Điều chúng ta lo sợ cuối cùng đã xảy ra. Hàn Quốc có bàn thắng sớm, và không chỉ là một bàn. Những bàn thắng ấy của họ khiến mọi toan tính ban đầu của HLV Park Hang-seo đều đổ vỡ.
Olympic Việt Nam không thể chơi phòng ngự phản công được nữa. Bởi khi đối thủ cũng không gia tăng sức ép, đá nhẩn nha hơn, thì phòng thủ phản công sẽ chỉ còn là áp dụng lý thuyết một cách khô cứng mà thôi.
Xuân Trường có đáng bị chỉ trích?
Rất nhiều người đã đổ lỗi tại Xuân Trường, nhất là khi trước đó nhiều người đánh giá Trường mất phong độ, và thực tế là anh đã không được chơi trong trận gặp Syria.
Sự đổ lỗi ấy có cơ sở hơn với những gì Trường đã thể hiện ở bàn thua ban đầu. Anh cho thấy mình quá non nớt trước đối thủ và là nút chặn bị vỡ đầu tiên dẫn đến tình huống thua bàn ấy.
Sự đổ lỗi càng dày hơn nữa khi cả Trường và Đức Huy đều được thay ra trong thời gian quá nhanh. Nó làm chúng ta có cảm giác cặp Đức Huy - Xuân Trường là hai mắt xích lệch pha cần chỉnh sửa gấp.
Đặc biệt, khi Văn Quyết và Minh Vương vào sân, Olympic Việt Nam nhìn có vẻ khởi sắc hơn, tạo được một số cơ hội ghi bàn cụ thể, sự đổ lỗi cho Xuân Trường - Đức Huy càng lớn hơn.
Tiền đạo Lee Seung-woo có cú đúp vào lưới thủ môn Bùi Tiến Dũng ở trận bán kết. Ảnh: Việt Hùng. |
Đúng là Trường mắc lỗi ở bàn thua đầu. Đúng là Trường chơi không đúng kỳ vọng, không đúng sức mình. Nhưng hãy nhớ, bóng đá là cuộc chơi tập thể. Và khi thấy Trường - Huy ra sân rồi, Olympic Việt Nam có vẻ khởi sắc hơn, chúng ta cũng nên nghĩ rằng trận cầu nào cũng có mạch của nó.
Và mạch trận ấy được quyết định bởi cả hai phía, chứ không phải chỉ một mình Olympic Việt Nam.
Cái thua của chúng ta trước Hàn Quốc là thua về đẳng cấp, về trình độ, về cả năng lực con người. Cú qua người ngon như bỡn của cầu thủ Hàn Quốc ở tình huống mở tỷ số cho thấy chuyện Xuân Trường sang K.League và phải vật vã cạnh tranh mới được ra sân là do chênh lệch đẳng cấp lớn thế nào.
Còn ở bàn thua thứ hai, nó là minh chứng cho việc trình độ non kém của tuyển Olympic Việt Nam trước những đối thủ phối hợp nhóm điêu luyện ở không gian hẹp là ra sao.
Olympic Việt Nam đã bị đối thủ đọc vị
Trước đó, Hàn Quốc cũng có nhiều tình huống xâm nhập vòng cấm rất nguy hiểm, bằng những cú tỉa, những pha phối hợp 1-2 rất điệu nghệ. Họ ở một tầm vóc khác hẳn với chúng ta, cho dù thế hệ này của chúng ta đang được coi là tốt nhất từ trước đến nay.
Sự thua kém về đẳng cấp, thể chất, tư duy chơi bóng đã khiến Olympic Việt Nam không thể chơi pressing hiệu quả trước đối thủ bản lĩnh vượt trội và bước vào sân với chủ đích phủ đầu bằng sự vượt trội ấy ngay từ những phút đầu.
Vào đến bán kết ASIAD 2018, đội trưởng Văn Quyết và đồng đội vẫn xứng đáng nhận được lời khen dù thua Hàn Quốc. Ảnh: Việt Hùng. |
Họ dấn thẳng vào trung lộ mà đánh, chơi một thứ bóng đá “dễ như bỡn”. Với lối chơi ấy của Olympic Hàn Quốc, kể cả khi đạt phong độ cao nhất, Xuân Trường và đồng đội cũng không thể chống lại nổi. Đó là thực tế lớn nhất mà chúng ta cần thừa nhận lúc này.
Còn tại sao chúng ta có diện mạo tốt hơn ở hiệp 2, với các cơ hội có vẻ cụ thể cùng một bàn gỡ đẹp như mơ của Minh Vương? Đó không chỉ là câu chuyện của nỗ lực, của việc thay người.
Nó là hệ quả của việc Hàn Quốc chủ động nhường sân cho ta chơi bóng, chủ động rút những ngôi sao tốt nhất của họ ra sân. Hai bàn sau 30 phút đầu với họ là hoàn thành nhiệm vụ, và họ thừa sức biết chúng ta không thể nào lật ngược lại thế cờ.
Khi Hàn Quốc nhường sân, nó cũng đồng nghĩa với việc họ đọc vị Olympic Việt Nam quá rõ. Họ hiểu ta sẽ chọn chơi phòng ngự phản công từ đầu và quyết có bàn thắng sớm để toan tinh đó phá sản.
Rồi khi kế hoạch của chúng ta phá sản, buộc phải chủ động tổ chức tấn công, chính họ mới là người chọn lối chơi bình thản, đợi cơ hội tới. Cơ hội rõ ràng đã tới, để họ có bàn thứ 3, bàn thắng đủ để đối phương phải sụp đổ.
Tiền vệ Minh Vương ghi bàn rất đẹp mắt vào lưới Olympic Hàn Quốc bằng pha đá phạt ấn tượng. Ảnh: Việt Hùng. |
Olympic Việt Nam đáng khen ở điểm nào?
Cái đáng khen là các cầu thủ của chúng ta không sụp đổ. Điều chúng ta từng lo sợ như thói quen, tức các cầu thủ thua quá cóng chân và vỡ trận, đã không xảy ra.
Họ vẫn kiên cường và nhẫn nại, dù thời gian càng trôi hi vọng càng gần vô vọng hơn. Tâm lý như thế là quá tốt, mà không thế hệ bóng đá nào trước đó có thể có được.
Quay lại với việc thay cặp tiền vệ trung tâm, chúng ta sẽ nhận ra rằng ông Park Hang-seo rất tinh và ứng biến kịp thời. Khi đối thủ nhường sân cho ta chơi, ông cần cặp tiền vệ trung tâm khác, có thể phát động và kiến tạo tốt hơn.
Vì thế, một Văn Quyết dạn dày kinh nghiệm mới được vào sân từ ngay sau bàn thua thứ 2 và Xuân Trường cũng được rút ra ngay ở đầu hiệp thứ nhì. Khi phương án tiếp cận cuộc chơi thay đổi, đó cũng là lúc sứ mệnh của Xuân Trường kết thúc.
Tiếc cho Trường đã không đáp ứng được kỳ vọng ở trong suốt hiệp đấu đầu. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trước một Olympic Hàn Quốc quyết tâm như thế, trình độ như thế, đẳng cấp như thế, kỳ vọng lên vai Xuân Trường là quá lớn lao.