Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature cho rằng, những siêu núi lửa từng hoạt động mạnh trên bề mặt sao Hỏa cách đây khoảng 3,5 tỷ năm.
Ảnh vệ tinh thăm dò sao Hỏa chụp nơi được cho là miệng của một siêu núi lửa. Ảnh: CNN. |
Joseph Michalski của Viện khoa học Hành tinh ở Tucson, Arizona, Mỹ, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết: “Đây là nhận thức hoàn toàn mới cho nhân loại về những gì từng diễn ra trên sao Hỏa”.
Ông và đồng nghiệp Jacob Bleacher, làm việc tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tập trung nghiên cứu khu vực được đặt tên Arabia Terra của Hỏa tinh.
Đất sụt khiến miệng siêu núi lửa trên sao Hỏa không cao hơn mặt đất xung quanh. Ảnh: CNN. |
Sử dụng dữ liệu từ những thiết bị thăm dò sao Hỏa tối tân của NASA, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm tới miệng núi lửa mang tên Eden Patera, nhìn khá giống với tàn tích của vụ va chạm với thiên thạch. Tuy nhiên, ngọn núi này không cao hơn nhiều so với mặt đất bởi nó bị sụt xuống sau khi dung nham trào hết ra ngoài.
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng, Eden Patera là ví dụ điển hình nhất của một siêu núi lửa cổ đại tồn tại trên bề mặt sao Hỏa. Trên thực tế, Eden Patera và các siêu núi lửa khác nhỏ hơn rất nhiều so với Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn nhất của Hỏa tinh và toàn bộ hệ mặt trời. Tuy nhiên, Olympus Mons chỉ rò rỉ dung nham trong khi Eden Patera và các siêu núi lửa khác từng là nguyên nhân của những đợt phun trào mạnh, với đất đá văng khắp bề mặt hành tinh láng giềng trái đất.
Miệng siêu núi lửa Yellowstone trên trái đất. Ảnh: CNN. |
Trái đất cũng từng trải qua nhiều lần siêu núi lửa phun trào, trong đó lần diễn ra gần nhất cách đây 640.000 năm trước. Một trong những siêu núi lửa trên trái đất là Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, khói vẫn bốc lên nghi ngút từ miệng núi lửa này, biến đây thành điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân Mỹ và du khách quốc tế.