Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bank of America dự phóng cổ phiếu MSN ở mức giá 198.000 đồng

Nhiều ngân hàng đánh giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ.

Mới đây, Bank of America (BofA) khuyến nghị mua cổ phiếu MSN ở mức giá mục tiêu 198.000 đồng, đồng thời nhận định MSN là lựa chọn lý tưởng của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu tiêu dùng ở ASEAN. Đơn vị này cũng kỳ vọng ROE (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của tập đoàn sẽ tăng từ 8% (năm 2019) lên 18% vào năm 2025, khi nền tảng The CrownX lên sàn trên thị trường quốc tế.

The CrownX - "chiến mã" trong thị trường tiêu dùng bán lẻ

Masan là tập đoàn tiêu dùng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam với The CrownX là con át chủ bài trong thị trường bán lẻ. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất 2 ông lớn trong mảng tiêu dùng là Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM).

BofA nhận định: “The CrownX là sự hợp lực đáng kể giữa mảng kinh doanh hàng FMCG có thương hiệu và bán lẻ hiện đại nhờ thế mạnh sâu rộng về thị trường, lợi thế quy mô và mạng lưới bán lẻ phủ rộng khắp cả nước. Điều này cho phép công ty tiếp cận nhiều nhóm khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tăng trưởng EBITDA đạt 71% của tập đoàn là nhờ mảng kinh doanh tiêu dùng - bán lẻ từ The CrownX”.

Masan group anh 1

The CrownX của Masan được ví như “chiến mã” trong thị trường tiêu dùng bán lẻ.

Masan Consumer Holdings là doanh nghiệp lớn trên thị trường trong mảng tiêu dùng nhanh với các mặt hàng chủ chốt là nước mắm, gia vị, mì ăn liền, cà phê,… Ở mỗi ngành hàng, Masan đều nắm thị phần cao và mức độ tăng trưởng ổn định, đặc biệt trong 2 mảng gia vị và thực phẩm tiện lợi. Hai mảng này đóng góp khoảng 70% doanh thu của Masan Consumer Holdings.

Nhờ thường xuyên tung ra các sản phẩm sáng tạo thuộc nhiều phân khúc khác nhau, Masan Consumer Holdings được kỳ vọng giữ vững vị trí. Phân khúc cao cấp đóng góp 51,8% doanh thu mảng thực phẩm tiện lợi của công ty, trong đó các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh tại nhà đóng góp 10,5% doanh thu và đóng vai trò khơi gợi xu hướng ăn uống tại nhà phát triển.

Trong khi đó, WinCommerce là doanh nghiệp bán lẻ chiếm gần 21% thị phần cả nước với mạng lưới 3.000 siêu thị, cửa hàng tại 60 tỉnh thành. Sau 7 quý về tay Masan Group, quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce có lãi nhờ những nỗ lực tối ưu chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện chuỗi cung ứng.

Sự hợp tác của mảng FMCG và bán lẻ càng được phát huy khi tập đoàn tận dụng được nền tảng online. BofA nhận định: “Masan đang đi đầu trong việc tận dụng xu hướng phát triển kênh bán lẻ hiện đại và số hóa các nền tảng”.

Số hóa thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận

Masan công bố thỏa thuận hợp tác với Alibaba vào tháng 5/2021 nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Theo đó, WCM trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm được ưu tiên trên Lazada - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở khu vực Đông Nam Á. Khi hợp tác với Lazada, Masan có thể tiếp cận tệp khách hàng của trang thương mại điện tử này, đồng thời giảm chi phí thu hút khách hàng mới.

Tập đoàn cũng mua lại mạng di động Reddi và xem đây là trọng tâm giúp số hóa các nền tảng, hiện thực hóa hệ sinh thái Point-of-Life. Bằng cách kết hợp Reddi với cơ sở dữ liệu gồm 21 triệu khách hàng của Lazada, 9 triệu khách từ WinCommerce và 8 triệu khách của Techcombank và Phúc Long, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ online đến offline, mang lại giá trị vượt bậc cho người tiêu dùng.

Masan group anh 2

Năm 2021, Masan Consumer Holdings đạt doanh thu thuần 28.764 tỷ đồng nhờ nỗ lực số hóa công nghệ.

Nhờ quan hệ hợp tác với Lazada cũng như chiến lược số hóa của The CrownX, BofA nhận định thị phần nhu yếu phẩm trên kênh bán hàng trực tuyến cũng sẽ tăng từ 1-2% lên 7-8%. Mức độ xâm nhập của kênh bán hàng hiện đại cũng tăng từ 13% lên 25%. Nhờ đó, lợi nhuận EBITDA của WinCommerce giai đoạn 2021-2025 cũng được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 83%.

Trước BofA, các chuyên gia phân tích của ngân hàng HSBC cũng dự phóng giá mục tiêu cổ phiếu MSN ở mức 200.000 đồng. Ngân hàng này nhân định cổ phiếu Masan (MSN) tăng trưởng tốt hơn VN Index 53% và sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tập đoàn đẩy mạnh số hóa. Trong báo cáo phân tích của mình, HSBC cũng dự báo đến năm 2023, doanh số bán hàng trực tuyến trên Lazada sẽ giúp gia tăng 10% doanh số WinCommerce.

Tiềm năng lớn giúp The CrownX liên tiếp thu hút vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu. Cuối năm 2021, hệ sinh thái này nhận thêm 350 triệu USD, khép lại vòng huy động vốn cuối cùng và nâng tổng giá trị thu hút đầu tư cả năm 2021 lên đến 1,5 tỷ USD. Ở bước phát triển tiếp theo, Masan đặt mục tiêu sẽ lên sàn (IPO) The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024 với 3 mục tiêu chủ chốt: Tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng qua mở rộng hệ thống; Số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ; Đạt biên lợi nhuận hai chữ số.

Masan cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và năm tài chính 2021. Theo đó, trong năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng năm 2020 nhờ doanh thu các mảng kinh doanh tăng trưởng. Riêng The CrownX đạt doanh thu thuần 58.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 65% doanh thu thuần hợp nhất của Masan năm 2021.

Trà Văn

Bình luận

Bạn có thể quan tâm