Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bánh kẹo Trung Quốc bại trận trước 'đại gia' Việt

Dù theo đuổi chính sách hàng giá rẻ nhưng bánh kẹo Trung Quốc vẫn bị các đại gia Việt như Kinh Đô, Bibica hay Hải Hà đánh bại.

Sự trỗi dậy của bánh kẹo nội

Người tiêu dùng Việt thường có thói quen chuộng hàng giá rẻ vì thế bánh kẹo Trung Quốc tấn công thị trường theo phương thức này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bánh kẹo Trung Quốc bại trận trước đại gia Việt như Kinh Đô, Bibica hay Hải Hà.

Hiện tại, chỉ riêng 3 "ông lớn" Kinh Đô, Bibica và Hải Hà đã chiếm phân nửa thị phần ngành bánh kẹo. Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) cho biết năm 2013 ngành bánh kẹo của Việt Nam đạt doanh thu trên 29.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Kinh Đô, Bibica và Hải Hà với thị phần chiếm hơn 42% thị trường. Các doanh nghiệp nội địa còn lại và khối ngoại sở hữu 38% thị trường, 20% còn lại là hàng nhập khẩu.

Kinh Đô chiếm thị phần lớn trong ngành bánh kẹo.
Kinh Đô chiếm thị phần lớn trong ngành bánh kẹo.

Dù BMI không cung cấp số liệu hàng Trung Quốc tại Việt Nam nhưng những con số thống kê trên cho thấy thị phần của hàng Trung Quốc rất khiêm tốn. Thị trường đang được dẫn dắt bởi 3 doanh nghiệp hàng đầu là Kinh Đô, Bibica và Hải Hà. Trong đó, Kinh Đô đóng vai trò “anh cả” trong làng bánh kẹo.

Năm 2013, KDC đạt 4.562,86 tỷ đồng doanh thu, tương ứng với mức tăng trưởng 6,46%, đạt 500,98 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế trong năm 2013, tăng 40,16% so với năm 2012. Trong khi đó, Hải Hà khiêm tốn hơn. Năm 2013, Hải Hà đạt doanh số 743 tỷ đồng và lợi nhuận 31,5 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp ở giữa Kinh Đô và Hải Hà, năm 2013, Bibica thu về hơn 1.052,8 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 5,98 tỷ đồng so với mức kế hoạch 1.046,82 tỷ đồng hồi đầu năm. Lãi sau thuế Bibica đạt 44,94 tỷ đồng, tăng hơn 19 tỷ đồng so với con số lãi của năm 2012 và vượt 23,34% mức lợi nhuận sau thuế 2013.

Cả Kinh Đô, Bibica và Hải Hà đều nhận được sự tin tưởng từ người tiêu dùng Việt. Ba ông lớn ngành bánh kẹo sớm khẳng định được thương hiệu nhờ cung cấp sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc mạnh tay đầu tư cho kênh phân phối cũng là lợi thế mà Kinh Đô, Bibica và Hải Hà tạo được.

Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Kinh Đô lý giải: “Chúng tôi hiểu người tiêu dùng, sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã liên tục đầu tư công nghệ và nguồn lực để sáng tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bằng hàng loạt các sản phẩm mới với hương vị độc đáo”.

Hiện nay, Kinh Đô có hàng trăm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, trong đó, nhiều sản phẩm đã dẫn đầu thị trường, chiếm thị phần lớn trong cùng phân khúc như bánh Trung thu Kinh Đô bánh AFC, Cosy, Solite, bánh mì tươi, kem… Sự “hiểu người tiêu dùng” của Kinh Đô thể hiện ở chỗ Kinh Đô tập trung vào tập quán, thói quen của người tiêu dùng nên “đánh mạnh” vào các dịp như Trung thu, Tết Nguyên đán.

Doanh số và lợi nhuận của Kinh Đô phần nhiều có sự đóng góp của các sản phẩm thời vụ. Trong mùa Tết Giáp Ngọ vừa qua, công ty này tung ra thị trường hơn 4.500 tấn bánh kẹo các loại. Bibica cũng có chiến lược giống như Kinh Đô. Mùa Tết vừa qua, Bibica có kế hoạch đưa ra thị trường 1.250 tấn bánh kẹo, socola các loại. Kết quả thành công hơn mong đợi khi lượng hàng xuất xưởng của Bibica đạt tới 108% so với kế hoạch.

Không chỉ thành công trong định vị sản phẩm, các ông lớn bánh kẹo còn lựa chọn kênh phân phối hợp lý, không bỏ sót thị trường nào. Ông Nguyên tiết lộ Kinh Đô chú trọng xây dựng hệ thống phân phối.

