Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão đổ bộ, hai người chết, một mất tích

Đổ bộ Quảng Ninh - Thái Bình vào trưa 24/6 và hoành hành nhiều giờ trước khi suy yếu, bão Kujira đã gây nhiều thiệt hại. Ba người thiệt mạng và mất tích đều ở Sơn La.

Trưa 24/6, bão Kujira đã đi vào địa phận Quảng Ninh - Hải Phòng và gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10). Ven biển Quảng Ninh đến Nam Định có gió giật mạnh cấp 7-8, riêng Quảng Ninh - Hải Phòng gió giật cấp 9-10 (Bãi Cháy có gió giật mạnh cấp 10). Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-80 mm.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tại Đồ Sơn. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, do tốc độ di chuyển của bão rất chậm nên thời gian để toàn bộ cơn bão quét qua bờ biển (từ rìa bên này tới rìa bên kia cơn bão) có thể kéo dài tới 6 giờ.

Bạn đọc có thông tin, hình ảnh về mưa bão xin vui lòng gửi vào hòm thư toasoan@news.zing.vn.

"Thời gian đổ bộ kéo dài khiến gió mạnh duy trì lâu hơn, mưa nhiều hơn", ông Hải nói. Tuy nhiên, khi cập bờ, sức gió giảm còn cấp 8 (khoảng 75 km/h).

Mưa bão đã gây nhiều thiệt hại. Theo thống kê nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, bão Kujira gây mưa trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc khiến 2 người chết, một người mất tích, đều ở Sơn La

Do bất cẩn khi đi lại trong mưa lũ, chị Lò Thị Thương, 25 tuổi, ở xã Mường Khiêng (Thuận Châu) và cụ Giàng Tao Lánh, 100 tuổi ở xã Chiềng Tương (Yên Châu) đã thiệt mạng.

Mưa lớn làm sập nhà anh Hà Văn Thắng ở huyện Mộc Châu, cuốn trôi 4 người. Ba người lớn trong gia đình được cứu thoát, riêng em Hà Văn Kiên (4 tuổi) mất tích.

Tại Quảng Ninh, từ 4h sáng sóng kèm theo gió lớn đánh đứt neo một đầu kéo và 4 sàn lan đang neo đậu trú bão thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn và trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng. Chiều cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Ngọc Vừng đã tiếp cận được đầu kéo cứu hộ và đưa cả 10 thuyền viên trên một trong 4 chiếc sà lan bị trôi dạt vào bờ.

17h ngày 24/6, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Đêm 24, ngày 25/6, mưa lớn xuất hiện ở khu vực Đông Bắc Bộ. Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả Nam Tây Bắc).

  • Tại Hải Phòng, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, hai tàu neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ đứt dây neo đâm vào bờ và bị đắm. 

    Thành phố này cũng đã có mưa rào rải rác và gió giật nhẹ. Các tuyến đường chưa xảy ra ngập lụt. Riêng tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió bão giật cấp 11-12 kèm mưa lớn. Tất cả nhà dân và cơ quan công sở đều đóng cửa tránh bão.

    Tại Nam Định, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, bờ biển các huyện Hải Hậu, Giao Thủy gió đang mạnh dần, sóng lớn. Trước đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tỉnh đã đưa toàn bộ 1985 tàu, thuyền đánh cá vào bờ tránh bão.

    Ngoài ra, tỉnh yêu cầu UBND các xã ven biển trực tiếp xuống địa bàn ra soát các hộ có nhà lán, tạm bợ di dời trước khi bão đổ bộ. Đồng thời chuẩn bị lực lượng sẵn sàng các phương án đề phòng khẩn cấp sau bão.

    Do ảnh hưởng của bão số 1, tỉnh Nam Định đã ghi nhận gió cấp 5, giật cấp 7 tại Văn Lý. Một số nơi mưa khá lớn như Trực Phương 42 mm, Phú Lễ 54 mm, Văn Lý 58 mm.

  • Tại hai huyện xung yếu Thái Thụy, Tiền Hải của tỉnh Thái Bình, toàn bộ lao động ở khu vực nguy hiểm đã được sơ tán. Tỉnh này cũng chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước ứng phó mưa lớn.

  • Người dân gia cố nhà cửa tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

    Người dân gia cố nhà cửa tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN.

  • Từ trưa 24/6, hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khả năng xảy ra một đợt lũ vừa, lũ lớn.

    Tính đến 11h, mực nước tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên đang lên, đo được ở mức 7,85 m. Đến chiều, mực nước có thể đạt mức 7,95 m (xấp xỉ lũ vừa) và có khả năng nước tiếp tục dâng.

    Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi qua khu vực cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), BQL cầu đã thông báo cấm mọi phương tiện thô sơ, xe máy, người đi bộ lưu thông qua cầu từ 8h sáng 24/6.

  •  

    Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), lúc 12h, một đầu kéo và 4 sà lan neo đậu tại nơi tránh trú bão xã đảo Quan Lạn đã bị đứt neo trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng. Nhận được tin báo, Đồn bên phòng Ngọc Vừng đã tổ chức ứng cứu. 

    Đến 13h30 cùng ngày, lực lượng biên phòng đã tiếp cận đầu kéo, cứu thành công 10 thuyền viên. Sức khoẻ 10 thuyền viên hiện khá ổn định và được chăm sóc tại Đồn biên phòng Ngọc Vừng.

