Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết ngày 30/6 Bộ đã gửi báo cáo Thủ tướng về vụ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng.
Đề nghị lập hồ sơ truy tố hai cơ sở đóng tàu
Về nội dung báo cáo, ông Vũ Văn Tám cho hay Bộ Nông nghiệp hoàn toàn nhất trí với kết luận của tỉnh Bình Định và nội dung chính vẫn ở kết luận này.
Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Bình Định, cùng với kiểm điểm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá, trong tháng 7 này, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tiến hành kiểm điểm nghiêm khắc đối với Trung tâm đăng kiểm tàu cá, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để có hướng xử lý đúng với quy định của pháp luật, Thứ trưởng Tám nói.
Theo báo cáo, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản đình chỉ công tác với những cán bộ Trung tâm Đăng kiểm.
Cũng theo báo cáo ngoài Bình Định, Phú Yên có 2/5 tàu vỏ thép bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu, hiện đã hoạt động bình thường. 18/23 tàu ở Thanh Hoá bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản; đa số tàu đã hoạt động trở lại, riêng hai tàu còn đậu cảng để sửa chữa máy phát điện.
Ở Quảng Nam, 34/35 tàu vỏ thép đóng mới đi vào hoạt động, số còn lại chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt nên chưa ra khơi. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục kiểm tra, rà soát chất lượng và hiệu quả của tàu vỏ thép.
Về phương xử lý đối với 2 cơ sở đóng tàu công ty TNHH MTV Nam Triệu, Cty TNHH Đại Nguyên Dương, Bộ Nông nghiệp sẽ cùng với tỉnh Bình Định giám sát 2 cơ sở trên, thực hiện các cam kết khắc phục với những lỗi mà tổ thẩm định đã chỉ ra.
Trong đó, cơ quan đăng kiểm sẽ phải giám sát quá trình khắc phục, sữa chữa, xem các máy móc, thiết bị… mà 2 cơ sở trên đưa vào có phù hợp và đảm bảo an theo quy định không.
"UBND tỉnh Bình Định đang giao cho Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an về tình hình hư hỏng của 18 tàu vỏ thép này và đề nghị lập hồ sơ truy tố trước pháp luật các cơ sở đóng tàu gian dối, đặc biệt là Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã không hợp tác với các cơ quan của tỉnh và ngư dân để khắc phục sự cố", ông Tám nói.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới bàn giao đã liên tục hư hỏng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trung tâm đăng kiểm nhận sai sót
Về sai sót của đơn vị đăng kiểm, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp), cho biết khi kiểm tra máy tàu, rõ ràng đầy đủ hồ sơ, có ghi là máy thủy, mới 100% nên cán bộ đăng kiểm mới cho lắp ráp vào tàu.
Khi lắp đặt thực tế và chạy thử, máy vẫn hoạt động bình thường nhưng bàn giao về cho ngư dân đưa ra khơi đánh bắt thì gặp sự cố. "Sau khi kiểm tra thì máy tàu được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên yếu năng lực nên không phát hiện đâu là thật, giả. Hiện, các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra tiêu cực của đăng kiểm viên", ông Đức cho hay.
Trong quá trình nghiệm thu phần máy chính trước khi Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp trên các tàu cá vỏ thép, các đăng kiểm viên khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra trước và sau khi lắp đặt máy, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ)...
Theo lãnh đạo đơn vị đăng kiểm về vụ việc này, ông Nguyễn Quang Hòa, Đăng kiểm viên hạng II, Tổ trưởng Tổ Đăng kiểm số 3 được giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phân công giám sát 20 tàu cá vỏ thép của tỉnh Bình Định đóng tại Công ty Nam Triệu, đã có giải trình.
Hàng chục tàu thép phải nằm bờ vì hư hỏng, han gỉ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo đó, tổ này thực hiện các bước kỹ thuật đăng kiểm đóng mới tàu vỏ thép theo đúng quyết định 96 của Bộ Nông nghiệp, như đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật máy chính trước khi lắp đặt trên tàu.
Các đăng kiểm viên được cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ gốc. Qua đối chiếu các giấy tờ trên và kiểm tra thực tế, trên thân máy chính có Mac (Etyket) và số chìm, đối chiếu với các giấy tờ trên phù hợp thì cho lắp xuống tàu.
Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Đỗ Kim Tuyến, tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra, đến nay khẳng định có sai phạm ở 2 công ty đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu của Bộ Công an và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương). UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an Bình Định thu thập tài liệu.
“Trong vụ việc này, chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải có nguyên đơn tố cáo sai phạm, trên cơ sở đó chúng ta giám định, đánh giá, đủ căn cứ chúng tôi sẽ khởi tố điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật” , ông Tuyến nói và khẳng định Tổng cục Cảnh sát đã vào cuộc trách nhiệm, nắm tình hình ngay từ đầu và phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh Bình Định để điều tra.
Tháng 4/2017, nhiều ngư dân phản ánh cơ quan chức năng Bình Định về tình trạng tàu thép bị gỉ sét nặng, máy móc, thiết bị liên tục gặp sự cố. Sau đó, Bình Định tổ chức đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu..nhưng doanh nghiệp không thừa nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho ngư dân và không thống nhất khắc phục sự cố.
Ngày 31/5, 18 chủ tàu đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng tàu thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng. Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.
Từ ngày 6 đến 10/6, bảy chủ tàu thép đột ngột rút đơn sau khi thỏa thuận với đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Ngày 26/6, Bình Định công bố kết quả thẩm định, nêu rõ hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.
Sáng 28/6, trả lời câu hỏi các cơ quan báo chí về vụ tàu thép, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), nhấn mạnh việc này phải có nguyên đơn tố cáo sai phạm, trên cơ sở giám định, đánh giá đủ căn cứ, Bộ Công an sẽ khởi tố điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.