Hiện tại, hệ thống phân phối của Kinh Đô khá rộng với 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán. Chính vì vậy, sản phẩm Kinh Đô luôn sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng cả nước từ thành thị đến nông thôn.

Hệ thống phân phối của Bibica cũng trải khắp 64/64 tỉnh thành trên toàn quốc thông qua kênh bán lẻ. Bibica cũng không bỏ quên thị trường nông thôn, nơi người tiêu dùng có xu hướng bỏ ít tiền hơn để mua sắm sản phẩm. Đây là thói quen tiêu dùng phù hợp với hàng Trung Quốc.

Hàng Trung Quốc lay lắt

Tại thị trường Việt Nam, rất nhiều mặt hàng cạnh tranh được với hàng Việt khi sử dụng chính sách giá siêu thấp. Nhưng trong ngành bánh kẹo thì không.

Các con số thống kê kể trên cho thấy doanh nghiệp bánh kẹo nội đang làm chủ sân nhà. Bánh kẹo ngoại chỉ chiếm được thị phần khá khiêm tốn. Trong đó, bánh kẹo Trung Quốc hoàn toàn lép vế.

Không có thương hiệu bánh kẹo Trung Quốc nào thành công tại thị trường Việt Nam. Hầu hết, hàng Trung Quốc đều sống ở các chợ truyền thống và cổng trường. Đây là những địa điểm chính hàng Trung Quốc sống khỏe. Ngoài ra, ở đa số các địa điểm khác, hàng Trung Quốc sống rất lay lắt.

Bánh kẹo Trung Quốc bán theo cân ở các chợ
Bánh kẹo Trung Quốc bán theo cân ở các chợ có giá rẻ nhưng vẫn ế ẩm.

Tại các chợ truyền thống, hàng Trung Quốc có màu sắc khá bắt mắt và đa dạng về thể loại, mẫu mã nhưng hầu hết đều không bao bì, hạn sử dụng, nhà sản xuất… và được đựng trong những chiếc hộp cacton, bán theo cân. Trung bình mỗi loại này đều có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Lượng tiêu thụ trong năm của hàng Trung Quốc không nhiều. Bánh kẹo Trung Quốc bán chạy nhất trong dịp Tết.

Hàng Trung Quốc cũng tràn ngập tại các cổng trường tiểu học và trung học. Tại đây, phương thức bán theo cân không có chỗ đứng. Hàng hóa bày bán đa phần là sản phẩm đơn lẻ với hình thức bắt mắt để hấp dẫn giới học sinh.

Dạo một vòng qua các cổng trường tiểu học, trung học trên địa bàn các thành phố lớn, có thể thấy nhiều tiểu thương bày la liệt những túi nhỏ kẹo bi, kẹo sao xanh, đỏ, kẹo vỉ ngậm, kẹo hồ lô, kẹo viên C, bánh que cay đủ màu, thịt hổ khô,…

Tất cả đều có chữ Trung Quốc kèm theo “3 không” - Không thương hiệu, không tên nhà sản xuất, không hạn sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm này có giá rất "bèo". Chỉ cần bỏ ra từ 2.000 đồng, các em học sinh đã có thể sở hữu một gói kẹo hấp dẫn.

Vì “3 không” nên các sản phẩm này khiến không ít người nghi ngờ chất lượng. Đã có phóng viên mang bánh kẹo “cổng trường” tới Viện Dinh dưỡng kiểm nghiệm. Và câu trả lời họ nhận được chính là hầu hết các loại bánh kẹo này sử dụng các loại phẩm màu độc hại, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ số dinh

dưỡng bổ trợ cho sức khỏe con người là không hề có, thậm chí ăn vào có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng con người.

Các sản phẩm có ghi tiếng Trung Quốc này không thâm nhập vào thị trường Việt Nam theo đường chính ngạch mà theo đường nhập lậu. Không ít lần cơ quan chức năng Việt Nam thu giữ hàng tấn bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc.

Ngày 22/5 vừa qua, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Cục nghiệp vụ của Bộ Công an... phát hiện một chiếc ô tô tải vận chuyển cả trăm bao tải chứa mứt, nho khô, hạt dẻ cười, ô mai, bánh kẹo các loại… đều in chữ Trung Quốc.

Thâm nhập vào thị trường với hàng chất lượng thấp, giá rẻ, bánh kẹo Trung Quốc đã bị các "đại gia" bánh kẹo Việt đánh bại.

http://vtc.vn/1-489634/kinh-te/banh-keo-trung-quoc-bai-tran-truoc-dai-gia-viet.htm

Theo Bảo Linh/ VTC News

Bạn có thể quan tâm