  •  

    Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng ngắn hạn (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) lưu ý, gió sau bão sẽ mạnh hơn gió trước bão và có thể kéo dài đến hết đêm 24/6 với khu vực ảnh hưởng từ Nam Định đến Quảng Ninh.

    “Vùng tâm bão đi vào bờ vào lúc nào thì sau thời gian khoảng từ 1 đến 2 tiếng sau, gió sẽ mạnh lên rất nhanh và kèm theo gió giật mạnh. Người dân phải cảnh giác trong quá trình ứng phó bão”, ông Tuấn nhấn mạnh.

     

  •  

    Tại Sơn La, mưa to từ khoảng 10h ngày 23/6 cho đến nay chưa dứt. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tại huyện Mộc Châu, mưa lũ làm sập một ngôi nhà, cuốn trôi cả 3 người trong gia đình anh Hà Văn Thắng ở bản Cang, xã Chiềng Khừa.

    Hiện, cháu bé 4 tuổi con anh Thắng vẫn đang mất tích. Riêng vợ chồng anh được người dân phát hiện, cứu vớt và đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện sức khỏe hai vợ chồng đã ổn định. Ngoài ra, mưa lũ còn gây ngập úng tại các khu vực lân cận như Lóng Sập và Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu.

  • Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 14h ngày 24/6, tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 70km một giờ), giật cấp 10-11. Chiều và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ 10 km mỗi giờ, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

    Đến 13h ngày 25/6, trung tâm vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ). 

  • Bão đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Ảnh: NCHMF.

  • Do ảnh hưởng của bão, tối và đêm nay (24/6), vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-11. Sóng biển cao 3-5 m. 

    Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có sóng biển cao 2-4 m.

  • Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa tới mưa lớn. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

  •  Mưa bão làm ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines.

  • Ngư dân Thái Thụy, Thái Bình neo đậu tàu cá. Ảnh: TTXVN.

  • Độc giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cho hay, Thái Bình mưa to từ sáng 24/6, đến chiều, một số nơi trong thành phố đã xuất hiện điểm ngập. Ảnh: Minh Ngọc.



  • Bão gây mưa to, gió lớn trên đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN.

  • Độc giả Trọng Dương chia sẻ, khu vực thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) mưa kéo dài từ đêm 23/6 khiến nhiều tuyến đường bị ngập úng từ 20-30 cm. Ngày 24/6, gió kèm theo mưa khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Ảnh: Trọng Dương.

  • Theo báo Tuổi trẻ, lúc 15h, tại nội thành Hải Phòng bắt đầu có mưa lớn kèm theo gió cấp 4, cấp 5. Tại khu vực quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng có mưa vừa và mưa to nhưng biển khá êm. Một số cây xanh tại Đồ Sơn bị gãy đổ.

    Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã có kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm tại phường Vạn Mỹ, Cầu Tre, Đổng Quốc Bình, đôn đốc 13 hộ dân xóm chài thuộc phường Máy Chai vào nơi an toàn tránh bão; sẵn sàng vật tư, phương tiện và lực lượng kịp thời ứng phó với bão.

  • Trong khi đó, chiều 24/6, gió trên cầu Bãi Cháy đã giảm mạnh, Ban quản lý gỡ bỏ lệnh cấm cầu.

    Tại TP Nam Định, lúc 16h40, độc giả Xuân Hoa cho biết, mưa kéo dài từ đêm 23/6. Tới chiều 24/6, mưa lớn, trời âm u. Một số tuyến đường như Trường Trinh, Nguyễn Du, Hàn Thuyên bị ngập.

  •  Độc giả Minh Hà cho biết, tại bờ biển Đồ Sơn (TP Hải Phòng) mưa lớn từ trưa 24/6 kèm theo gió rít mạnh. Sóng biển dâng cao 2-3 m. Ảnh: Minh Hà.

  • Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tại Hà Nội, từ tối nay đến sáng mai mưa lớn 80-130 mm. Trận mưa có khả năng gây ngập úng cho các quận nội thành Hà Nội từ 0,2 m đến 0,4 m. Trước đó, sáng và chiều 24/6, thành phố cũng đã có mưa rào và dông.

  • 17h ngày 24/6, bão Kujira đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tâm nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh cấp 7 (50 đến 60 km một giờ), giật cấp 8-9. 

    Đêm nay và ngày mai, áp thấp di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

  • 17h, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đêm 24, ngày 25/6, mưa lớn xuất hiện ở khu vực Đông Bắc Bộ. Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả Nam Tây Bắc). Ảnh: NHCMF.

  • Theo thống kê nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, bão Kujira gây mưa trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc khiến 2 người chết, một người mất tích, đều ở Sơn La.

    Do bất cẩn khi đi lại trong mưa lũ, chị Lò Thị Thương, 25 tuổi, ở xã Mường Khiêng (Thuận Châu) và cụ Giàng Tao Lánh, 100 tuổi ở xã Chiềng Tương (Yên Châu) đã thiệt mạng.

    Mưa lớn làm sập nhà anh Hà Văn Thắng ở huyện Mộc Châu, cuốn trôi 4 người. Ba người lớn trong gia đình được cứu thoát, riêng em Hà Văn Kiên (4 tuổi) mất tích.

Khánh An - Hoàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm