Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo cáo gửi Quốc hội sử dụng số liệu 14 năm trước: Sai phải giải trình

Trước việc báo cáo của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Thủ đô sử dụng số liệu môi trường của 14 năm trước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói "cơ quan báo cáo sai sẽ phải giải trình".

Tại họp báo chiều 18/10, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan tới việc Bộ Tư pháp vừa qua ký báo cáo về tổng kết luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật thẩm tra và gửi tới đại biểu Quốc hội nhưng phần số liệu môi trường lại sử dụng số liệu từ năm 2005, tức là số liệu của 14 năm trước.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, theo quy định, cứ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo tới Quốc hội việc thi hành luật Thủ đô và đây là lần thứ 2 Chính phủ báo cáo về nội dung này.

ky hop Quoc hoi anh 1
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Minh Quân.

Ông cho biết báo cáo này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 36 vào tháng 7/2019.

“Hiện, báo cáo của Chính phủ mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà là báo cáo từ tháng 7 trình tại kỳ họp 36”, ông Giang cho hay.

Về việc số liệu trong báo cáo sử dụng thông tin từ cách đây 14 năm, ông Giang nói “cơ quan nào báo cáo thì cơ thì cơ quan đó chịu trách nhiệm về số liệu và thông tin trong báo cáo”.

Theo ông, thông qua đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí sẽ giám sát tính trung thực của báo cáo.

Chưa đồng tình với phần trả lời này, phóng viên tiếp tục cho rằng, việc Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhưng việc sử dụng số liệu từ 14 năm trước mà vẫn khẳng định số liệu gần đây nhất có thể khiến dư luận, cử tri mất niềm tin vào các báo cáo gửi tới Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải thích việc thẩm tra có nhiều nội dung chứ không chỉ có số liệu. Và việc đưa báo cáo ra Quốc hội, tới các đại biểu Quốc hội là để đảm bảo tính công khai, để các cử tri giám sát.

Ông Giang cho rằng khi các cơ quan gửi báo cáo thì "ít nhất là phải tin tưởng báo cáo đó”. “Chẳng hạn như báo cáo về dân số thì làm sao cơ quan thẩm tra đếm số liệu từng đầu người một xem số liệu có đúng hay không được? Còn khi báo cáo ra trước Quốc hội thì cử tri, các cơ quan báo chí có quyền giám sát”, ông Giang nói thêm và khẳng định, nếu có số liệu sai sót, cơ quan báo cáo sẽ phải giải trình.

Nói thêm về việc này, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định khi các cơ quan Chính phủ gửi báo cáo sang thì các cơ quan Quốc hội sẽ kiểm tra các thông tin, nếu không đảm bảo thì trả lại. “Đó là điều đương nhiên và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về các báo cáo”, ông Phúc nói đồng thời cho biết, hiện nay báo cáo chính thức vẫn chưa được chuyển tới Quốc hội.

Tuy nhiên, phóng viên khẳng định lại tiếp cận các báo cáo này khi báo cáo được gửi chính thức tới các đại biểu Quốc hội. “Đã có nhiều trường hợp báo cáo cũ, chép lại một cách cẩu thả và được phản ánh. Vậy trách nhiệm của những người ký báo cáo như thế nào để tránh việc lặp lại chuyện này?”, phóng viên đặt câu hỏi.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định trên hệ thống tài liệu chính thức gửi tới đại biểu thì chưa có báo cáo này. Việc đại biểu tiếp cận báo cáo này có thể là tài liệu trên hệ thống nội bộ cơ quan.

“Nếu báo cáo có số liệu chưa chính xác, đại biểu cũng có trách nhiệm chỉ ra những chỗ chưa chính xác”, ông Phúc nói.

Số liệu ô nhiễm của Hà Nội năm 2019 giống hệt 2005

Nhiều chỉ số ô nhiễm môi trường 2019 hoàn toàn trùng khớp với năm 2005. Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng Tư pháp đã chỉ đạo bộ phận chức năng phối hợp với Hà Nội kiểm tra.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm