Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Bao đêm tôi đã một mình nhớ em’

Với bản nhạc “Một mình”, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất.

Nhạc sĩ Thanh Tùng hồi còn trẻ bên cạnh vợ và ba con: Bách, Thông và Bạch Dương. Nguồn: giadinh.suckhoedoisong.

Trong số nhiều sáng tác làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thanh Tùng, Một mình là ca khúc mang đậm dấu ấn “cái tôi” trữ tình của ông nhất, được nhạc sĩ sáng tác từ hoàn cảnh của chính mình: nhớ thương người vợ đã mất, thương mình và thương con.

Ông đã sáng tác ca khúc Một mình - một bài hát dạt dào thương nhớ của một trái tim đơn côi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Đoạn mở đầu thật da diết khiến tâm trạng người nghe không khỏi chùng xuống. Tiếng gió vang vọng bên thềm, xào xạc lùa vào tán lá, tiếng mưa đổ ào ào... tựa như bản hòa tấu của đêm tối:

“Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên

Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên...”

Gió, mưa vô tri vô giác đã được nhân cách hóa, trở thành cái cớ để người nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng của mình. Câu hỏi “gió nhớ gì”, “mưa nhớ gì” được lặp lại liên tiếp để rồi sau đó, chủ thể trữ tình xuất hiện: “... Bao đêm tôi đã một mình nhớ em / Đêm nay tôi lại một mình...”.

Những câu chữ trên thể hiện nỗi nhớ da diết của nhạc sĩ dành cho người vợ quá cố mà ông từng có 18 năm chung sống. Người nghe có thể hình dung ra dáng hình một người đàn ông ngồi lẻ loi trong đêm mưa gió. Từ hoàn cảnh cô đơn hiện tại, người nghệ sĩ ru mình vào những kỷ niệm trong quá khứ với người vợ tần tảo.

“Nhớ em vội vàng trong nắng trưa

Áo phơi trời đổ cơn mưa

Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ

Tan ca bố có đón đưa.

Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

Gió sương mòn cả hai vai

Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ

Nghiêng nghiêng bóng em gầy...”.

Dù nhạc sĩ chỉ bày ra một vài hình ảnh mang tính ước lệ: “vội vàng trong nắng trưa”, “giọt mồ hôi tóc mai”, “bóng em gầy”... nhưng người nghe dễ dàng hình dung được người phụ nữ đảm đang, tháo vát chịu thương chịu khó ấy. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ bao cấp “đảm việc nước, giỏi việc nhà”.

Bong hong tho nhac anh 1

Hình ảnh hiếm hoi của người vợ đã khuất được người thân gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng chia sẻ. Nguồn: giadinh.suckhoedoisong.

Nhưng cái tài hoa lớn nhất của Thanh Tùng là từ “chuyện nhà”, “chuyện mình”, ông đã “nhào nặn nó thành chuyện chung, nỗi niềm chung của bao người. Từ đó, người nghe có thể nhận thấy tình cảm sâu nặng mà ông dành cho vợ. Mạch cảm xúc của bài hát đi từ hiện tại hiu quạnh về quá khứ (nhớ em) rồi lại từ quá khứ trở ngược về với hiện tại (vắng em).

“.. .Vắng em còn lại tôi với tôi

Lá khô mùa này lại rơi

Thương em mênh mông chân trời lạ

Bơ vơ chốn xa xôi

Vắng em đời còn ai với ai

Ngất ngây men rượu say

Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ

Cô đơn cùng với tôi về...”.

Đoạn kết của bài hát vừa bày tỏ nỗi niềm nhớ thương của nhạc sĩ Thanh Tùng với người đã khuất, vừa miêu tả hoàn cảnh cô quạnh của ông. Các cụm từ “tôi với tôi”, “ai với ai”... khắc họa hiện tại cô đơn đến tột cùng của nhạc sĩ. Nhưng dù ông đang rất cô đơn, vẫn chạnh lòng khắc khoải nhớ về người vợ đã khuất: “... Thương em mênh mông chân trời lạ. Bơ vơ chốn xa xôi…”.

Nhiều người cho rằng ca khúc Một mình đã dự báo trước những tháng ngày của sự cô đơn của tác giả phải trải qua - từ khi vợ qua đời cho đến khi ông từ biệt cõi trần. Ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện ca khúc Một mình đầu tiên và được đánh giá là người hát Một mình thành công nhất.

Sau Hồng Nhung là một loạt diva khác như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Hạ, Trần Thu Hà... cũng đã thể hiện thành công ca khúc này. Đặc biệt, không chỉ đơn ca mà cả hát nhóm, khi các diva Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân và Mỹ Tâm cùng khoe giọng trên YouTube với ca khúc Một mình...

Ngày 20/10/1998, nhạc sĩ Thanh Tùng tổ chức liveshow “Lối cũ ta về” tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) và Một mình là ca khúc kết thúc đêm diễn. Tháng 4/2008, ca khúc này lại được lấy làm tên chủ đề cho liveshow nhạc sĩ Thanh Tùng.

Khi còn sống, nhạc sĩ Thanh Tùng cũng đã không ngần ngại tâm sự: “Tôi sống ‘một mình’ vì nghĩa, khi bà ấy khuất rồi tôi đã xác định như vậy. Tôi phải nói thẳng là mình cũng có những người bạn gái, nhưng tôi rất khó để có thể sống ‘hai mình’. Dù đi với nhiều bạn gái, lúc nào tôi cũng chỉ một mình. Hình ảnh của tôi trong mắt bạn bè bao giờ cũng là người độc thân và đó không chỉ là hình ảnh bên ngoài”.

Sau Một mình, người nghệ sĩ tài hoa có một khoảng thời gian dài không viết thêm được ca khúc nào. Tác giả tâm sự: “Tôi như bị bài Một mình ám. Sau này tôi viết cũng nhiều, cảm xúc cũng đầy đủ, sửa soạn công phu, nhưng không dám đưa ra, cứ hát xong lại nghĩ không lẽ giờ mình... đi xuống?! Vậy là tôi im đi”.

Với bản nhạc Một mình, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Sự rung cảm chân thành, thật đến mức không ai hồ nghi về thứ men sáng tạo mà giới nghệ sĩ thường đưa ra: “Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về”...

Khi vợ còn sống, nhạc sĩ Thanh Tùng đã thường uống rượu. Vợ mất, nỗi cô đơn càng đưa ông bầu bạn thêm với men rượu. Để rồi rượu cũng chính là tác nhân đưa chứng đột quỵ đến với ông vào năm 2008. Kể từ khi bị tai biến, nhạc sĩ Thanh Tùng phải nằm liệt giường một thời gian, rồi tập đi xe lăn, tập nói nhưng phát âm rất khó khăn nên ông chỉ ra hiệu hoặc gật và lắc đầu...

Ông cũng không thể sáng tác thêm được nữa, dù rất muốn. Ông sống với vợ chồng người con trai thứ trong một ngôi nhà rộng ở Hà Nội. Căn phòng của ông ăn thông ra dãy hành lang, ở đó - phía dưới có những chậu hoa cảnh còn bên trên thì treo rất nhiều lồng chim.

Mỗi buổi sáng, người nhạc sĩ không thể sáng tác được nữa ngồi trên chiếc xe lăn lắng nghe tiếng chim hót rồi đắm mình hoài niệm về một bài hát mình đã làm trước đây... lâu rồi: “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót trước sân nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm...” (Giọt nắng bên thềm).

Hà Đình Nguyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY