Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết robot thám hiểm tự hành Opportunity đang mắc kẹt giữa trận bão cát phủ kín một phần tư diện tích bề mặt Sao Hỏa và đang lan rộng với vận tốc chóng mặt.
Cơn bão có khả năng sẽ hoành hành trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới. Trong thời gian đó, ánh sáng mặt trời bị cản trở không thể chiếu xuống bề mặt Sao Hỏa và nạp năng lượng cho Opportunity.
Ảnh chụp cơn bão cát trên bề mặt Sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
"Cơn bão này là một mối nguy hại, chúng ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu, chúng ta không biết môi trường Sao Hỏa sẽ như thế nào khi bão tan", ông John Callas, quản lý dự án Opportunity tại NASA, cho biết.
Bộ điều khiển bay của NASA đã cố gắng liên lạc với Opportunity hôm 12/6 nhưng không nhận được phản hồi. NASA cho biết Opportunity sẽ không bị chôn vùi trong cơn bão cát vì hiện tượng này thường chỉ để lại một lớp cát mỏng sau khi tan.
Mối lo ngại lớn nhất là các thiết bị quang học trên Opportunity bị che phủ và pin chạy bằng năng lượng mặt trời của robot này cũng đang trong tình trạng yếu.
Robot thám hiểm tự hành Curiosity đang hoạt động ở bán cầu bên kia của Sao Hỏa cũng gửi tín hiệu về cơn bão cát. Tuy nhiên, các nhà khoa học không quá bận tâm về robot này vì nó chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Robot thám hiểm tự hành Opportunity. Ảnh: NASA. |
Năm 2003, NASA phóng hai robot thám hiểm tự hành Opportunity và Spirit với nhiệm vụ chính là nghiên cứu đất và đá trên bề mặt Sao Hỏa. Spirit đã không hoạt động trong nhiều năm, Opportunity vẫn ở trong tình trạng tốt dù vượt quá độ tuổi dự đoán.
Đây không phải lần đầu tiên con robot thám hiểm mang tên "Cơ hội" đối mặt với tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Năm 2007, một cơn bão cát lớn làm Opportunity ngưng hoạt động trong vài ngày.
"Hãy nhớ là chúng ta đang nói về con robot thám hiểm tự hành hoạt động lâu nhất trên Sao Hỏa. Nó làm việc không ngừng nghỉ suốt 15 năm nay trong khi thiết kế ban đầu chỉ trong vòng 90 ngày", ông Jim Watzin, giám đốc chương trình thám hiểm Sao Hỏa của NASA, nói.