Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bão giá không ngăn người trẻ ở TP.HCM mua đồ hiệu, cà phê mỗi ngày

Giá cả leo thang do ảnh hưởng từ xăng dầu, nhưng có những người vẫn duy trì nếp sống cũ với thú vui như uống trà sữa, ngồi cà phê mỗi ngày, mua sắm đồ hiệu.

mua do hieu bat chap bao gia anh 1

Là một chuyên viên thiết kế nội thất tự do, nơi làm việc của Lưu Minh Giang (29 tuổi, TP Thủ Đức) thường là nhà riêng hoặc quán cà phê. Dịch vụ hàng hóa tăng theo giá xăng, tuy nhiên Minh Giang vẫn lựa chọn không từ bỏ thói quen ngồi quán xá.

Người đàn ông này quyết định “thắt lưng buộc bụng” theo cách tự nấu ăn thường xuyên, suy xét kỹ trước khi mua sắm nhưng hạn chế đi cà phê thì anh nói không. Việc thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng, tìm cảm hứng khi làm việc khiến Giang chấp nhận bỏ số tiền khoảng 4-5 triệu mỗi tháng ngồi cà phê.

“Nhìn chung là phục vụ công việc và tìm cảm hứng nên tôi thấy không tiếc gì cả. Cái nào mình có thể tiết kiệm thì tốt, còn không thì vẫn phải xài thôi. Đi nhiều quán có không gian đẹp cũng là cách tôi tìm tòi tư liệu cho mình”, Minh Giang chia sẻ.

“Bão giá” đang là cơn đau đầu của nhiều người ngay sau khi xăng tăng mạnh. Song, vì công việc, nhu cầu và thói quen, việc ngồi cà phê, ăn buffet hay đi bar, pub vẫn được ưu tiên, nhất là với giới trẻ.

Vẫn giữ thói quen cũ

Tần suất ngồi quán cà phê của Minh Giang là khoảng 6-7 buổi/tuần, tuy nhiên nếu phải gặp khách hàng hoặc có trao đổi làm việc với nhiều bên, tần suất sẽ dày đặc hơn.

“Ngoài đi cà phê làm việc tôi cũng hay hẹn hò bạn bè hoặc tìm đến nhiều chỗ mới như các quán bar, pub”, anh Giang cho hay.

Tự xem mình “ký sinh” tại các quán cà phê, Hồng Nhung (26 tuổi, quận 1) không thể từ bỏ niềm vui hay thói quen làm việc tại đây. Vì làm việc cho một công ty liên kết nước ngoài, Nhung ít khi phải lên văn phòng, cô chọn phương án đến các quán cà phê yên tĩnh để tìm cảm hứng.

Bên cạnh đó, Nhung cũng là tín đồ của trà sữa. Nếu để so sánh, cô bạn cho hay một vài quán trà sữa tăng giá, còn các quán cà phê thì khá ít. Tuy nhiên, việc tăng giá nhẹ cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu tiêu dùng của Nhung.

mua do hieu bat chap bao gia anh 4

Nhiều người chọn quán cà phê là nơi để làm việc. Ảnh: Hoàng Quỳnh.

“Tôi nghiện cả cà phê lẫn trà sữa, mỗi ngày phải nạp vào mới tỉnh táo làm việc được. Một vài quán trà sữa ‘ruột’ cũng có nhắn tôi là sẽ đổi menu vì tăng giá nhẹ một vài món nhưng sẽ không quá cao”, Nhung nói thêm.

Ăn uống, sắm đồ hiệu

Làm công việc chăm sóc khách hàng, Lữ Thanh Trúc (23 tuổi, quận Phú Nhuận) hay rơi vào trạng thái căng thẳng. Cô thường xuyên chọn cách giải tỏa căng thẳng bằng việc đi hát karaoke hoặc gặp gỡ bạn bè ở quán bar.

Hội bạn của Trúc cũng là những người có niềm đam mê ăn uống, thông thường cô và mọi người sẽ dành một buổi tối cuối tuần để đi khám phá nhiều quán buffet hoặc các quán lẩu nướng đặc sản.

“Hội của tụi tôi không ngần ngại tìm kiếm niềm vui từ việc ăn uống. Cứ mỗi tuần một thành viên trong nhóm sẽ dắt mọi người đến trải nghiệm quán mới, món ăn mới. Tất nhiên là sẽ có nơi đắt rẻ tùy lúc, nhưng đó là một cách để chúng tôi xả stress sau thời gian căng thẳng công việc nên mọi người thường ít khi phàn nàn. Cũng có thể luân phiên tuần này món đắt tuần sau món rẻ để đỡ ‘xót’ tiền”, Trúc nói.

Vừa ăn tối, Thanh Nhàn (30 tuổi, ngụ quận 7) vừa “chốt đơn” mua hàng online. Đây được xem là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô bạn. “Thời đại bây giờ muốn gì đều có thể tìm trên mạng. Cũng vì vậy mà công cuộc mua sắm trở nên đơn giản hơn bao giờ hết”, Nhàn chia sẻ.

Nói rồi cô chìa điện thoại khoe 2 mẫu túi hiệu bản thân vừa “tậu” trong khoảng thời gian vừa qua. Có chiếc giá 31 triệu đồng, có chiếc 75 triệu đồng, tổng cộng hơn 100 triệu đồng.

“Đó là chưa kể quần áo, phụ kiện hay những món đồ công nghệ. Tùy thu nhập từng tháng, tôi sẽ trích ra một phần để thưởng cho mình các món quà, xem như thành quả lao động”, người phụ nữ hào hứng cho biết.

Việc xăng tăng giá hay vàng miếng “leo thang” không ảnh hưởng lắm đến các khoản sắm sửa đồ hiệu của Thanh Nhàn. Chị quan niệm cuộc sống là để hưởng thụ. Sau khi tích góp tiền mua được nhà chung cư, xe hơi, chị nhận thấy mình có thể tập trung hơn vào bản thân.

“Mỗi người sẽ có ý kiến khác nhau về việc dùng đồ hiệu. Thay vì mua lắt nhắt những món kém chất lượng, tôi ưu tiên chọn các sản phẩm có độ thẩm mỹ cao và bền. Nhiều chiếc túi tôi mua 5-10 năm trước, đến nay vẫn dùng tốt, không bị lỗi mốt”, chị nói thêm.

Theo dự đoán của Thanh Nhàn, giá hàng hóa vẫn sẽ tiếp tục “leo thang” trong thời gian tới. Để đảm bảo cuộc sống không bị ảnh hưởng, chị tính toán đến việc đầu tư vào chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng.

Người dân TP.HCM điều chỉnh thói quen khi vật giá leo thang

Trong khi nhiều người sử dụng dịch vụ đặt thức ăn qua mạng, việc giá xăng tăng ảnh hưởng cước phí khiến phần lớn người dân TP.HCM muốn thay đổi hành vi tiêu dùng.

Xin làm việc tại nhà, thắt chặt chi tiêu vì bão tăng giá

Xăng dầu cùng nhiều nhu yếu phẩm tăng giá đột ngột khiến người dân, doanh nghiệp chật vật trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá xét nghiệm Covid-19

Trong công văn chấn chỉnh việc thu phí dịch vụ xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế không được lấy lý do giá vật tư, hóa chất tăng để tăng giá.

Hoàng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm