Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo cáo tổng kết công tác của Hội Xuất bản Việt Nam Khóa III

Dưới đây là kết quả hoạt động nhiệm kỳ III (2011 – 2016) của Hội Xuất bản Việt Nam.

1. Bối cảnh kinh tế xã hội nước ta và một số nét chính của hoạt động xuất bản

Từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2013, nền kinh tế nước ta trong tình trạng suy giảm. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tiêu cực xã hội chưa được đẩy lùi nên gây ra những hệ lụy về tư tưởng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên. Tình hình chính trị, kinh tế và biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngày 16/1/2012 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW  của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”. Đây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị được kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo ra sự phấn khởi và tin tưởng trong toàn xã hội, trong đó có cán bộ và người lao động là hội viên Hội Xuất bản Việt Nam.

Cùng sự nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tác động tích cực và mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động xuất bản những năm gần đây.

Từ ngày 1/7/2013 Luật Xuất bản sửa đổi và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật có hiệu lực đã tác động nhiều chiều đến hoạt động của toàn ngành. Kỷ cương được tăng cường, chế định, chế tài, điều kiện thành lập và hoạt động được quy định cụ thể và mạnh mẽ hơn. Đến cuối năm 2016, nhiều nhà xuất bản vẫn chưa được cấp đổi giấy phép thành lập do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn ngành.

Mặc dù các đơn vị phát hành sách đã có nhiều nỗ lực nhưng mạng lưới phát hành tại một số khu vực nông thôn và nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn bị hạn chế, thu hẹp, có nơi bị trắng địa bàn.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn xã hội.

Hưởng ứng quyết định của Thủ tướng Chính phủ và cũng là đề xuất, nguyện vọng, cơ hội của những người làm xuất bản, hệ thống chuỗi các cửa hàng sách của một số đơn vị phát hành ngày càng phát triển trên cả nước, các hội sách với sự tham gia đông đảo của công chúng không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn lan rộng ra các tỉnh và thành phố khác.

Đường sách, phố sách được mở tại  TP.HCM, Hà Nội và đang được nhiều tỉnh, thành phố nghiên cứu để nhân rộng. Thị trường tiêu thụ xuất bản phẩm sôi động hơn, sản lượng tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước, sự phát triển của văn hoá đọc có những tín hiệu đáng mừng trong những năm gần đây.

Dù có những phát triển nhất định theo hướng tích cực như vậy, nhưng ngành xuất bản và thị trường tiêu thụ xuất bản phẩm với doanh số trên 2.000 tỉ đồng/ một năm cho thấy một quy mô còn nhỏ bé, chưa thực sự đúng tầm của một đất nước với 90 triệu dân như Việt Nam.

Tháng 1/2016, Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp, tạo ra môi trường chính trị mới, lòng tin mới cho hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có xuất bản.

Năm 2016, các cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước về xuất bản đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Thông báo số 19/TB-TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TƯ khẳng định những ưu điểm, kết quả và chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém của hoạt động xuất bản và từng lĩnh vực công tác.

Về phía Hội Xuất bản Việt Nam, sau bảy năm kiên trì kiến nghị với các cấp, các cơ quan của Đảng và Nhà nước, ngày 22/9/2014 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 102 KL/TW về việc Hội Xuất bản Việt Nam được hưởng các chế độ, chính sách như là hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, Hội Xuất bản Việt Nam vẫn chưa được Nhà nước cấp kinh phí cho các hoạt động. Cán bộ Hội đa phần làm việc kiêm nhiệm không có phụ cấp hoặc với phụ cấp rất ít ỏi, nhưng do yêu nghề và tâm huyết cũng như trách nhiệm trước Đảng, xã hội và hội viên nên vẫn tổ chức được một số hoạt động hữu ích.

Nhờ sự ủng hộ của các hội viên ở cơ sở, các đơn vị trực thuộc, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước nên Hội Xuất bản Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động, khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra trong chương trình hoạt động toàn khóa.

Với sự năng động, tâm huyết, trách nhiệm, các hội viên đã tiến hành các hoạt động nghề nghiệp nhằm sản xuất, phổ biến xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu đọc của toàn xã hội. Từ bối cảnh những thuận lợi và khó khăn trên đây, xin điểm lại những công việc chính Hội đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua.

2. Kết quả hoạt động của nhiệm kỳ 2011-2016

2.1.  Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội

2.1.1. Tham gia công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản

- Hội Xuất bản đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các Hội nghị sơ kết và giao ban công tác sáu tháng đầu năm, tổng kết công tác xuất bản, phát hành toàn quốc hằng năm.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Xuất bản; bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho hội viên.

- Trước tình hình nhiều nhà xuất bản không hội đủ các điều kiện về vốn, trụ sở làm việc, nhân sự lãnh đạo chủ chốt và biên tập viên cơ hữu nên các nhà xuất bản này sẽ không được cấp lại giấy phép thành lập và có nguy cơ phải dừng hoạt động, Hội đã có các văn bản đề nghị Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan có biện pháp hữu hiệu nhằm giúp các nhà xuất bản tháo gỡ khó khăn, đồng thời có giải pháp lâu dài phát triển ngành xuất bản.

2.1.2. Tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

- Hội đã đề xuất, đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước cùng các bộ ngành hữu quan về các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước như: Góp ý về dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các Đề án: Giải thưởng Sách Quốc gia, Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020, Khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Thường trực Hội Xuất bản đã soạn thảo và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp xuất bản Việt Nam; Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.

- Hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án về Ngày Sách Việt Nam. Sau khi đề án được Chính phủ ra quyết định phê duyệt, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu trách và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 hàng năm. 

- Lãnh đạo Hội đã tham gia đóng góp ý kiến hoặc trực tiếp tham gia soạn thảo, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật:

 +  Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Xuất bản 2012

 +  Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

 + Tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của các hội.

-  Ban Chấp hành Hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tổ chức tổng kết mười năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TƯ ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, qua đó đã tổng hợp nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực kiến nghị với Đảng và Nhà nước về cơ chế chính sách và định hướng phát triển của ngành xuất bản trong thời kỳ mới.

- Sau khi Quốc hội Khóa 13 quyết định dừng việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 để tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa hoàn thiện, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề nghị các hội viên trong cả nước khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến về những quy định trong bộ luật này đối với hoạt động xuất bản (Công văn số 22/CV –HXBVN, ngày 11/7/2016).

Tiếp đó, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức hai cuộc tọa đàm ở TP.HCM và Hà Nội để lắng nghe ý kiến của các hội viên. Ngày 5/9/2016 Hội có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi cơ bản  điều 344 trong Bộ luật hình sự 2015. Kiến nghị này một lần nữa được gửi lại cho các cơ quan hữu trách để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa 14 vừa khai mạc.

Bao cao hoi xuat ban anh 1
Nhiều hội sách được mở ra và thu hút bạn đọc. Ảnh: Việt Hùng.

2.2. Tổ chức các hoạt động nghề nghiệp

- Ban Chấp hành Hội đã tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sách như: Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ V năm 2015 tại Hà Nội, trong đó Hội đã mời Hiệp hội Xuất bản ASEAN đưa sách sang trưng bày. Hội Sách ở thành phố Hồ Chí Minh; Ngày hội Sách và văn hóa đọc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội; Triển lãm và tọa đàm về Sách tại Thư viện Quốc gia, Triển lãm Sách tại thành phố Điện Biên Phủ (tháng 4/2014). 

Hội Xuất bản đã tổ chức gian trưng bày Sách Hay Sách Đẹp được giải thưởng của Hội tại Hội chợ sách ở Hoàng thành Thăng Long Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, thu hút được nhiều khách tham quan, trong đó có Hiệp hội Xuất bản ASEAN.

- Tháng 1/2015, Hội Xuất bản - Văn phòng phía Nam đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Những quyển sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên – thực trạng và giải pháp”. Cuộc tọa đàm đã chỉ ra thực trạng và nguyên nhân để lọt những ấn phẩm có nội dung phản cảm, gây nên sự bức xúc trong công luận và đề ra những giải pháp khắc phục, tạo được hiệu ứng xã hội tốt, góp tiếng nói định hướng dư luận và đấu tranh với những nhận thức phiến diện, lệch lạc hoặc cực đoan về xuất bản thời gian gần đây.

 - Hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ tổ chức Hội sách và trưng bầy bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là lần đầu tiên một Hội sách có quy mô khu vực được tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long với số lượng hàng trăm gian hàng và hàng ngàn khách tham quan, mua sắm.

Từ kết quả của những hoạt động trong Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức trên đường Nguyễn Văn Bình, Văn phòng Hội phía Nam đã đề xuất với Ủy ban nhân dân và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xây dựng Đường Sách TP.HCM tại đường Nguyễn Văn Bình; chủ động xây dựng Đề án và đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận. Đường Sách TP.HCM đi vào hoạt động từ tháng 10/2015 chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ XII.

- Để quản lý, điều hành hoạt động của Đường Sách, Hội đã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Đường Sách TP.HCM, với vốn điều lệ 50 triệu đồng do Hội Xuất bản Việt Nam làm chủ sở hữu. Công ty đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, đạt hiệu quả kinh tế và nội dung hoạt động phong phú, được ghi nhận là một sự kiện văn hóa nổi bật của thành phố năm 2016.

- Từ thành công của Đường sách TP. HCM, Chủ tịch Hội đã có văn bản gửi Chủ tịch 5 tỉnh, thành phố lớn đề nghị tạo điều kiện để nhân rộng mô hình đường sách, phố sách. Đến nay, Thủ đô Hà Nội là địa phương thứ hai khai trương và đưa Phố sách vào hoạt động.

- Nhằm tìm hiểu thực trạng công tác xuất bản, phát hành, xây dựng các chương trình phục vụ xã hội và cộng đồng, ngày 27/6/2014, Hội đã tổ chức tọa đàm, gặp gỡ các nhà xuất bản, các công ty in và kinh doanh sách ở TP.HCM.

Trong năm 2015, Lãnh đạo Hội đến làm việc, tìm hiểu tình hình của một số nhà xuất bản gặp khó khăn hoặc phải sáp nhập với đơn vị khác để chia sẻ, động viên và cùng tìm biện pháp ổn định hoạt động.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu trách trong việc hoàn thiện cơ chế xuất bản lịch Bloc. Trong 5  năm qua,  Hội Xuất bản Việt Nam đã tích cực tham gia bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong việc tổ chức xuất bản lịch bloc theo phương thức nhóm, được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông nhất trí, góp phần tăng thu nhập cho các hội viên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường xuất bản lịch.

- Năm 2016 Hội đã đề nghị bổ sung sách vào Thể lệ Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và được Ban Tuyên giáo TƯ chấp thuận; đến nay đã hoàn thành việc xét chọn và chấm giải năm 2016 với 3 giải B, 2 giải C và 2 giải khuyến khích.

2.3. Thực hiện công tác chính trị - tư tưởng trong các đơn vị trực thuộc và hội viên

-   Thường trực Hội đã phối hợp với Chi bộ Đảng tổ chức quán triệt các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI ngày 4/7/2014 về phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, liên hệ với thực tiễn hoạt động của Hội và ngành.

-  Tổ chức đóng góp ý kiến với các văn kiện của Đại hội XII và triển khai học tập sau   Đại hội.

- Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta tháng 5/2014, toàn thể hội viên đã bày tỏ thái độ chính trị rõ rệt: phản đối, lên án hành động của Trung Quốc và  đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Lãnh đạo Hội Xuất bản đã ra Nghị quyết kêu gọi toàn thể hội viên bằng hoạt động nghề nghiệp hãy xuất bản nhiều tác phẩm góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tác phẩm về chủ đề này đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam trao giải thưởng.

-  Hội Xuất bản Việt Nam đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên và những thông tin thu thập được qua hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức trực thuộc Hội đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo định kỳ hoặc đột xuất. Năm 2016, Hội đã gửi văn bản góp ý Dự thảo Nghị quyết Liên tịch Quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2.4. Về tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam 

Hàng năm, Hội tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam theo quyết định của Chính phủ. Nhìn chung, Giải thưởng Sách Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc trong nhiệm kỳ III và có hiệu ứng xã hội tốt. Đến nay, chưa phát hiện sai sót trong quá trình chấm giải.

Những cuốn sách đạt giải được trao thưởng vào dịp Ngày Sách Việt Nam 21/4 kể từ năm 2014. Trong 5 năm qua, tổng số tên sách dự thi là 1893 cuốn, trong đó có 2 Giải Đặc biệt, 41 Giải Vàng, 112 Giải Bạc, 134 Giải Đồng và 124 Giải Khuyến khích.

Để nâng cao chất lượng Giải, Hội đã sửa đổi, bổ sung Quy chế Giải thưởng Sách Việt Nam vào năm 2014; thường xuyên bổ sung, kiện toàn bộ máy chấm giải và đề nghị các cơ quan hữu trách như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Hội chủ động nâng cao giá trị giải thưởng trong điều kiện không được tăng kinh phí. Nhờ vậy, giá trị Giải Vàng Sách Hay từ 15 triệu lên 25 triệu đồng, tuy còn rất thấp so với giải báo chí hoặc  giải của các hội nghề nghiệp khác về văn học nghệ thuật.

Qua 12 năm trao thưởng, Giải thưởng Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động được trông đợi của những người làm xuất bản và các tác giả.

2.5.  Xét chọn, thẩm định tác phẩm dự thi viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản đã thành lập Hội đồng sơ khảo xét chọn tác phẩm của các nhà xuất bản và các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương gửi về. Sau khi chấm sơ khảo, Hội đã gửi kết quả về Hội đồng chung khảo – Ban Chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Kết quả tóm tắt như sau: đợt 1 năm 2013 Thư viện Quốc gia Việt Nam và Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) được trao giải A về quảng bá xuất bản phẩm. Đợt 2 năm 2015: Bên cạnh các tác phẩm được đề nghị trao giải thưởng, Hội cũng đã đề nghị Hội đồng chung khảo trao giải thưởng cho ba nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Chính trị Quốc gia Sự Thật và Công an nhân dân về hoạt động quảng bá các tác phẩm về chủ đề nói trên.

2.6. Hoạt động hợp tác quốc tế

- Hội XBVN tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương, cử người tham gia Hội chợ sách ở Mỹ từ nguồn kinh phí của các hội viên.

- Tháng 2 năm 2013, Hội Xuất bản Việt Nam được Ban Tuyên giáo Trung ương phân công đón tiếp và làm việc với đoàn cán bộ Tuyên giáo của thành ủy Trùng Khánh Trung Quốc để xuất bản cuốn sách của nguyên Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu Lê Khả Phiêu những điều tâm đắc bằng song ngữ Việt - Trung. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm của TBT Đảng ta được xuất bản song ngữ Trung – Việt với sự hợp tác của Trung Quốc.

- Hội đã cử cán bộ tham dự Liên hoan Văn học ASEAN 2015 tại Jakarta, Indonesia; Lãnh đạo Hội đã trao đổi, làm việc với Phó Chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt CHLB Đức tại TP.HCM và tại Hà Nội năm 2015 và 2016. Từ kết quả các hoạt động đó, FBF đã tài trợ cho các đợt tập huấn tại Đức tháng 6/2017 và cử người sang cùng tổ chức lớp tại Việt Nam vào tháng 8/2017.

- Được sự ủy quyền của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á, lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam đã làm việc với Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam về việc mời cơ quan phụ trách xuất bản Campuchia tham gia Hiệp hội.

 - Tổ chức Ngày Hội Tác quyền sách Việt Nam - Nhật Bản lần thứ nhất 2016 tại TP.HCM và hội thảo về “Tổng quan hoạt động xuất bản và bản quyền của hai nước Việt - Nhật” do Văn phòng Hội phía Nam phối hợp cùng Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản tổ chức với sự tham gia của 17 nhà xuất bản, tạp chí Nhật và 19 nhà xuất bản, công ty sách Việt Nam.

- Hội Xuất bản Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á diễn ra ngày 7/10/2016 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các hội thành viên đến từ 8 quốc gia trong ASEAN.

Bên cạnh việc báo cáo về tình hình xuất bản của từng quốc gia, hội nghị cũng dành thời gian để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng. Hội nghị đã thống nhất kết nạp Lào là thành viên chính thức và tiếp tục đề nghị Việt Nam vận động Campuchia gia nhập Hiệp hội.

2.7. Về công tác tổ chức, cán bộ của Hội và phát triển hội viên

Căn cứ nhu cầu thực tế, để tăng cường sự lãnh đạo của Hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam đã tiến hành kiện toàn bộ máy và nhân sự của Hội: Bầu bổ sung bốn Ủy viên Ban Chấp hành, trong đó có một Ủy viên Thường vụ là Phó Chủ tịch Hội phụ trách công tác của Hội ở phía Nam; bổ nhiệm Chánh văn phòng và Trưởng ban kiểm tra mới. Hội đã thành lập Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM tháng 8/2014 và báo điện tử Tri thức trực tuyến năm 2013.

BCH Hội đã quyết định thay đổi biểu trưng (lô gô) của Hội.

Trong nhiệm kỳ III đã kết nạp được 25 hội viên tổ chức và 16 hội viên cá nhân.

Hội đã thành lập Câu lạc bộ giám đốc xuất bản với những hoạt động bước đầu được duy trì đều đặn hàng năm.

 Về các đơn vị trực thuộc Hội

- Nhà xuất bản Thời Đại trực thuộc Hội gặp nhiều khó khăn do cơ quan chủ quản không thể hỗ trợ về kinh phí, không có số vốn 5 tỉ đồng cấp cho nhà xuất bản để tự làm sách, phải liên kết xuất bản với tỉ lệ cao nên đã để xảy ra những sai phạm về quy trình và thủ tục hành chính được quy định trong Luật Xuất bản. Lãnh đạo Hội đã quyết định đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương chấp thuận chấm dứt hoạt động từ đầu năm 2016.

- Về hoạt động của Báo điện tử Tri thức trực tuyến nhìn chung có những bước tiến rõ rệt, số lượt truy cập cao, nội dung nhìn chung tốt, phù hợp với giới trẻ, có các chuyên mục về sách hay, sách mới, tác giả và tin tức về hoạt động xuất bản. Nội dung chuyên mục này đang được tập trung nâng cao chất lượng và số lượng bài vở ngày càng  phong phú, hấp dẫn, số lượng truy cập về xuất bản trong tốp đầu các báo điện tử hiện nay. Bộ máy, nhân sự, tổ chức Đảng tiếp tục được kiện toàn để tờ báo ngày càng phát triển đúng hướng.

- Tạp chí Sách & Đời sống không được cấp kinh phí hoạt động nên chỉ ra được 3-4 số một năm. Nội dung tốt, dành khoảng 60/100 trang phản ánh hoạt động xuất bản.

2.8. Một số công tác xã hội khác

- Hội Xuất bản đã phối hợp với Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam tổ chức hội thảo về “Quyền sao chép tác phẩm và Giải pháp quản lý tập thể trong khu vực trường học” dành cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản tại Hà Nội (tháng 11/2015).

- Hội đã tặng hàng ngàn cuốn sách cho các đơn vị bộ đội ở đảo Cồn Cỏ; tặng hơn 5000 bản sách và 5000 cuốn vở cho Trường Trung học cơ sở Phan Văn Đường ở huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi năm học 2014-2015.

- Văn phòng Hội phía Nam đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Báo Phụ nữ TP. HCM và một số đơn vị khác quyên góp sách từ các hội viên để hình thành các thư viện, phòng đọc sách miễn phí  và chương trình  tặng sách cho thiếu nhi ngoại thành, vùng sâu vùng xa.

- Trong tháng 9 và 10/2016, Hội đã vận động các chi hội, hội viên trong cả nước đóng góp ủng hộ học sinh và đồng bào chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định. Số tiền quyên góp được là 226.155.000 đồng, gần 4000 bản sách và 100.000 cuốn vở, lãnh đạo Hội đã trực tiếp trao tặng các cơ sở.

Ra mắt 'Mùa đông huyền bí' nhân kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Phần Lan

“Mùa đông huyền bí” là tập sách thứ bảy trong loạt truyện về nhân vật Mumi của nhà văn Tove Jansson được NXB Kim Đồng ấn hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Phần Lan.

 

Tuệ Mẫn

Bạn có thể quan tâm