Nhắc tới BTV Thanh Hường, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ nghĩ ngay tới người dẫn chương trình với nụ cười rạng rỡ của gameshow đình đám một thời - Ở nhà chủ nhật. Sau gần hai thập kỷ theo đuổi truyền hình từ những ngày còn là trợ lý trường quay, viết kịch bản, tổ chức sản xuất đến nay, Thanh Hường được tin tưởng giao trọng trách đạo diễn và giám sát sản xuất cho nhiều chương trình. Một trong số đó là Chúng tôi là chiến sĩ - gameshow Thanh Hường gắn bó từ những ngày đầu và dồn nhiều tâm huyết, tình cảm.
Nhà báo Vũ Thanh Hường - tổng đạo diễn, chỉ đạo sản xuất - nhận bằng khen trong đêm Gala Sinh nhật Chúng tôi là chiến sĩ lần thứ 8. |
- Cảm xúc của chị - người nắm giữ vai trò tổng đạo diễn, chỉ đạo sản xuất - trong ngày kỷ niệm 8 năm lên sóng Chúng tôi là chiến sĩ thế nào?
- Tám năm thực sự là con số không dài nhưng với chúng tôi có không biết bao nhiêu kỷ niệm bởi mỗi một năm chúng tôi được đi rất nhiều vùng miền của đất nước. Chương trình thường xuyên thay đổi về nội dung cho nên bản thân những người làm chương trình không có cảm giác nhàm chán. Mỗi năm, những đơn vị ở biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa bao giờ cũng được ưu tiên và chính điều đó đã tạo nên sức hút của chương trình. Bởi khán giả bao giờ cũng yêu màu xanh áo lính ở những nơi vất vả và khó khăn nhất. Và chúng tôi cũng đầu tư vào các đơn vị như vậy để có thể tuyên truyền, phản ánh một cách sinh động.
Nhìn lại 8 năm với hơn 400 đơn vị đã đi qua, thực sự bản thân chúng tôi cũng nghĩ mình nhập ngũ giống như bộ đội và chúng tôi tự phong cho mình những quân hàm vui - người đại tá, người thượng uý, người binh nhất, binh nhì. Đương nhiên có cả những cái chúng tôi chưa hài lòng với bản thân nhưng thực sự, đây là một ê-kíp rất đoàn kết. Xuất phát từ việc chúng tôi rất yêu bộ đội và cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và xây dựng tổ quốc cho nên khi xây dựng chương trình, anh chị em đều xung phong để đi những vùng vất vả và khó khăn nhất. Càng đơn vị ở xa, các anh chị em càng xung phong.
- Với một chương trình có tuổi đời 8 năm, chị cùng ê-kíp sản xuất đã thay đổi và làm mới như thế nào để Chúng tôi là chiến sĩ trở thành gameshow "gừng càng già, càng cay"?
- Thực sự đây là một bài toán rất khó, phải nói sự cạnh tranh của truyền hình ngày càng khốc liệt. Bản thân chúng tôi khi xây dựng ra một sân chơi giải trí mà lại mang một ý nghĩa chính trị, văn hoá và tính kỷ luật thì thực sự khó. Đó là những điều chúng tôi trăn trở. Tính trí tuệ, sự đoàn kết và đặc biệt là tính hiệp đồng của người chiến sĩ, chúng tôi cũng cố gắng tôn vinh trong sân chơi này.
Những chương trình đầu của format Chúng tôi là chiến sĩ, chúng ta không nhìn thấy những điểm tương đồng của quân đội và truyền hình. Rất nhiều những cuộc họp căng thẳng tới mức tưởng chừng như format này không thể sản xuất được. Rồi chúng tôi đã phải điều chỉnh sau những cuộc họp bàn căng thẳng và bây giờ mới nhìn thấy những điểm chung.
