Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Ảnh: An Huy. |
Theo dữ liệu của cơ quan khí hậu của Liên minh Châu Âu Copernicus, nhiệt độ trung bình của tháng 3/2024 là 14,14 độ C, vượt kỷ lục trước đó từ năm 2016 tới 1/10 độ. Mức nhiệt này cũng cao hơn 1,68 độ C so với giai đoạn cuối những năm 1800. Đây là tiêu chuẩn nhiệt độ trước khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch bắt đầu phát triển nhanh chóng.
Kể từ tháng 6/2023, thế giới liên tục phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ mỗi tháng với đợt nắng nóng trên khắp các đại dương.
Các nhà khoa học cho biết mức nhiệt kỷ lục trong thời gian này không gây ngạc nhiên, bởi El Nino vẫn còn hoạt động mạnh, điều kiện khí hậu làm vùng trung tâm Thái Bình Dương nóng lên và làm thay đổi các kiểu thời tiết toàn cầu.
“Nhưng những con số này kết hợp với các đợt nắng nóng phi tự nhiên ở biển đã khiến những kỷ lục này trở nên chưa từng có”, nhà khoa học Jennifer Francis của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell nhận định.
Francis cho biết khi El Nino suy yếu, giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu bị vượt qua mỗi tháng sẽ giảm xuống.
Các nhà khoa học khí hậu cho rằng phần lớn lượng nhiệt kỷ lục đến từ hậu quả biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là lượng khí thải carbon dioxide và metan do đốt than, dầu và khí tự nhiên.
Vào tháng 3, nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Canva. |
“Quỹ đạo này sẽ không thay đổi cho đến khi mật độ khí nhà kính trong khí quyển ngừng tăng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, ngừng phá rừng và trồng lương thực bền vững hơn trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể”, Francis nói.
Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, chắc chắn sẽ còn nhiều kỷ lục bị phá vỡ hơn, chuyên gia nhận định.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, thế giới đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ ở khoảng 1,5 độ C hoặc thấp hơn kể từ thời tiền công nghiệp.
Dữ liệu nhiệt độ của Copernicus được thực hiện hàng tháng và sử dụng hệ thống đo lường hơi khác so với ngưỡng Paris, được tính trung bình trong 2-3 thập kỷ. Kết quả của Copernicus được đưa ra dựa trên hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới.
Samantha Burgess, phó giám đốc Copernicus, cho biết nhiệt độ kỷ lục trong tháng 3 không quá đặc biệt như một số tháng khác trong năm qua khi chúng đã phá kỷ lục với biên độ rộng hơn.
“Chúng ta đã có những tháng phá kỷ lục thậm chí còn bất thường hơn như tháng 2/2024 và tháng 9/2023”, bà Burgess nói thêm.
Theo dữ liệu của Copernicus, toàn cầu hiện đã trải qua 12 tháng với nhiệt độ trung bình hàng tháng cao hơn 1,58 độ C (2,8 độ F) so với ngưỡng Paris.
Vào tháng 3, nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu trung bình đạt 21,07 độ C (69,93 độ F). Đây là mức nhiệt hàng tháng cao nhất từng được ghi nhận và cao hơn so với tháng 2. “Chúng ta cần chung tay nỗ lực với quy mô toàn cầu và tham vọng hơn để đảm bảo rằng nhân loại có thể cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 (net zero) càng sớm càng tốt”, Samantha Burgess nói.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.