Ngay sau đó, hôm qua, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã ký công văn số 2673/BTTTT-CBC gửi tất cả các cơ quan báo chí yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trao đổi với VietNamNet về công văn “tối hậu thư” này.
Cân nhắc kỹ tình, lý
- Công văn Thứ trưởng vừa ký không dùng từ “cấm” nhưng thực chất là yêu cầu tất cả các cơ quan báo chí chấm dứt việc đưa thông tin chi tiết về các vụ án giết người. Biện pháp như vậy có phù hợp không?
- Chúng tôi có cân nhắc kỹ về tình và lý.
Về tình, cơ quan quản lý nhà nước nhiều lần khuyến cáo, nhắc nhở không ít cơ quan báo chí khai thác thông tin tội ác qua các vụ án giết người, mô tả chi tiết hành vi tội ác, gián tiếp cổ súy cho cái ác trỗi dậy.
Về lý, hành vi của các cơ quan báo chí khi đưa những thông tin như vậy là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã từng xử lý hành chính các cơ quan báo chí, thậm chí đình bản tờ báo đưa tin dạng “lá cải”, nhưng tình trạng này không được cải thiện đáng kể.
Ở đây chúng ta còn chưa xét đến đạo đức nghề nghiệp, lương tâm của người cầm bút, trách nhiệm với cộng đồng, lối hành xử văn minh của cơ quan truyền thông… trong một xã hội thông tin lành mạnh.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: "Các bạn nghĩ gì khi mỗi sáng cầm tờ báo hay duyệt mạng thấy tràn lan những thông tin man rợ được báo chí thêu dệt thêm?" |
- Thưa Thứ trưởng, như thế các cơ quan báo chí có thể hiểu giới hạn của việc đưa tin về các vụ án giết người như thế nào thì không vi phạm theo tinh thần của công văn Thứ trưởng vừa ký ban hành?
- Trong thời gian ngắn vừa qua, tại Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái liên tiếp xảy ra những vụ án giết người man rợ. Tất cả những ai có trách nhiệm với xã hội, có lương tri đều bàng hoàng, đau xót và giật mình bởi đây là một hiện tượng rất không bình thường, đáng báo động khẩn cấp của xã hội.
Trước một hiện tượng như thế, các cơ quan báo chí phải tiên phong đi tìm nguyên nhân, bản chất và đưa ra cách giải quyết vấn đề này một cách nhân văn để giúp xã hội hướng thiện. Tuy nhiên, thời gian qua báo chí đã từ bỏ vai trò cao quý này. Đây là dấu hiệu báo động về sự xuống cấp của báo chí hiện nay.
Là cơ quan truyền thông, báo chí có sức mạnh và gây hiệu ứng rất lớn cho xã hội. Sự ảnh hưởng của những loại thông tin như vậy sẽ làm xói mòn nền tảng luân lý và đạo đức.
Các bạn cũng có gia đình, các bạn nghĩ sao khi con cái của chúng ta ở độ tuổi chưa đủ nhận thức vì đọc báo mà thần tượng một kẻ giết người vì đẹp trai, vì hành vi che giấu tội ác tài tình, vì thản nhiên, lạnh lùng khai báo, mô tả hành vi giết người man rợ, vì có một mối tình ly kỳ như trong phim chưởng?
Là người lớn, các bạn nghĩ gì khi mỗi sáng mở mắt ra cầm tờ báo hay duyệt mạng thấy tràn lan những thông tin man rợ được báo chí thêu dệt thêm?
Việc thông tin về những vụ án giết người chúng tôi không cấm. Chúng tôi chỉ nghiêm cấm việc đưa tin trái pháp luật quy định như mô tả chi tiết hành vi man rợ, khai thác đời tư, xâm phạm quyền nhân thân… gây hiệu ứng xấu cho xã hội.
Sẽ xem xét trách nhiệm tổng biên tập
- Thưa Thứ trưởng, có vẻ như việc xử lý mạnh tay của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thời gian qua không làm thuyên giảm được tình trạng nhiều cơ quan báo chí vượt rào. Liệu tình trạng này có được chấn chỉnh không?
- Thực tế là qua các lần nhắc nhở của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, tình trạng này có giảm một phần. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan báo chí ngay lập tức phải chấn chỉnh tư duy làm báo và hoạt động đúng pháp luật. Xử phạt hành chính, rút giấy phép, đình bản là những biện pháp rất mạnh nhưng chưa hiệu quả và ảnh hưởng đến người lao động.
Lần này chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động cơ quan báo chí của mình.
Chúng tôi chưa nhìn thấy lỗi rõ ràng của những người cầm bút qua những loại thông tin này vì nhà báo làm việc theo sự phân công nhiệm vụ của Ban biên tập. Người có quyền đăng thông tin cuối cùng là Tổng biên tập.
Ngoài ra, như tôi đã nói, hiện tượng báo chí đồng loạt chạy theo xu hướng khai thác chi tiết những vụ án giết người là đáng báo động hiện nay.
Cùng với các biện pháp xử lý hành chính, trong thời gian tới cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ phối hợp với Hội nhà báo tổ chức hội thảo về trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí, tìm rõ nguyên nhân của hiện tượng này.
Mục đích chính của chúng tôi hiện nay là xây dựng một nền báo chí tôn trọng những nguyên tắc, trên cơ sở thoả mãn các điều kiện thông tin của cơ quan báo chí và dư luận.