Bánh mì Sài Gòn lên báo Mỹ
Theo Wall Street Journal, bánh mì Sài Gòn là những chiếc bánh baguette được bổ dọc, bên trong kẹp sốt mayonnaise, pate, thịt, bơ, hoặc cá đóng hộp, kèm theo các loại rau củ quả như hành, dưa chuột, cà rốt, rau mùi… rưới tương ớt và nước tương Maggie. Loại bánh mì kẹp lấy cảm hứng từ nước Pháp này ban đầu có ở miền Bắc, nhưng sau đó xuất hiện ở miền Nam, theo chân những người làm bánh sau năm 1954 - thời điểm Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp.
Ở Sài Gòn, đâu đâu cũng có những cửa hiệu hoặc xe bán rong bánh mì. Anh Trần Linh Sơn đã làm việc chục năm trong nhà bếp của các khách sạn trước khi mở hiệu bánh mì Số 1 vào năm 2008. Anh đã sáng tạo ra phong cách bánh mì mới với các thành phần hành lá, nước mắm và lạc rang giã nhỏ để thay thế cho sốt mayonnaise, tương ớt và nước tương. Thịt ướp gia vị nướng trên bếp than cũng là món ăn kèm với bánh mì ở Sài Gòn.
Gà nhỏ nhất thế giới giá ngàn đô
Cao chưa đầy 20cm và trọng lượng khoảng 300g, gà tre siêu nhỏ Serama đang được nhiều bạn trẻ Việt tìm nuôi, dù số tiền đầu tư cho chúng có thể lên vài ngàn USD. Gà con giá khoảng 2,5 triệu đồng/cặp, còn một chú gà trưởng thành được đánh giá là đẹp có thể dao động từ 600 USD đến hơn 1.400 USD, tương ứng từ 12 đến hơn 30 triệu đồng.
Gà Serama có được từ quá trình lai tạo kéo dài gần 20 năm của một nhà nghiên cứu người Malaysia với các giống gà địa phương, gà ác và gà tre Nhật. Dù là gà trống hay gà mái chúng đều có bộ lông màu sặc sỡ, từ màu đen tới vàng chanh, tiếng gáy của chúng rất thanh và dáng đứng thẳng đặc trưng. Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, gà Serama dần được nuôi chỉ để tham dự các cuộc thi "nhan sắc". Giá của những chú gà chiến thắng có thể lên 50 đến cả trăm triệu, thu lợi lớn cho người nuôi.
15 triệu một con sò tượng dài 1m ở Quảng Ngãi
Là một loại sò có kích thước rất lớn, sò tượng thường sống rất lâu dưới đáy biển. Khi bắt sò tượng, ngư dân phải dùng dây cẩu lên tàu vì có con dài gần một mét.
Sò tượng đánh bắt mang về bến và được bán trọn gói cho chủ nậu với giá bình quân là 10 triệu đồng/con. Có thời điểm hàng hiếm nên đội giá lên 15 triệu đồng, nhưng cũng có khi sò vào bến nhiều thì bị ép giá chỉ còn 5 triệu đồng/con. Một tàu đánh cá sau mỗi phiên đánh bắt bán ra được 2-3 tỷ đồng sò tượng. “Chỉ cần một phiên trúng sò tượng, anh em đem bán có thể được chia phần gần 100 triệu đồng/người. Riêng chủ tàu thì kiếm hơn nửa tỷ đồng”, một ngư dân cho hay.
Rao bán sản phẩm ăn theo Flappy Bird với giá hàng tỷ đồng
Trên ebay, nhiều bức tranh được vẽ trên giấy thường, thậm chí là giấy vệ sinh, những bức tranh về chim Flappy trong trò chơi Flappy Bird được chào bán với giá cả chục triệu, thậm chí trăm triệu. Ngoài tranh, nhiều món đồ khác như điện thoại cài chương trình, mô hình bằng giấy hoặc đất sét cũng được mang bán, với mức giá mua tất tay có khi lên tới cả tỷ đồng.
Cơn sốt Flappy Bird dường như đang tạo ra một hiệu ứng “cuồng” và “điên rồ” trên toàn cầu, một thành viên trang web bình luận. Theo anh này, những sản phẩm đấu giá trên trang thương mại điện tử eBay là sản phẩm “điên rồ” của những người mê game Flappy Bird. Thực tế, những món hàng trên khó mà bán được với giá lên tới cả nghìn USD như vậy vì giá trị thực của chúng không “trên trời” đến mức đó.
Thu nhập nhân viên ngân hàng giảm mạnh
Năm 2013, thu nhập bình quân của nhân viên 3 ngân hàng top "ông lớn" đều không vượt con số 20 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm, trong kết quả hoạt động của mình, MBBank cho biết, mức lương bình quân tháng dành cho cán bộ nhân viên chỉ hơn 11,6 triệu đồng/người. Song nếu tính cả thưởng và các thu nhập khác, mỗi tháng, một cán bộ nhân viên nhà băng này nhận về 18,1 triệu đồng.
Trên thị trường tài chính, những cái tên đình đám chi lương, thưởng, phụ cấp cho người lao động như Vietcombank, VietinBank đã “chùn tay” hơn. Bình quân, trong năm 2013, mỗi nhân viên ngân hàng này nhận về khoảng 18,8 triệu đồng/tháng tiền lương và phụ cấp. Với 13.449 nhân viên vào cuối năm tài chính, quỹ lương hơn 2.775 tỷ đồng, mỗi nhân viên Vietcombank dự kiến nhận về 17,1 triệu đồng/tháng/người.