Ôtô mắc cạn trên đường phố đã biến thành sông. Hành khách trên xe buýt được cứu hộ bằng bè. Các ga tàu chìm trong biển nước.
Đó là cảnh tại London, Anh khi lượng mưa lớn khiến nhiều khu vực của thủ đô xứ sở sương mù ngập trong nước hôm 25/7, CNN miêu tả.
Và đó cũng lời cảnh tỉnh rằng ngay cả một số thành phố giàu có nhất thế giới cũng không được chuẩn bị sẵn sàng trước hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu, đài này nhận định.
Thiếu chuẩn bị
Các chuyên gia về khí hậu và cơ sở hạ tầng đã cảnh báo trong nhiều năm rằng London, giống như nhiều thành phố lớn khác, chưa sẵn sàng cho biến đổi khí hậu, với phần lớn thành phố nằm ở vùng đồng bằng và hệ thống thoát nước được xây dựng từ cả trăm năm trước.
Người đi bộ cố gắng băng qua biển nước trên đường phố London. Ảnh: CNN. |
Theo Hội đồng London, 17% diện tích khu vực đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao hoặc trung bình, với hơn 1 triệu người dân đang sống trong vùng đồng bằng ngập lụt.
Thành phố đã xây dựng một hệ thống đập chắn khổng lồ trên sông Thames để ngăn lũ lụt, nhưng những rào cản này dường như vô hiệu khi xảy ra lũ quét do lượng mưa lớn đột ngột đổ xuống - hiện tượng thời tiết ngày càng phổ biến do nhiệt độ nóng lên.
Một báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với nước Anh được công bố vào tháng 6 bởi Ủy ban Biến đổi Khí hậu, cảnh báo "hành động thích ứng đã không theo kịp với thực tế ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu".
“Rủi ro ngập lụt lớn hơn trong môi trường đô thị vì bề mặt bê tông hóa khó thoát nước. Không những vậy, cơ sở hạ tầng thoát nước cũ ở London cũng là vấn đề. Chúng tôi đang nói về hệ thống thoát nước có từ thời Victoria”, Phó giáo sư Liz Stephens tại Đại học Reading cho biết.
Một con đường bị ngập ở London. Ảnh: The Telegraph. |
Trong khi đó, người dân dường như không ý thức được vấn đề này. Hình ảnh hôm 25/7 cho thấy nhiều cư dân London đi lang thang qua những con phố ngập lụt.
Một số người thậm chí còn cố gắng lái xe đi qua vùng nước dâng cao, điều mà các quan chức cảnh báo là không nên vì ôtô có khả năng bị cuốn trôi.
Lực lượng cứu hộ London hôm 26/7 cho biết họ đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi khẩn cấp liên quan đến lũ lụt. Nhiều đội đã được điều động để cứu người mắc kẹt trong mưa lũ ra khỏi ôtô hoặc rời khỏi nhà của họ.
Trước đó, Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) đã đưa ra cảnh báo về mưa lớn và giông bão. Tuy nhiên, theo phó giáo sư Liz Stephens, hầu hết người dân không nhận thức được rủi ro ngay lập tức.
“Đã có một cảnh báo về hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tới người dân nhưng nó bao phủ cả khu vực rộng lớn ở phía đông nam nước Anh”, ông nói. "Hãy thử tượng tượng bạn trong tình huống đó, chỉ đơn giản nghĩ đó là cảnh báo ngập lụt, hoặc thậm chí chỉ là cảnh báo lượng mưa lớn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không ngạc nhiên khi mọi người không chuẩn bị để ứng phó cho điều này”.
Ngoài ra, việc không cập nhật thường xuyên bản đồ dự đoán nguy cơ lũ lụt cũng là nguyên nhân khiến giới chức thành phố không kịp trở tay.
Bản đồ dự đoán khu vực dễ bị ngập lũ tại Anh không có nhiều thay đổi kể từ năm 2013, bất chấp nhiều báo cáo về mối đe dọa thiên tai cùng sự phát triển của công nghệ.
Trên hết, cách thức giám sát và quản lý rủi ro lũ lụt ở Anh đầy phức tạp. Theo đó, mỗi cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm về các phần khác nhau.
Bài toán khí hậu nan giải
Mới chỉ hai tuần trước, trận lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn gây ra đã quét qua các khu vực rộng lớn của Tây Âu, khiến hơn 200 người chết và hàng nghìn người mất nhà cửa.
Ở phía bên kia thế giới, phần lớn tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã bị tàn phá sau trận mưa kỷ lục khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải buộc phải sơ tán vào tuần trước.
Và mặc dù không thể quy kết hoàn toàn sự kiện này là do biến đổi khí hậu, nhưng rõ ràng mưa lớn và lũ lụt đang ngày càng phổ biến hơn.
Lũ lụt gây lở đất ở Erftstadt-Blesses, Đức. Ảnh: AP. |
Trái Đất nóng lên và độ ẩm bị khí quyển hấp thụ có thể dẫn đến những cơn mưa lớn với lượng mưa chưa từng có. Sau thời gian khô hạn kéo dài, những cơn bão dữ dội hơn cùng đất kém hút nước dễ gây ra tình trạng ngập úng.
Các khu vực đô thị có nguy cơ lũ quét cao hơn cả vì bề mặt được bao phủ bởi bê tông không thể hấp thụ nước.
Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, các thành phố lớn như Paris, Thessaloniki, Bucharest và Barcelona nằm trong số khu vực có hơn 3/4 diện tích bề mặt bị "bịt kín", có nghĩa là những nơi này dễ bị ngập lụt.
Trên hết, cho đến nay, nhiều thành phố ở châu Âu vẫn dựa vào cơ sở hạ tầng và hệ thống thoát nước cũ, không thể ứng phó với lượng mưa lớn hơn.
“Rõ ràng các cơn mưa dữ dội gây ra lũ lụt đang tàn phá nước Anh và khắp châu Âu”, Nhà thủy văn học Jess Neumann tại Đại học Reading cho biết. "Mức độ nghiêm trọng và tần suất của lũ lụt là lời cảnh báo cho thấy chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với biến đổi khí hậu".