Tiếp nối xu hướng tiêu cực từ cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động rất tiêu cực trong buổi sáng ngày 12/4. Các chỉ số giằng co khi mở cửa nhưng nhanh chóng lao dốc về cuối phiên sáng.
Áp lực bán diễn ra trên toàn thị trường khi có tổng cộng 800 mã chìm trong sắc đỏ, trong khi đó chỉ có 180 mã tăng giá.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 19,53 điểm (-1,32%) về mốc 1.462,47 điểm. Đồng thời bộ chỉ số HNX-Index lao dốc 7,45 điểm (-1,72%) xuống 424,57 điểm và UPCoM-Index mất 0,91% về 112,8 điểm.
VN-Index tiếp tục lao dốc trong buổi sáng 12/4. Đồ thị: TradingView. |
Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chuỗi lao dốc dữ dội khi một loạt mã bị bán tháo. Nhóm cổ phiếu FLC Group bị bán mạnh nhất khi FLC, ROS, HAI và AMD nằm sàn toàn bộ với tổng lượng dư bán sàn lên trên 28 triệu đơn vị. Ngoài ra ART và KLF cũng lui về sát giá sàn.
Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Louis như TGG giảm hết biên độ, BII hay APG giảm sát giá sàn. HQC của Hoàng Quân cũng chạm giá sàn, CEO giảm 4% hay L14 giảm 3,3%
Hệ sinh thái Apec với APS mất 5,3% và API giảm 3%. Hệ sinh thái DNP Corp ghi nhận NVT và VC9 lộ giá sàn, bên cạnh DNP mất 5,2% hay JVC giảm 4,3%.
Hàng loạt cổ phiếu liên quan đến tin đồn vẫn còn bị bán mạnh. Cổ phiếu GEX có sự hồi phục khi mở cửa nhưng áp lực bán đang khiến mã này tiến về mức tham chiếu. Trong khi các mã liên quan như MHC lao dốc 6,3%, PXL rơi 4,4%, VIX và SCI mất 3,9%...
Cổ phiếu SHB của bầu Hiển tiếp tục bị bán mạnh nhất trong các mã ngân hàng khi rơi 3,5% về 19.300 đồng. YEG của Yeah1 mất thêm 5,4% giá trị sau khi giảm sàn cuối tuần trước.
Trong khi đó các mã chứng khoán HSG của Hoa Sen hay KBC của Kinh Bắc có được sắc xanh khi doanh nghiệp đã có thông báo đính chính về những thông tin tiêu cực.
Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục bị bán tháo khi mở cửa phiên 12/4. Bảng giá: SSI. |
Không chỉ nhóm đầu cơ mà cả những cổ phiếu vốn hóa lớn cũng bị bán mạnh trong sáng nay. Rổ VN30 mất 13,4 điểm (-0,88%) với 27/30 mã giảm giá.
Gây tác động tiêu cực nhất lên thị trường là VHM của Vinhomes khi giảm giá 2,3% về 73.400 đồng. Tiếp đến là BID mất 2,9% xuống 40.700 đồng, GAS giảm 2,5% còn 107.500 đồng.
Ở chiều ngược lại thì VPB của VPBank là điểm sáng lớn nhất của nhóm ngân hàng nói riêng và toàn thị trường nói chung. Thị giá VPB bứt phá 1,7% lên 39.450 đồng.
Thanh khoản thị trường có phần nhỉnh hơn phiên gần nhất khi tổng giá trị khớp lệnh tăng 5% lên 13.345 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh khoảng 350 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Trước phiên giao dịch, Chứng khoán SHS dự báo chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3/2022) để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
"Trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm là đủ tốt thì thị trường có thể sớm hồi phục trở lại, cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu thị trường chỉnh về vùng hỗ trợ trên", nhóm chuyên gia phân tích.
Chứng khoán Rồng Việt cũng nêu quan điểm thận trọng khi thị trường có khả năng vẫn còn giảm và tiếp tục lùi về các đường hỗ trợ dưới. Nhịp giảm sẽ dừng lại khi VN-Index lùi về vùng 1.455-1.465 điểm.
Nhà đầu tư nên chậm lại, có thể cân nhắc giá điều chỉnh để giải ngân tại một số cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền. Ngược lại vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.