Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo cáo của LHQ: Lệnh trừng phạt quốc tế không hiệu quả với Triều Tiên

Các nhà phân tích nhận định chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn nguyên vẹn, bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc và cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn. Theo một báo cáo mà AFP tiếp cận được, các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng gần như “không hiệu quả”. Triều Tiên tiếp tục có được các lô hàng dầu mỏ bất hợp pháp, bán than đá ra nước ngoài và vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.

“Chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn. Bình Nhưỡng đang sử dụng các cơ sở dân sự, bao gồm sân bay để lắp ráp và thử nghiệm tên lửa với mục tiêu ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công phủ đầu”, báo cáo cho biết.

Báo cáo được bí mật gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2. Washington hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ mang lại tiến bộ cụ thể trong việc gỡ bỏ các chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Trieu Tien co tu bo hat nhan khong anh 1
Tên lửa đạn đạo Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Chính quyền Tổng thống Trump đã dẫn đầu nỗ lực của Liên Hợp Quốc, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Triều Tiên, nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong năm 2017. Tuy nhiên, Triều Tiên đã sử dụng mạng lưới các tàu thuyền trên biển để chuyển nhượng bất hợp pháp dầu, than đá nhằm phá vỡ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

“Những vi phạm này khiến lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc không có hiệu quả, khi Triều Tiên đã lách luật để vượt qua giới hạn đối với nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, nhiên liệu và than đá áp đặt vào năm 2017”, báo cáo cho biết.

Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc giới hạn cho Triều Tiên được nhập 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng xăng, dầu tinh chế mỗi năm.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng tiếp tục vi phạm lệnh cấm vũ khí và tìm cách cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Syria, phiến quân Houthi ở Yemen, Libya và Sudan.

Trieu Tien co tu bo hat nhan khong anh 2
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: AP.

Các tổ chức tài chính của Triều Tiên hoạt động tại ít nhất 5 quốc gia, bất chấp hạn chế do Liên Hợp Quốc áp đặt. Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao nước này giúp họ né tránh lệnh trừng phạt bằng cách kiểm soát tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia.

Báo cáo mới của các chuyên gia Liên Hợp Quốc phù hợp với đánh giá của tình báo Mỹ, rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Dù vậy, người ta vẫn lạc quan có thể đề nghị Bình Nhưỡng thu nhỏ quy mô chương trình để đổi lấy việc giảm các biện pháp trừng phạt.

Tuần trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết lãnh đạo Triều Tiên coi năng lực vũ khí hạt nhân là cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của chế độ. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun đã tổ chức cuộc họp báo chí vào ngày 6/2 để thông báo về một số tiến bộ và các bước có thể được coi là thành công trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Việt Nam.

Triều Tiên khoe hiện đại hóa quân đội qua thử nghiệm vũ khí

Vụ thử nghiệm vũ khí mới vào tuần trước cho thấy Bình Nhưỡng đang hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên động thái này có thể làm phức tạp thêm quá trình đàm phán phi hạt nhân.

Đặc phái viên Mỹ đến Bình Nhưỡng, chuẩn bị cho cuộc gặp Trump - Kim

Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên đã đến Bình Nhưỡng hôm 6/2 để thảo luận với các quan chức sở tại việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến được tổ chức tại Việt Nam.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm