Từ hàng chục năm trước, thế hệ nghệ sĩ gạo cội của Việt Nam đã từng đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc. Trên Đỉnh Phù Vân, Mưa Bay Tháp Cổ, Con Cò, Tiếng Đàn Bầu,... là những ca khúc dân gian đương đại được đông đảo khán giả ủng hộ.
Những ca khúc của Hoàng Thùy Linh như Bánh Trôi Nước, Để Mị Nói Cho Mà Nghe, Tứ Phủ, Duyên Âm, Kẻ Cắp Gặp Bà Già, đã tạo bước ngoặt mới để nhạc dân gian đương đại lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường nhạc Việt. Từ đây, Hoàng Thùy Linh vụt sáng thành ngôi sao, còn DTAP, trong vai trò sản xuất nhạc cho Hoàng Thùy Linh, vươn tầm thành producer có sức ảnh hưởng trên thị trường.
Không chỉ mượn những chất liệu âm nhạc dân gian, Hoàng Thùy Linh và ekip đã lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, như Bánh Trôi Nước, Vợ Chồng A Phủ, đưa vào bài hát. Producer DTAP pha trộn giữa âm thanh truyền thống (ví dụ tiếng khèn) và nhạc điện tử để đảm bảo chất dân gian đương đại, nhưng vẫn cập nhật những xu hướng mới, làm “mềm mại” để chinh phục tai nghe các khán giả trẻ tuổi.
Trong năm 2023, Hòa Minzy kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong và producer Masew trong ca khúc Thị Mầu. Đây là bài hát được sáng tác dựa trên câu chuyện của nhân vật Thị Mầu trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính. Cú chuyển mình sang nhạc dân gian đương đại giúp Hòa Minzy có bản hit tiếp theo trong sự nghiệp.
Tiếp đến, Phương Mỹ Chi chuyển hướng từ nhạc dân ca sang dân gian đương đại. Sự hỗ trợ của DTAP trong 2 ca khúc Vũ Trụ Có Anh và Đẩy Xe Bò, giúp Phương Mỹ Chi gặt hái thành công trong 2 bài hát mới nhất. Bên cạnh đó, Dương Hoàng Yến nằm trong nhóm ca sĩ thử khai phá chất liệu dân gian.
Từng có thời gian khán giả tranh cãi về việc những ca sĩ đi sau Hoàng Thùy Linh, khai thác màu sắc dân gian đương đại trong âm nhạc là bắt chước. Cụ thể, Hòa Minzy và Phương Mỹ Chi đã bị khán giả so sánh với thành công của Hoàng Thùy Linh.
Với Hòa Minzy, Thị Mầu là câu chuyện về một nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực học hỏi và thấu hiểu tinh hoa nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã để lại. "Với Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, tôi thành công khi các từ khóa về vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu được khán giả tìm kiếm nhiều để ôn lại một phần sử sách. Nên ở MV Thị Mầu, tôi mong sản phẩm này sẽ tạo được hứng thú cho khán giả tìm hiểu về chuyện Thị Mầu, Thị Kính và nghệ thuật chèo Việt Nam, nhất là các khán giả trẻ. Mong các bạn trẻ sẽ biết đến bộ môn chèo nhiều hơn, vì nền âm nhạc Việt Nam có chèo rất hay nhưng lại đang bị mai một dần”, Hòa Minzy bộc bạch.
Đồng quan điểm đó, Phương Mỹ Chi cho biết: “Có lẽ mọi người nghĩ văn hóa dân gian là phải gắn với DTAP hay chị Hoàng Thùy Linh. Không thể nói Chi đang bắt chước chị Linh. Những điều thuộc về dân gian dân tộc luôn là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ khai thác và khẳng định mình. Chi nghĩ chúng ta kế thừa, phát triển, chứ không thể nói hay xem đó là xu hướng để ăn theo, bắt chước”.
Kho tàng dân gian Việt Nam không của riêng ai. Đây vẫn là mảnh đất “màu mỡ” cho các nghệ sĩ khai thác, thay vì chỉ giậm chân ở thành công của Hoàng Thùy Linh. Thực tế, cách khai thác dân gian trong âm nhạc của Hòa Minzy hay Phương Mỹ Chi đều có yếu tố mới. Với Hòa Minzy là đưa loại hình nghệ thuật chèo vào bài hát. Trong khi đó, Phương Mỹ Chi mang ca trù vào ca khúc Vũ Trụ Có Anh.
“Dân gian không chỉ là những giá trị nằm trong bảo tàng, được UNESCO công nhận, hay chỉ gói gọn trong các thể loại âm nhạc dân gian như ngũ cung, các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, mà dân gian ở đây ở rộng ra là những thứ thuộc về Việt Nam như tiếng Việt hàng ngày là một ví dụ điển hình”, DTAP giải thích thêm.
Nói về chất liệu dân gian trong âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho biết: “Thử nghiệm sáng tạo của các ekip trẻ khi kết hợp sắc màu âm nhạc truyền thống, âm nhạc dân gian cổ truyền với âm nhạc điện tử tạo nên sự mới mẻ và bắt tai. Không phải tất cả các sản phẩm đều thành công nhưng có nhiều ca khúc đã trở thành điểm sáng, viral cả trên thị trường quốc tế. Nhạc Việt cần thêm nhiều sản phẩm như vậy để khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế”.
Có thể thấy, việc tận dụng dân gian đương đại vào âm nhạc không là xu hướng chỉ nở rộ trong năm 2023. Bởi kho tàng chất liệu dân gian đồ sộ của nước ta vẫn còn đang chờ những nghệ sĩ tài năng tiếp tục khai phá. Đây cũng chính là một chủ đề nổi bật được nhắc đến trong Báo cáo thị trường âm nhạc Việt Nam, dự kiến sẽ được Zing MP3 – nền tảng âm nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam - chính thức ra mắt vào ngày 9 tháng 1 sắp tới. Báo cáo được thống kê và phân tích nhằm mục đích cung cấp những thông tin tổng quan cùng những góc nhìn cụ thể về thị trường âm nhạc tại Việt Nam trong năm 2023 và dự đoán xu hướng âm nhạc 2024. Từ đó, giúp các nhà sản xuất, nghệ sĩ đưa ra các chiến lược hoạt động hiệu quả, dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của người nghe.