Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dường như nắm chắc phần thắng tại Georgia trong cuộc bầu cử năm nay với cách biệt khoảng 14.000 phiếu phổ thông trước ông Trump.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng đã từ chối nhận thua và đang theo đuổi các nỗ lực pháp lý để kiểm phiếu lại với hy vọng lật ngược tình thế tại Georgia.
Diễn biến hiện tại khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp của bà Stacey Abrams thuộc đảng Dân chủ và những lùm xùm xoay quanh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018.
Một khía cạnh được đem ra so sánh rộng rãi chính là cách phản ứng của truyền thông Mỹ đối với hai tình huống: trong khi bà Abrams được xem là người hùng "cứu nền dân chủ Mỹ" khi từ chối nhận thua, ông Trump lại bị chỉ trích vì "làm công chúng mất niềm tin vào tiến trình dân chủ".
Tuy nhiên, không hẳn báo giới Mỹ đang áp đặt tiêu chuẩn kép lên ông Trump. Sự khác biệt nói trên nhiều khả năng chỉ đơn thuần phản ánh bản chất trái ngược của hai vụ việc.
Tổng thống Trump không nhận thua tại Georgia sau khi bị ông Biden bỏ xa 14.000 phiếu. Ảnh: Reuters. |
Cuộc bầu cử thống đốc gây tranh cãi
Trong cuộc bầu cử thống đốc Georgia năm 2018, ứng viên đảng Dân chủ Stacey Abrams đã giữ im lặng trong 10 ngày sau khi ông Brian Kemp, đảng Cộng hòa, được xác định là người chiến thắng.
Trong khoảng thời gian 10 ngày nói trên, bà Abrams và các phụ tá đã nỗ lực thúc đẩy việc kiểm đếm đầy đủ các lá phiếu vắng mặt và phiếu bầu tạm thời.
Sau đó, ứng viên đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo và đưa ra tuyên bố một cách cẩn trọng: “Tôi công nhận cựu Ngoại trưởng Brian Kemp sẽ được chứng nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu cử thống đốc năm 2018”.
Tuy nhiên, bà Abrams khẳng định “đây không phải là một bài phát biểu nhận thua”.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, bà Abrams từ chối nhận thua trước đối thủ Brian Kemp của đảng Cộng hòa. Ảnh: Getty. |
Thời điểm đó, dù là ứng viên thống đốc và là lãnh đạo Sở Ngoại vụ bang Georgia, ông Kemp lại phụ trách việc giám sát quá trình bầu cử, điều này khiến nhiều đảng viên Dân chủ không hài lòng. Bà Abrams đã xoáy sâu vào điểm này để chỉ trích đối thủ trong bài phát biểu.
“Người ta cho rằng tôi phải nói những lời đẹp đẽ và chấp nhận số phận của mình. Họ sẽ phàn nàn rằng tôi không nên dùng bài phát biểu này để vạch trần những hành động sai trái và yêu cầu biện pháp khắc phục tình trạng đó”, bà Abrams nói. “Tôi sẽ không nhận thua, vì việc nền dân chủ của chúng ta bị suy đồi là không thể chấp nhận được”.
Phát ngôn viên Ryan Mahoney của ông Kemp cho rằng việc bà Abrams không nhượng bộ sau khi thua cuộc là “nỗi xấu hổ đối với nền dân chủ”.
“Rõ ràng các con số là thứ không thể phủ nhận”, ông Mahoney nói.
Bà Abrams khẳng định không nhận thua vì nền dân chủ đã bị đe dọa bởi các hành vi sai trái. Ảnh: Getty. |
Bà Abrams đã thua với cách biệt 55.000 phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018, nhưng bà chưa từng công khai chấp nhận thất bại.
Chính trị gia 46 tuổi của đảng Dân chủ cáo buộc đối thủ thuộc đảng Cộng hòa đã đàn áp cử tri. Ông Kemp nhiều lần phủ nhận điều này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Mahoney thừa nhận sự tồn tại của vấn đề gian lận cử tri, do đó nên tiến hành điều tra để đảm bảo tính công bằng của cuộc bầu cử.
“Không ai lại đi tìm cách lật ngược kết quả bầu cử cả”
Dù Tổng thống Trump cũng từ chối nhận thua tại Georgia trong cuộc bầu cử năm nay, phát ngôn viên Seth Bringman của bà Abrams khẳng định hai tình huống không hề tương đồng.
Cụ thể, trong khi bà Abrams không nhượng bộ vì tin rằng phe Cộng hòa đã đàn áp cử tri và can thiệp vào hệ thống bầu cử, ông Trump lại cáo buộc xảy ra tình trạng gian lận trong quá trình kiểm phiếu.
Ông Gabriel Sterling, Giám đốc điều phối hệ thống bỏ phiếu của Georgia, khẳng định trong một cuộc họp báo rằng cả hai cáo buộc nêu trên đều không xác thực. “Cả hai đều làm giảm uy tín của tiến trình bầu cử”, ông Sterling nói.
Bản thân bà Abrams cũng cho rằng hai sự việc có phần đối lập nhau.
“Từ ngày 6-16/11/2018, chúng tôi ra sức yêu cầu kiểm đếm mọi phiếu bầu hợp lệ. Đó là sứ mệnh luôn luôn cần được thực thi”, bà Abrams nói. “Còn bây giờ, họ (phe Cộng hòa) không muốn mọi lá phiếu được kiểm một cách đầy đủ. Họ không muốn tiếng nói của người dân được lắng nghe”.
Bà Abrams không cho rằng trường hợp của mình vào năm 2018 tương tự với vụ lùm xùm của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: AP. |
Mục đích của việc từ chối nhận thua giữa ông Trump và bà Abrams cũng hoàn toàn khác biệt.
Trong khi ông Trump cố gắng theo đuổi các nỗ lực pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử tại Georgia, bà Abrams đơn thuần thể hiện mong muốn cải thiện cuộc bầu cử theo hướng công bằng và khách quan hơn.
“Không ai lại đi tìm cách lật ngược kết quả bầu cử cả”, cựu Giám đốc chương trình bảo vệ cử tri Sara Tindall Ghazal của đảng Dân chủ tại Georgia, nhận xét.
Bà Sara Tindall Ghazal, thành viên đảng Dân chủ, chỉ trích nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử của ông Trump. Ảnh: Ghazal for Georgia. |
Sau khi ông Biden được xác định là người giành chiến thắng tại Georgia trong cuộc bầu cử năm nay với cách biệt 0,2 điểm %, Tổng thống Trump và các phụ tá đã đệ đơn kiện lên tòa án bang về các vấn đề liên quan đến việc kiểm phiếu. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị bác chỉ trong một ngày.
Các quan chức bầu cử Georgia cho biết không có bằng chứng cho thấy tồn tại vấn đề gian lận bầu cử, nhưng họ đang điều tra về các cáo buộc được đưa ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính xác thực của kết quả, giới chức bang này đã tiến hành kiểm phiếu lại bằng tay. Nhưng ông Sterling cho biết hôm 17/11 rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đáng kể đủ để xoay chuyển kết quả hiện tại. Chiến dịch của Tổng thống Trump sau đó yêu cầu kiểm phiếu lại thêm một lần.
Ông Trump ngày 24/11 thông báo rằng Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) sẽ bắt đầu các quy trình chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden, nhưng các vụ kiện của phía ông Trump vẫn tiếp tục.
Phản ứng của truyền thông
Sau khi cương quyết không nhượng bộ trước đối thủ Biden và lặp lại các cáo buộc về gian lận kiểm phiếu, đồng thời theo đuổi các nỗ lực pháp lý để lật ngược tình thế tại Georgia, Tổng thống Trump đã nhận nhiều chỉ trích từ truyền thông Mỹ.
Điển hình, CNN hôm 23/11 có bài viết công kích trực diện người đứng đầu Nhà Trắng với tiêu đề "Tổng thống Trump nỗ lực đánh cắp cuộc bầu cử trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng mạnh".
Nhiều hãng truyền thông khác cũng chĩa mũi dùi vào tổng thống đương nhiệm, tờ Economist thậm chí công khai kêu gọi cử tri quay lưng với ông Trump.
Ông Trump bị truyền thông Mỹ chỉ trích vì các cáo buộc và nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters. |
Ngược lại, bài phát biểu "từ chối nhận thua" sau khi thất cử của bà Abrams vào năm 2018 đã gây tiếng vang lớn.
Nhà báo nổi tiếng Dan McLaughlin tôn vinh bà Abrams "đã trở thành anh hùng của đảng Dân chủ vì đã từ chối nhượng bộ sau khi thất bại trong cuộc đua thống đốc Georgia năm 2018".
Hình ảnh bà Abrams được khắc họa là người lên tiếng đấu tranh chống nạn đàn áp cử tri và yêu cầu cải cách thể chế kiểm phiếu để thúc đẩy quá trình bầu cử theo hướng công bằng. Một loạt các hãng thông tấn và tạp chí danh tiếng như New York Times hay Vogue cũng có những bài viết với xu hướng ủng hộ chính trị gia đảng Dân chủ.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, bà Abrams được báo giới Mỹ tôn vinh vì đã đấu tranh cho nền dân chủ nước này. Ảnh: AP. |
Do đó, khi Tổng thống Trump bị một số cơ quan báo chí Mỹ công kích kịch liệt vì từ chối nhận thua, truyền thông thiên hữu tại Mỹ lập tức phản pháo, cho rằng phe Dân chủ đang được thiên vị và ông Trump bị đối xử không công bằng.
"Đảng Dân chủ muốn ông Trump nhận thua. Họ muốn ông ấy công nhận chiến thắng của Joe Biden và rời đi. Được rồi, vậy hãy làm như Stacey Abrams đi nào", Erick Erickson, blogger kiêm người dẫn chương trình, nói trong chương trình phát thanh của mình.
"Tổng thống Trump có lối hành xử tương đồng với phe Dân chủ (vào năm 2018), nhưng ông ấy không nhận được sự hậu thuẫn từ truyền thông", phóng viên Brian Flood của Fox News viết.
Cây bút Guy Benson cũng tìm cách chỉ ra sự tương đồng trong hai trường hợp của bà Abrams và Tổng thống Trump: "Abrams là một ứng viên thất cử. Từ 2018 đến nay, vẫn chưa ai chấp nhận là bà ấy đã thua. Giống như ông Trump, bà Abrams cũng cáo buộc rằng đã xảy ra vấn đề về mặt pháp lý trong tiến trình bầu cử".
Vì sao bà Abrams được truyền thông bảo vệ?
Nhìn chung, vì động cơ thúc đẩy bà Abrams và Tổng thống Trump từ chối nhận thua là khác nhau nên việc so sánh hai trường hợp nói trên là khập khiễng, chuyên trang bình luận Media Matters nhận định.
Giới phân tích cho rằng sở dĩ bà Abrams được truyền thông tung hô như người hùng xuất phát từ việc muốn mọi lá phiếu đều được kiểm đếm đầy đủ, qua đó giúp tiếng nói của người dân được lắng nghe, tạo cơ sở cho sự cải thiện về tình công bằng của cuộc bầu cử.
Thêm vào đó, bà Abrams không hài lòng với việc ông Kemp tham gia nhóm giám sát kiểm phiếu, làm giảm tính khách quan của tiến trình bầu cử.
Quan trọng hơn hết, bà Abrams không tìm cách thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho bản thân.
Các chuyên gia cho rằng so sánh bà Abrams với ông Trump là khập khiễng. Ảnh: AP. |
Ở thái cực ngược lại, ông Trump lặp lại các cáo buộc không có căn cử về tình trạng gian lận trong quá trình kiểm phiếu, đồng thời kiện lên tòa án bang với hy vọng giành lại chiến thắng từ tay tổng thống đắc cử Biden.
Ngoài ra, theo chuyên trang bình luận Media Matters, điểm khác biệt lớn nhất giúp bà Abrams được truyền thông ca ngợi nằm ở những hành động của bà sau khi từ chối nhận thua, chứ không phải bản thân việc từ chối nhượng bộ.
Cụ thể, sau cuộc bầu cử thống đốc Georgia năm 2018, bà Abrams đã sáng lập Fair Fight, tổ chức đấu tranh vì quyền bầu cử.
Thông qua Fair Fight, bà Abrams kêu gọi dẹp bỏ nạn đàn áp cử tri. Mục tiêu của tổ chức hướng đến chấm dứt tình trạng chuyên quyền của các quan chức bầu cử - những người hoàn toàn có khả năng bị ảnh hưởng bởi đảng cầm quyền, theo Media Matters.