Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8 năm nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, trong đó gần 65% là nợ xấu tự xử lý còn lại là nhờ bán nợ.
Đó là số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo Quốc hội trong văn bản mới đây.
Ngân hàng xử lý gần 1 triệu tỷ đồng nợ xấu từ năm 2012
Trong số gần 1 triệu tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ năm 2012 đến nay, số nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 629.200 tỷ đồng, tương đương gần 65%. Phần nợ xấu còn lại được xử lý thông qua hoạt động bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác.
Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,98%. Tuy nhiên, nếu tính gộp nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý, và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trên hệ thống thì tỷ lệ này ở mức 4,84%.
Theo NHNN, tỷ lệ này đã giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 8 năm nay toàn hệ thống đã xử lý được 236.800 tỷ đồng. Số này không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Trong đó, số nợ xấu nội bảng được xử lý là 137.700 tỷ; các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 47.970 tỷ; và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.120 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đến cuối tháng 8 năm nay, các TCTD đã sử dụng 123.890 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Với tình hình hoạt động của VAMC, từ năm 2013 đến nay, tổ chức này đã mua 348.500 tỷ đồng dư nợ xấu gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỷ đồng. VAMC cũng mua 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỷ đồng theo giá thị trường là 6.821 tỷ đồng.
Báo cáo hoạt động của 3 ngân hàng "0 đồng"
Ngoài kết quả hoạt động xử lý nợ xấu, báo cáo của NHNN cũng thông tin về tình hình hoạt động của nhóm 3 ngân hàng “0 đồng” (Oceanbank, CBBank và GPBank) bị mua lại bắt buộc và Ngân hàng DongABank.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng này xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động. Trong đó, các ngân hàng nói trên đã tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu.
Theo NHNN, đến nay, cơ quan này đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Oceanbank.
Đối với CBBank, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong diễn biến mới nhất liên quan hoạt động của DongABank, nhà băng này cho biết do hoạt động thua lỗ nhiều năm nên ngân hàng đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Vì vậy, DongABank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Đại hội cổ đông không thông qua.
Dù phương án này không được thông qua, đại diện DongABank cho biết kết quả này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, HĐQT sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định.