Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump bỏ phiếu ở Florida

Ông Trump có kế hoạch bỏ phiếu trực tiếp ở Florida, còn bà Harris tham gia tiệc theo dõi bầu cử tại Đại học Howard ở Washington, D.C., trong khi hàng chục triệu cử tri đi bầu.


  • Các điểm bỏ phiếu mở cửa trên khắp các tiểu bang của Mỹ
  • Ông Trump dự kiến bỏ phiếu trực tiếp ở Florida
  • Bà Harris tham gia tiệc theo dõi bầu cử tại Đại học Howard ở Washington, D.C.
  • Thời tiết xấu ở một số bang chiến địa như Michigan và Wisconsin
  • 20h giờ miền Đông (8h ngày 6/11 giờ Việt Nam): Đóng điểm bỏ phiếu tại 16 bang, trong đó có Pennsylvania - bang quan trọng cần theo dõi.
Những cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ Hàng triệu cử tri đổ về các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ trong ngày tổng tuyển cử 5/11 để chọn ra chủ nhân thứ 47 của Nhà Trắng.
  • Toàn bộ 7 bang chiến trường đều đã mở cửa bỏ phiếu

    9h (giờ Bờ Đông) - tức 21h giờ Việt Nam - hoạt động bỏ phiếu đang diễn ra ở hầu hết tiểu bang của nước Mỹ.

    Tính đến hiện tại, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa ở các bang Arizona, Iowa, Oklahoma, Texas, Colorado, Wisconsin, Tennessee, Nebraska, Arkansas, New Mexico, Utah, Mississippi, một số khu vực của bang Minnesota, Montana, Bắc Dakota và Nam Dakota.

    Trước đó, người dân các bang khác cũng đã có thể đi bầu, bao gồm Alabama, Delaware, thủ đô Washington D.C., Florida, Georgia, New Hampshire, Illinois, Indiana, Kansas, Louisiana, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri, Pennsylvania, Rhode Island, Rhode Island và Wyoming.

    Trong vòng một tiếng nữa, các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa ở California và Idaho. Tới 11h (giờ Bờ Đông) - tức 23h giờ Việt Nam, bang Washington và Alaska là hai khu vực tiếp theo bắt đầu bỏ phiếu. Cuối cùng, người dân Hawaii có thể đi bầu ở Hawaii vào buổi trưa theo giờ Bờ Đông.

  • Thống đốc Tim Walz, cùng với vợ là Gwen Walz, sẽ tham gia một sự kiện chính trị vào sáng 5/11 tại Harrisburg, Pennsylvania, theo chiến dịch của bà Harris.

    Vào buổi tối, chiến dịch của Harris-Walz dự kiến tổ chức sự kiện Đêm bầu cử tại Đại học Howard ở Washington DC, nơi từng là trường của Phó tổng thống Kamala Harris.

  • Ai thắng ở Pennsylvania sẽ có khả năng trở thành tổng thống Mỹ

    Pennsylvania có 19 phiếu đại cử tri - nhiều nhất trong số các tiểu bang dao động - và con đường để giành được 270 phiếu đại cử tri cho chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ phức tạp hơn đối với bất cứ ứng cử viên nào chiến thắng ở bang này.

    Cả ông Trump và bà Harris đều tích cực vận động tranh cử ở khắp tiểu bang này trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử và hôm 4/11 đã tổ chức các cuộc mít tinh cách nhau khoảng một giờ tại thung lũng Lehigh, một trong những khu vực cạnh tranh nhất của Pennsylvania. Ứng viên đảng Dân chủ đã dành toàn bộ ngày cuối cùng của chiến dịch cho Pennsylvania, với 4 điểm dừng chân tại tiểu bang.

    Các chuyên gia đều đồng tình rằng ai thắng ở Pennsylvania sẽ có nhiều khả năng trở thành tổng thống Mỹ thứ 47.

    "Nếu thắng tại Pennsylvania, chúng ta sẽ giành được ưu thế", ông Trump nói tại buổi mít tinh ở Reading hôm 4/11 (giờ địa phương).

    Người dân trong tiểu bang đã chia sẻ về việc sử dụng sức mạnh của một lá phiếu có thể quyết định cuộc bầu cử. "Tôi khá sợ hãi", Sonny Berenson, 20 tuổi, một sinh viên tại trường cao đẳng Muhlenberg, người tham dự cuộc mít tinh của Harris tại đây hôm 4/11, cho biết.

    "Đây có lẽ là cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ và chúng tôi đang sống trong một tiểu bang có thể quyết định cuộc bầu cử. Vì vậy, tôi cảm thấy rất choáng ngợp và sợ hãi, nhưng rõ ràng là tôi hy vọng và cầu nguyện cho bà Kamala thắng cử".

    Danielle Shackelford, 68 tuổi, một nhân viên xổ số Pennsylvania đến từ Allentown, cho biết bà lạc quan rằng bà Harris sẽ thắng. Nữ cử tri cho biết phá thai là vấn đề hàng đầu đối với bà và có rất nhiều phụ nữ âm thầm ủng hộ ứng viên Harris về vấn đề này.