Năm thứ 9 thực sự là một bài toán cho nhóm sản xuất và chúng tôi cũng đã họp rất nhiều bởi vì tuổi lên 9 thực sự là tuổi đã trưởng thành, không còn non nớt, không còn những cái vấp ngã nữa và thực sự, là một sân chơi, nếu không đổi mới thì tự giết mình. Nhưng đổi mới với quân đội là một vấn đề khó bởi vì bản chất của người chiến sĩ là rất kiên định và tính hiệp đồng của người chiến sĩ rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi phải hiểu, rất rất hiểu đặc thù, từ đó mới có thể đổi mới được. Đổi mới trên tinh thần với gắn kết với kỷ luật của quân đội.
Nụ cười rạng rỡ của nhà báo Thanh Hường trong hậu trường ghi hình đêm Gala sinh nhật lần thứ 8 của Chúng tôi là chiến sĩ. |
- Cụ thể, trong năm thứ 9 này, Chúng tôi là chiến sĩ sẽ có điểm gì mới?
- Các bạn biết rồi đấy, với quân đội, không đơn giản là chúng ta muốn thay đổi hôm nay là có ngay được. Phải có kế hoạch một năm, thậm chí hai năm. Để có sự thay đổi cho năm thứ 9, chúng tôi đã bắt đầu từ giữa năm thứ 7 và mốc tạo đà trong suốt năm thứ 8. Năm nay, các bạn sẽ gặp một sân khấu hoàn toàn mới và một gương mặt MC mới - nam diễn viên Việt Anh - bạn ấy chính là một người binh nhất vừa mới nhập ngũ. Chúng tôi mong muốn là chiến sĩ Lại Văn Sâm, Quang Minh sẽ nhường chỗ cho một tân binh, giống như người chiến sĩ trẻ đầy tính ngô nghê. Và chính sự ngô nghê rất dễ thương đó sẽ mang tới sự mới mẻ nhưng không kém phần gần gũi cho chương trình.
Năm nay, có một điểm mới hơn nữa là những người nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ gắn kết từ đầu tới cuối. Họ đến đơn vị trải nghiệm việc được làm chiến sĩ trong suốt một ngày để hiểu sự huấn luyện của đơn vị như thế nào. Rồi họ lên sân khấu để tặng cho đơn vị những món quà, nhận xét và cảm nhận về đời sống binh nghiệp ra làm sao. Chính những người nghệ sĩ đó sẽ nói lên cảm xúc và tiếng nói riêng.
- Nhắc tới gương mặt MC mới của chương trình - nam diễn viên Việt Anh, lý do gì khiến chị và ê-kíp lựa chọn anh cho vai trò người dẫn?
- Thật ra chúng tôi có một danh sách khoảng 20 chục người cũng tính đi tính lại thì ra được anh Việt Anh - gương mặt hội tụ nhiều điểm. Ngoại hình của Việt Anh rất sáng sân khấu nhưng điều để chúng tôi lựa chọn là anh ấy rất yêu bộ đội. Khi nói chuyện về đề tài chiến sĩ, anh ấy bày tỏ mong muốn được thay đổi, điều chỉnh và Việt Anh rất thẳng thắn. Chúng tôi khi nói chuyện với các nghệ sĩ khác để thăm dò, có những người chỉ khen chương trình thôi còn Việt Anh nhìn thấy cái khô khan, điểm yếu của Chúng tôi là chiến sĩ và anh ấy muốn được thể hiện để lấp đầy những điểm yếu đó. Chúng tôi rất trân trọng những người nghệ sĩ như vậy. Tuy nhiên, từ nói cho đến làm nó đều phải qua sự khẳng định và người tân binh mới chắc chắn sẽ có cái va vấp, thậm chí chưa đúng điều lệnh đội ngũ. Nhưng có lẽ đó là những cái rất đáng yêu mà chúng tôi sẽ khai thác trong chương trình này.
- Trong suốt 8 năm gắn bó với người lính, chị hẳn có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt?
