầu nên sách không hề đề cập đến tình huống này.
Trái với các tít bài điểm sách cho rằng cuốn “The End of October” tiên báo đại dịch, Lawrence Wright nói: “Tôi có một ít suy đoán may mắn là chính xác nhưng hầu hết các điều tôi viết chỉ là những gì các chuyên gia nói sẽ xảy ra nếu có đại dịch”.
Cảnh cách ly hoàn toàn 3 triệu người hành hương tại Mecca thật khó tưởng tượng ra nhưng trong thực tế 11 triệu dân Vũ Hán bị phong tỏa hoàn toàn. Điều đáng sợ là phần sau của cuốn tiểu thuyết chưa diễn ra trong thực tế. Phần này nói về đợt bùng phát thứ nhì của đại dịch với tháng 10 là cao điểm; về chiến tranh xảy ra giữa nhiều nước, ban đầu là các đợt tấn công trên không gian mạng để chiếm quyền điều khiển nhà máy điện, nước, các loại cơ sở hạ tầng; về cuộc điều tra nguồn gốc con virus, về sự tan rã của nền văn minh nhân loại…
Tác giả Lawrence Wright. |
Ở đây, bài điểm sách trên Vox có một ý rất hay. Sau khi nhấn mạnh cuốn “The End of October” không phải là tác phẩm văn học xuất sắc vì xây dựng nhân vật mờ nhạt, rằng đây đúng ra là một cuốn tiểu thuyết giải trí người ta thường mua trên sân bay để đọc trên những chuyến bay dài, giết thời giờ, tờ báo nói: “Tại sao cái thế giới tôi đang sống lại dám giống đến thế cốt truyện một cuốn sách giải trí tại sân bay?”.
Thật là một cách khen không giống ai. Bởi nói thế là người viết muốn nhấn mạnh đại dịch Covid-19 lần này lẽ ra đã không làm ai ngạc nhiên - lẽ ra thế giới đã biết và chuẩn bị sẵn để đối phó với một đại dịch dù nó mang tên Covid-19 hay Kongoli như trong tiểu thuyết.
Tuy nhiên so với cuốn “Dịch hạch” của Albert Camus, “The End of October” đã đoán sai thái độ của người dân bình thường khi đại dịch xảy ra.
Trong “The End of October” xã hội rối loạn, cướp bóc diễn ra, đứa con gái mới 12 tuổi của nhân vật chính phải vất vả đào mộ chôn mẹ trong vườn nhà, rồi đứa em nhỏ hơn buộc lòng phải bắn tên cướp định hiếp chị nó… Wright phải thừa nhận với tờ Los Angeles Times: “Điều tôi không tiên đoán được là sự thật con người ứng xử với nhau tốt hơn nhiều, xã hội có sự gắn bó, đồng lòng hơn tôi hình dung nhiều. Sự hy sinh của các nhân viên y tế đã có những hiệu ứng sâu sắc lên xã hội”.
Đó cũng là vai trò “nâng tâm hồn con người lên” dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào của văn học.
Trong “Dịch hạch”, Camus đã để cho nhân vật bác sĩ Bernard Rieux nói, rất đơn giản: “Ở trong chuyện này không có gì gọi là anh hùng cả. Đây chỉ là sự đàng hoàng theo lẽ thường. Ý tưởng đó có thể làm nhiều người cười cợt nhưng phương cách duy nhất để chống lại một trận dịch là sự đàng hoàng theo lẽ thường”.