Những ngày gần đây, đi dọc các tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa phận huyện Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), tuyến quốc lộ 14G qua địa phận các huyện Tây Giang, Đông Giang và các tuyến đường vùng biên giới tỉnh Quảng Nam, phóng viên ghi nhận rất nhiều biển báo, biển chỉ dẫn giao thông đường bộ, các loại thiết bị kỹ thuật đảm bảo ATGT như gương cầu lồi, phản quang, cọc tiêu… bị hư hại, phá hỏng.
Điển hình, tại nhiều vị trí trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua địa phận huyện Đông Giang, hệ thống thiết bị phản quang bị phá hỏng, cạy phá vứt vương vãi ngay cạnh vị trí được lắp đặt.
Dọc tuyến quốc lộ 14G đi qua địa phận các xã A Nông, Tr’hy, Lăng (huyện Tây Giang), nhiều gương cầu lồi, cọc tiêu, gờ chắn bánh bị móp, vỡ, biến dạng, làm mất tác dụng đảm bảo ATGT.
Các thiết bị, biển báo, biển chỉ dẫn giao thông đường bộ trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G qua địa phận các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị hư hại, mất mát. |
Theo ông Bhlinh Mia, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông bị hư hỏng một phần do thời tiết mưa gió lớn, sạt lở đất đá.
Tuy nhiên, một số biển báo, biển chỉ dẫn, thiết bị đảm bảo ATGT bị hư hỏng, mất do những người ý thức kém phá hỏng. Trong đó, có nhiều em học sinh hiếu động đập phá, làm biến dạng các loại thiết bị, biển báo giao thông.
Ông Tán Hoàng Trưng, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB 3.1 xác nhận, thời gian qua, tình trạng các loại thiết bị đảm bảo ATGT, biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trên các tuyến đường ở khu vực miền núi do đơn vị quản lý thường xuyên xảy ra mất mát, hư hỏng, gây mất ATGT khi lưu thông, nhất là tại các khu vực đèo núi, dốc cua nguy hiểm.
“Phổ biến nhất là tình trạng hệ thống phản quang 2 bên đường trên tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua địa phận huyện Đông Giang, hệ thống gương cầu lồi ở quốc lộ 14G thường xuyên bị lột bỏ, phá hỏng, làm biến dạng, mất công dụng cảnh báo, chỉ dẫn người tham gia giao thông.
Theo quy định, những hành vi này được xem là phá hoại tài sản Nhà nước, khi bị phát hiện đều được cơ quan chức năng xử lý”, ông Trưng cho hay.
Cũng theo ông Trưng, để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng này, sau mỗi lần phát hiện, Chi cục QLĐB 3.1 đều có công văn gửi UBND các địa phương đề nghị phối hợp, chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý; đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước.
“Cùng đó, Chi cục QLĐB 3.1 cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ hệ thống thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo ATGT.
Tại các vị trí bị hư hỏng, mất mát, khẩn trương khắc phục, bổ sung, sửa chữa, hạn chế các rủi ro, nguy hiểm đối với người và phương tiện lưu thông”, ông Trưng thông tin.