- Kỷ niệm với người lính thì không thể kể hết, hai lần ra Trường Sa rồi những chuyến biển đảo như Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Quý, những chuyến say sóng của anh chị em hay bão cấp 8,9 vẫn quyết tâm ra đảo sản xuất chương trình Chúng tôi là chiến sĩ. Thực sự bây giờ trong danh bạ điện thoại của tôi có đến 2/3 là số điện thoại của quân đội. Thậm chí chúng tôi còn nói đùa với nhau, những cái người binh nghiệp chuỵên nghiệp chưa chắc đã có mối quan hệ rộng rãi với các quân binh chủng như đại tá Thanh Hường - cách nói vui của ê-kíp.
Không có ngày nào tôi không có những điện thoại của bên quân đội gọi tới, có những món quà rất là chân phương ở đảo gửi về của các chiến sĩ. Đó là những điều không gì có thể thay thế được bởi chúng tôi đã trở thành đồng đội của nhau. Bản thân tôi cũng là một người được đi nhiều, hiểu nhiều và được cọ xát, ăn cơm cùng các đơn vị rất nhiều. Người ta cứ nói "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với chiến sĩ, có lẽ tôi là người "ba cùng" suốt 8 năm. Tôi cũng là người rất hiểu rất nhiều đặc thù của quân binh chủng. Có lẽ nếu sau này Chúng tôi là chiến sĩ không sản xuất nữa, sẽ hụt hẫng một thời gian rất dài vì đã quen với đời sống binh nghiệp rồi.
Tổng đạo diễn Thanh Hường cùng ê-kíp thực hiện chương trình có rất nhiều kỷ niệm với người lính trong suốt 8 năm gắn bó với chương trình. |
- Những kinh nghiệm từ khi còn là BTV, MC của nhà đài giúp chị như thế nào trong vai trò tổng đạo diễn một chương trình “gừng già” của VTV3 như Chúng tôi là chiến sĩ?
- Thực ra truyền hình là một cái đòi hỏi mang tính chất tổng hợp, mỗi người MC, BTV hay phóng viên đều thường xuyên phải kiêm nhiệm rất nhiều chức danh. Suốt 18 năm theo đuổi truyền hình với vai trò từ trợ lý trường quay, viết kịch bản, tổ chức sản xuất rồi tham gia rất nhiều vai trò, đến nay, tôi được tin tưởng giao trọng trách đạo diễn cho series Cà phê sáng, Chúng tôi là chiến sĩ hay giám sát sản xuất cho nhiều chương trình khác.
Yêu cầu của một tổng đạo diễn là phải bao quát được rất nhiều vị trí khác nhau, phải phân đúng người đúng việc và phải biết điểm mạnh, yếu của mỗi cá nhân trong ê-kíp để phân công một cách hợp lý, làm sao cho guồng máy chạy một cách thuận lợi, trơn tru. Trên thực tế, công việc của người tổng đạo diễn phải có những kế hoạch ngắn và dài hạn cho sự phát triển của chương trình truyền hình. Với một tổng đạo diễn kinh nghiệm, chắc chắn còn cần nhiều hơn nữa cái tầm quan sát và sự sáng tạo. Bên cạnh cái lòng yêu nghề, còn là sự tỉnh táo để có thể có những dịch chuyển cho một chương trình.
- Với khối lượng công việc lớn, chị dành thời gian cho gia đình như thế nào?
- Đối với những người làm truyền hình, sắp xếp công việc với gia đình đã trở thành một nghệ thuật bởi chúng tôi có đặc thù công việc không được may mắn như những ngành nghề khác. Và hậu phương của những người làm truyền hình luôn là một hậu phương đầy thử thách. Chúng tôi - những người phụ nữ làm truyền hình - luôn hiểu hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống gia đình. Những phút giây được thư giãn bên chồng con là những giây phút cực kỳ quý giá và chúng tôi cũng trân trọng những khoảnh khắc như vậy.