  • Những hình ảnh đầu tiên được công bố khi cuộc bầu cử bắt đầu


    bau cu tong thong My anh 9

    Các cử tri bỏ phiếu tại Dearborn, Michigan.  Ảnh: New York Times.

    bau cu tong thong My anh 10

    Các cử tri bỏ phiếu tại Dearborn, Michigan.  Ảnh: New York Times.

    bau cu tong thong My anh 11

    Người phụ nữ mang theo hai con đi bỏ phiếu ở Grand Rapids, Michigan. Ảnh: Reuters.

    bau cu tong thong My anh 12

    Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu ở công viên Tavern thuộc thành phố Atlanta, bang Georgia. Ảnh: Reuters.

    bau cu tong thong My anh 13
    Một cử tri bỏ phiếu tại trường tiểu học S20 Anna Silver, New York. Ảnh: Reuters.
    bau cu tong thong My anh 14

    Các nhân viên bầu cử tại Quận Clark, Nevada, ở Las Vegas đang kiểm tra các lá phiếu gửi qua thư hôm 2/11. Ảnh: New York Times.


  • Thời tiết xấu Atlanta, nhiều người vẫn xếp hàng từ sớm

    Trời mưa phùn và xám xịt khi các điểm bỏ phiếu mở cửa tại Nhà thờ Baptist West Hunter Street ở Atlanta, nhưng hiện thể thấy 16 cử tri xuất hiện sớm, xếp hàng để bỏ phiếu. Tại Quận Fulton vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ - và đặc biệt là ở khu phố West End của thành phố, nơi chủ yếu là người da đen - hầu hết cử tri có khả năng sẽ bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris.

    Hàng người xếp hàng tương đối ngắn có thể phản ánh sự gia tăng chưa từng có trong việc bỏ phiếu sớm tại đây. Trên toàn tiểu bang Georgia, hơn 4 triệu người đã bỏ phiếu trước Ngày bầu cử 5/11, với khoảng 416.000 phiếu được kiểm tại Fulton, quận đông dân nhất.

  • Trời đổ mưa ở 'chiến địa' Michigan và Wisconsin

    Trời bắt đầu mưa vào sáng ngày bầu cử 5/11 (giờ địa phương) ở các bang tranh chấp quan trọng là Michigan và Wisconsin. Dự báo thời tiết cho thấy mưa có thể tiếp tục rải rác suốt ngày tổng tuyển cử ở các địa phương này, theo New York Times.

    Các nhà khoa học cho biết mưa vào ngày bầu cử có thể làm giảm nhẹ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Điều này có thể tác động trực tiếp đến kết quả của một cuộc bầu cử ở thế cạnh tranh sít sao.

  • Khi nào có kết quả?

    Nếu những bang quan trọng có cách biệt số liệu nhỏ, có thể mất vài ngày trước khi có kết quả chính thức. Sau năm 2020, nhiều bang đã thực hiện thay đổi để giúp các quan chức kiểm phiếu qua thư nhanh chóng hơn.

    Năm 2000 chứng kiến một trong những cuộc bầu cử gay cấn nhất trong lịch sử nước Mỹ, vì người chiến thắng không được xác định cho đến 36 ngày sau ngày bầu cử bởi tranh cãi về số phiếu ở Florida. Khi đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã phải vào cuộc và yêu cầu Florida dừng kiểm phiếu.

    bau cu tong thong My anh 16

    Ông Donald Trump - ứng viên đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: NBC News.

    Tuy nhiên, có trường hợp ứng viên chiến thắng vang dội và các phương tiện truyền thông có thể nêu tên người chiến thắng ngay trong đêm bầu cử.

  • 'Giáo sư tiên tri' dự đoán ai thắng cử?

    bau cu tong thong My anh 18

    Nhà sử học Allan Lichtman ngày 30/10 tuyên bố trên kênh YouTube cá nhân rằng dự đoán của ông không thay đổi, dù khoảng cách dẫn đầu của Harris tại các bang chiến trường đang dần thu hẹp và các cuộc thăm dò ngày càng cho thấy kết quả sát sao, USA Today đưa tin.

    “Không có gì khiến tôi phải thay đổi dự đoán mà tôi đưa ra vào ngày 5/9, bất chấp các cuộc thăm dò ý kiến”, ông nhấn mạnh.

    Sai lầm duy nhất của ông Lichtman là vào năm 2000, khi ông dự đoán ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ sẽ thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Lichtman gần đây đã bị chỉ trích vì những dự đoán của mình, đặc biệt là khi nhà thống kê chính trị Nate Silver cho rằng bộ tiêu chí của ông “hoàn toàn tùy ý”.

    Trong tuyên bố trên kênh YouTube cá nhân, ông Lichtman cũng chỉ trích sự phổ biến của các cuộc thăm dò trong giới truyền thông, nhấn mạnh khả năng điều hành đất nước mới là yếu tố cho thấy ai sẽ thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, chứ không phải chiến dịch tranh cử.

    Ông Lichtman đã tạo ra mô hình phân tích 13 chìa khóa nổi tiếng để dự đoán liệu ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền sẽ thắng hay thua trong cuộc bầu cử tiếp theo. Theo mô hình của ông, Phó tổng thống Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ - sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.

    Trong buổi phát trực tiếp kéo dài 90 phút, nhà sử học nhấn mạnh ông không có quả cầu tiên tri và dự đoán của ông dựa trên lịch sử, song cũng thừa nhận những sự kiện chấn động có thể làm phá vỡ hình mẫu lịch sử này.

    Trước mỗi cuộc bầu cử, nhà sử học này cho biết ông luôn có cảm giác lo lắng nhưng năm nay, cảm giác đó còn nghiêm trọng hơn.

    “Lần này, tôi có cả một đàn quạ trong bụng”, ông nói.

Đại Hoàng - Phương Linh

Bạn có thể quan tâm