Ngày 31/3, Ủy ban về Chủng tộc và Chênh lệch Sắc tộc Chính phủ Anh công bố một báo cáo kết luận “những quan điểm về sự tồn tại tình trạng phân biệt chủng tộc trong thể chế nước Anh là không có cơ sở” và cho rằng nghiên cứu này sẽ tạo lập “một chương trình nghị sự sắc tộc mới."
Bản báo cáo đã dấy lên một làn sóng phản đối rộng rãi trong chính giới Anh. Nhiều nghị sĩ, nhà vận động xã hội và các công đoàn cho rằng báo cáo đã xuyên tạc trắng trợn bằng chứng về phân biệt chủng tộc.
Ủy ban này vốn được chính phủ Anh thành lập để điều tra về tình trạng chênh lệch sắc tộc Anh, sau một loạt các cuộc biểu tình Black Lives Matter nổ ra vào giữa năm 2020.
Ông David Olusoga, giáo sư Lịch sử Công tại Đại học Manchester, một trong những nhà sử học tiên phong của Anh về chế độ nô lệ, cáo buộc các tác giả muốn "phủ sạch lịch sử”.
Ông viết: “Có lẽ vô tình, các tác giả đã sử dụng lời lẽ của chính các chủ nô 200 năm trước nhằm bảo vệ cho chế độ nô lệ. Cụ thể, đó là thông qua hoà nhập vào văn hoá Anh, người da đen sẽ được hưởng lợi từ chế độ này theo một cách nào đó".
Tiến sĩ Tony Sewell, chủ tịch uỷ ban, người viết lời tựa của báo cáo, bị chỉ trích mạnh mẽ. Ông viết rằng một câu chuyện mới sẽ được kể về “thời kỳ nô lệ”, giai đoạn không chỉ có “lợi nhuận và đau khổ” mà còn có cách “người châu Phi tự chuyển mình thành những người Anh gốc Phi thông qua hoà nhập văn hoá”.
Tiến sỹ Tony Sewell, Chủ tịch Ủy ban về Chủng tộc và Chênh lệch Sắc tộc. Ảnh: BBC. |
Ngược lại, ông Hakim Adi, giáo sư Lịch sử châu Phi và cộng đồng người gốc Phi tại Đại học Chichester, lại cho rằng: “Người ta đang quên đi hàng trăm năm tội ác chống lại người châu Phi, với cái chết của hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Ở đất nước chúng ta, nhiều người đã phủ nhận hiện thực này và từ chối bất kỳ sự đền bù nào".
Còn nhà thần học Robert Beckford, giáo sư tại Queen’s Foundation ở Birmingham, nêu rõ báo cáo đã xoá mờ sự khủng bố chủng tộc mà chế độ nô lệ và chủ nghĩa tư bản Anh gây ra, đánh tráo chúng thành một ý tưởng văn hóa đơn thuần.
Đáp lại những lời chỉ trích, theo ông Sewell, những cáo buộc trên nực cười và phản cảm đối với các uỷ viên. Ông cho rằng báo cáo chỉ thể hiện người dân châu Phi đã bảo tồn được giống nòi và văn hóa của họ trước sự vô nhân đạo của chế độ nô lệ.
Dù vậy, nhiều người đã cùng nhau ký vào một lá thư phản đối bản báo cáo. Lá thư nhấn mạnh những bằng chứng trong các nghiên cứu chỉ ra sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực giáo dục đã hoàn toàn bị bỏ qua.
“Báo cáo đã sai sót và phớt lờ nhiều tranh luận cũng như các bằng chứng khoa học lâu đời về mối quan hệ phức tạp giữa phân biệt chủng tộc và thực tiễn giáo dục, văn hóa, chính sách và hệ thống", lá thư viết thêm.
Những người ký tên vào lá thư đến từ nhiều chuyên môn nghiên cứu khác nhau, bao gồm giáo dục, tâm lý học, xã hội học và kinh tế. Thậm chí, một vài người còn là những nhân vật có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực của mình.