Ông xã tôi cũng làm truyền hình và điều đó cũng giúp anh một phần thông cảm cho vợ. Chúng tôi luôn tôn trọng nhau trong công việc. Mỗi người đều có áp lực công việc riêng, đều có những cái căng thẳng riêng. Nhiều khi chúng tôi vẫn nói đùa với nhau như Ngưu Lang - Chức Nữ vì thường xuyên có những chuyến công tác xa nhà, vợ chồng gặp nhau vô tình tại chính địa điểm công tác. Hoặc hai vợ chồng gặp nhau ở sân bay, một người bắt đầu chuyến công tác với còn một người hạ cánh. Thông thường, chúng tôi cố gắng thu xếp để một trong hai người ở nhà với con cái, chăm sóc gia đình, dạy bảo con học hành.
Thanh Hường cảm thấy mình may mắn khi có được bến đỗ hạnh phúc. |
- Ông xã cũng là người làm truyền hình chia sẻ với chị như thế nào trong công việc?
- Có lẽ hai vợ chồng cùng nghề nên sự thấu hiểu và thông cảm là điều luôn có trong gia đình tôi. Thực sự tôi rất may mắn khi có được bến đỗ rất hạnh phúc, một người chồng rất tôn trọng, thấu hiểu công việc của vợ, động viên và ủng hộ tôi trong những chuyến công tác. Anh ấy cũng rất biết tôi là một người phụ nữ vì gia đình, tất cả công việc dù có bận mấy, khi về với gia đình, chúng tôi đều cố gắng dành những tình cảm yêu thương, trân trọng nhất. Tôi có hai cô con gái rất dễ thương, yêu mẹ và thường xuyên xem các chương trình của mẹ để góp ý và nhắc nhở. Đó cũng là sự động viện, là món quà mà tôi được nhận hàng ngày vô điều kiện. Ông xã tôi lại là một khán giả vô cùng khó tính. Dẫu vậy, mỗi nhận xét của anh, của gia đình hay con cái với những tác phẩm khi là Chúng tôi là chiến sĩ, khi là Cà phê sáng là sự động viên chân thành mà tôi luôn trân trọng.
Chúng tôi là chiến sĩ là một game show của VTV phục vụ nâng cao đời sống tinh thần lực lượng an ninh công an, quân đội nhân dân Việt Nam được ghi hình vào ngày 28/8/2006 và lên sóng số đầu tiên ngày 7/9/2006. Tới nay, chương trình đã có 8 năm gắn bó và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi khán giả truyền hình.
Từ năm 2006 đến năm 2009, nhà báo Lại Văn Sâm và BTV Hoàng Linh là hai MC dẫn dắt chương trình. Đến 2009, MC Trần Quang Minh đảm nhận vị trí MC nam và gắn bó cho tới nay.
Nhìn lại hành trình 8 năm của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, những con số vô cùng ấn tượng mà ê-kíp đã đạt được là 64 tỉnh thành chương trình đã đi qua, 254.800 cổ động viên của chương trình, 416 đơn vị đã tham gia, 406 phần chơi tình yêu chiến sĩ và hơn 3.000 người đã tham gia tình yêu chiến sĩ.
Sang năm thứ 9 chương trình tiếp tục có những thay đổi về hình thức thể hiện, nội dung với nhiều phóng sự thực tế, nhiều tiết mục đặc sắc của các ngôi sao và đặc biệt là những màn trình diễn đầy hấp dẫn của chính các chiến sĩ. Chúng tôi là chiến sĩ năm 9 sẽ ưu tiên cho các đơn vị ở xa, biên giới hải đảo… Các phần chơi, MC và những khách mời là người nổi tiếng sẽ tham gia ngay tại bối cảnh thực tế như thao trường, bãi tập, cầu cảng, nhà xưởng.
Đặc biệt, chương trình sẽ có sự xuất hiện của nam diễn viên Việt Anh trong vai trò người dẫn chương trình.