“Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy chúng ta đang tiến sát hoặc đã vượt qua” một số ngưỡng bùng nổ khí hậu, nhóm tác giả của nghiên cứu mới nhận định, AFP đưa tin ngày 28/7.
Nghiên cứu mới được công bố một ngày trước trên nguyệt san khoa học BioScience, do một nhóm tác giả thuộc hơn 14.000 nhà khoa học từng ký tên vào sáng kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu thực hiện.
Một ngôi nhà ở thị trấn Doyle, California trong trận cháy rừng ngày 10/7. Ảnh: AP. |
Nhóm tác giả chỉ ra rằng từ năm 2019 đến nay có “sự gia tăng chưa từng thấy” trong số lượng thảm họa liên quan tới khí hậu, bao gồm lũ lụt ở Đông Nam Á, nắng nóng kỷ lục và cháy rừng ở Australia và Mỹ…
18 trong 31 “dấu hiệu sinh tồn” - những chỉ số then chốt đánh giá sức khỏe Trái Đất như lượng phát thải khí nhà kính, độ dày tảng băng, mức độ phá rừng - đều lập kỷ lục theo chiều hướng xấu.
Chẳng hạn, tuy ô nhiễm không khí giảm nhẹ trong đại dịch, mức độ CO2 và methane trong không khí đã đạt đỉnh chưa từng thấy trong năm 2021.
Nhiệt độ nước biển và mực nước biển toàn cầu cũng lập kỷ lục từ năm 2019. Diện tích dải băng ở Greenland và Nam Cực gần đây giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, trong khi sông băng tan chảy với tốc độ nhanh hơn 31% so với 15 năm trước.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhận định rằng đến nay, chính phủ các nước chưa giải quyết tình trạng Trái Đất bị khai thác quá mức, trong khi đây là vấn đề gốc rễ của biến đổi khí hậu.
Nhóm tác giả kêu gọi có sự thay đổi trên 6 phương diện: Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm chất gây ô nhiễm, khôi phục hệ sinh thái, chuyển sang chế độ ăn mà thực vật làm trọng, rời xa mô hình tăng trưởng vô hạn, và ổn định dân số.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đề xuất bộ ba biện pháp trước mắt: Áp thuế phát thải khí carbon, dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, và phát triển kho dự trữ khí hậu chiến lược, bao gồm khôi phục và duy trì các bể hấp thụ carbon và điểm nóng đa dạng sinh thái.