Trên đường 3 Tháng 2, quận 10, một đoạn chưa đến 200 m có 4 xe bán bánh mì chả cá bán cả buổi sáng lẫn chiều. Chả cá được các xe bán giới thiệu là đặc sản của những vùng biển nổi tiếng như Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Yên, Phú Quốc.... Anh Duyệt ở quận 10, chủ một xe bán bánh mì chả cá Vũng Tàu, cho biết, anh đã bán bánh mì ở tuyến đường này được 5 năm, nhưng 1 năm trở lại đây, bánh mì chả cá được nhiều người chuộng. Món này lại dễ chế biến, giá thành rẻ, nhiều người đổ xô bán nên anh cũng chuyển xe bánh mì thịt thành bánh mì chả cá.
Cũng theo anh Duyệt, để cạnh tranh nhau và cạnh tranh với cả các loại bánh mì thịt nguội, xíu mại khác ở Sài Gòn, các xe bán ở đây đều chọn mức giá chung là 10.000 đồng một ổ. Đoạn đường từ ngã tư Võ Thị Sáu-Nguyễn Thông đến 3 Tháng 2, anh Duyệt nhẩm tính có gần chục xe bánh mì chả cá, với bảng hiệu quảng cáo đặc sản của đủ các tỉnh thành có biển.
Các tuyến đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Kha Vạn Cân (Thủ Đức), Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu (quận 3)... cũng là "địa bàn" của bánh mì chả cá với các tên na ná nhau, như Hảo Hảo, Chào Buổi Sáng, Má Hải, Má Nam...
Điểm chung của các điểm bán này là chả cá chiên tại chỗ. Xe bán được trang bị bộ nhận diện với bảng quảng cáo bắt mắt, nhân viên mặc đồng phục lịch sự và ra sát mép đường mời chào khách. Khách chỉ cần dừng xe mua là trong 3-5 phút có bánh, không phải đợi lâu.
Theo các chủ bán, chả cá được đặt hàng trực tiếp từ các tỉnh đưa về TP HCM hàng ngày. Tuy nhiên, qua các khâu chế biến giống nhau, khách hàng khó có thể nhận ra được chả cá đặc sản của địa phương nào. Bí quyết của các xe bánh mì này có lẽ là nước sốt.
Một xe bánh mì chả cá Nha Trang trên đường 3 Tháng 2, được đầu tư khá bắt mắt. Ở đây luôn đông khách vào mỗi buổi sáng. Mỗi điểm bán như thế này hằng ngày tiêu thụ 100-300 ổ bánh mì. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Chị Ni ở quận 3, cho biết, trước đây chỉ quen với bánh mì thịt nguội, nhưng từ ngày ăn thử, thấy chả cá dễ ăn, giá rẻ nên món ăn này trở thành phần ăn sáng quen thuộc hàng ngày của chị và bạn bè ở công ty.
“Không phải chỗ nào chả cá cũng ngon, đảm bảo vệ sinh. Có lần ghé vào một xe bán chả cá Vũng Tàu trên đường Hùng Vương, quận 5, thấy người bán chiên chả bằng thứ dầu đen kinh khủng. Nhiều chỗ bán lề đường vẫn không khá hơn, nên giờ tôi chỉ ăn ở xe quen, và vào tận nơi xem nhân viên chế biến, để yên tâm", chị Ni nói.
Anh Trương Công Quý quê ở Nha Trang, tuy đã tốt nghiệp đại học nhưng trước “cơn sốt” bánh mì chả cá, anh cũng bỏ công việc, dùng 30 triệu tiền tiết kiệm để đầu tư một xe bánh mì. Chả cá được người nhà chuyển trực tiếp ở quê anh vào TP HCM theo xe khách. Hàng ngày cứ 4h sáng, anh đều đặn ra bến xe Miền Đông lấy chả về, kịp chuẩn bị xe bánh mì bán cho người đi đường ăn sáng.
Khách hàng sành ăn sẽ dựa vào hình dáng, kích thước của miếng chả để phân biệt xuất xứ của chả. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Để tăng doanh số bán hàng, điểm bán này còn bán kèm bánh mì thịt nguội và nước uống với giá 18.000 đồng. “Hàng ngày tôi bán được hơn 150 ổ bánh mì, với 20 kg chả cá. Loại chả này tôi đích thân chọn từ một cửa hàng nổi tiếng ở Nha Trang nên khẳng định chất lượng thật 100%. Chính vì bán hàng uy tín nên tôi được nhiều khách hàng ủng hộ", anh Quý nói.
Chỉ sau 3 tháng, với xe bánh mì chả cá bán đều đặn 6h-9h sáng, 16h-19h chiều, anh Quý đã thu hồi được vốn và đang đầu tư một xe khác ở quận 4, thuê thêm nhân viên bán hàng. "Bán mặt hàng ăn này đơn giản, nhanh hoàn vốn, lãi nhiều nên các xe bánh mì chả cá ra đời khắp đường phố Sài Gòn", anh Quý cho biết thêm.
Cũng theo chủ điểm bán này, khá nhiều xe quảng cáo là chả cá đặc sản ở nơi này, nơi khác nhưng nhưng thực tế là hàng tự chế biến. Khách không sành ăn khó có thể nhận biết vì mùi vị cứ na ná nhau.
Bà Vân (60 tuổi) một người thâm niên với nghề làm chả cá ở chợ Xóm Chiếu, quận 4, cho biết, mỗi vùng miền sẽ có những loại cá đặc trưng, nên hương vị chả cá mỗi nơi mỗi khác. Chả cá mỗi nơi lại có những hình thức chế biến khác nhau. Chả cá Vũng Tàu có hình dáng như con nhộng, chả cá Nha Trang lại được cắt thành lát mỏng dài, chả cá Phan Thiết có bánh tròn được cắt lát hình tam giác…. Khách sành ăn sẽ dễ dàng phân biệt được.
Song vì lợi nhuận, nhiều điểm bán không lấy cá tại các địa phương trên mà tự chế biến rồi gắn mác đặc sản. Một bánh chả kiểu này chỉ có 25.000 đồng, nhưng có thể bán được đến hơn 10 ổ bánh mì. Có nơi còn tự mua cá về xay nhuyễn, trộn thêm bột lọc và bột nở vào chiên, khách mua rất khó phát hiện.