Bản thảo của câu chuyện từng bị cho là “khiêu dâm khét tiếng” do Hầu tước de Sade viết, đã được Pháp mua lại với giá khoảng 5,4 triệu USD. Đây là kết quả của chiến dịch kêu gọi giữ bản thảo của Pháp.
Trong khi bị giam ở ngục Bastille, một nhà quý tộc đã viết bản thảo này năm 1785. Câu chuyện kể về bốn kẻ tự do, tìm kiếm sự thỏa mãn tình dục. Đó là những kẻ đã bắt cóc và tra tấn các nạn nhân tuổi vị thành niên.
Bản thảo được trưng bày trước một phiên đấu giá tại Paris năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Sade đã mô tả nó là “câu chuyện không trong sạch nhất từng được viết kể từ khi thế giới bắt đầu”. Ông đã giấu cuộn giấy dài 12 m trong tường phòng giam của mình. Ông đã để lại nó khi bị chuyển đến một trại tị nạn vào năm 1789.
Dù tác giả của bản thảo không bao giờ nhìn thấy nó nữa, cuộn giấy vẫn tồn tại. Đến năm 1904, nhà tình dục học Iwan Bloch xuất bản The 120 Days of Sodom. Bản thảo được con cháu của Hầu tước de Sade mua lại năm 1929, nhưng đã bị đánh cắp vào năm 1982. Nó được bán cho nhà sưu tầm tranh khiêu dâm Gérard Nordmann.
Một quỹ tư nhân đã mua lại cuộn bản thảo năm 2014. Năm 2017, Bộ Văn hóa Pháp đã chỉ định nó là bảo vật quốc gia.
Tháng hai, chính phủ Pháp kêu gọi sự chung tay từ các doanh nghiệp để mua lại bản thảo này. Emmanuel Boussard, đồng sáng lập quỹ đầu tư Boussard & Gavaudan, đã ủng hộ. Bản thảo được xem là "tượng đài thực sự", "ghi dấu ấn sâu sắc đối với nhiều tác giả", từ André Breton đến Georges Bataille.
Chân dung Hầu tước de Sade khi ông 19 tuổi. Ảnh: Charles-Amédée-Philippe van Loo. |
The 120 Days of Sodom sẽ được đưa vào bộ sưu tập tại thư viện Arsenal ở Paris, một chi nhánh của Thư viện Quốc gia Pháp.
Đại diện Thư viện Quốc gia Pháp cho biết bản thảo này là một biểu tượng của tự do văn học và nghệ thuật. Việc đưa nó vào bộ sưu tập quốc gia sẽ cho phép các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu thêm.
The 120 Days of Sodom là "tác phẩm cấp tiến nhất và hoành tráng nhất" trong số các tác phẩm của de Sade. Tác giả của nó được ví là “Mặt Trời đen” của văn học. Tác phẩm của ông bị cấm trong suốt thế kỷ 19, nhưng có ảnh hưởng tới các nhà văn Pháp thế kỷ 20.