Khi Lý trí nói Có, nhưng Cảm xúc nói Không
Bố tôi thường nói: “Petr à, con cần học cách tự giao nhiệm vụ cho mình”. Tôi luôn trả lời: “Ý bố là sao? Con có tự bảo mình phải làm gì chứ, chỉ là con không nghe theo thôi.” Trong các nghiên cứu từng được tiến hành về thói trì hoãn, bản phân tích chi li nhất chỉ ra rằng không có khả năng lắng nghe chính mình rất có thể là lý do chính khiến chúng ta dời lại mọi việc. Tên khoa học của khả năng này là tự điều chỉnh (self-regulation).
Tự điều chỉnh = kỹ năng tự giao nhiệm vụ cho bản thân và tự tuân theo.
Sẽ thế nào nếu bạn muốn nhảy xuống một hồ bơi lạnh lẽo trong khi cơ thể bạn nói không? Bạn cảm thấy ra sao khi bạn muốn bắt chuyện với một người lạ nhưng thay vào đó cứ đứng ngây ra, im thin thít? Đã bao lần bạn tự nhủ mình sẽ bắt đầu làm gì đó nhưng lại dành cả mấy tiếng đồng hồ làm việc khác? Đã bao lần trong đời bạn cố tự bảo mình phải làm gì đó nhưng rồi không tuân theo?
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Lý do khiến chúng ta không thể tuân theo chính mình đã bị chôn vùi trong lịch sử tiến hoá của bộ não con người. Trải qua hàng triệu năm, não chúng ta không chỉ phát triển về kích thước mà còn phát triển nhiều phần mới.
Phần lâu đời nhất của bộ não người là thân não, còn được gọi là não bò sát. Nó chịu trách nhiệm cho các phản xạ và bản năng cơ bản. Sau đó là hệ viền (hệ limbic), phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc, đã tiến hóa ở tổ tiên động vật có vú của chúng ta. Rất lâu sau đó, phần trẻ nhất của bộ não là vỏ não mới (neocortex) xuất hiện. Nó chịu trách nhiệm về tư duy lý trí, logic, lập kế hoạch và ngôn ngữ.
Vì bộ não phát triển dần dần theo thời gian nên các kết nối đi từ hệ viền lâu đời đến phần vỏ não mới non trẻ nhiều và mạnh hơn đáng kể so với các kết nối đi theo chiều ngược lại. Kết quả là hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc nhiều hơn là lý trí.
Do đó, bản chất cấu trúc của bộ não khiến con người không giỏi trong việc tuân theo chính mình. Vùng vỏ não mới, vốn thiên về lý trí, là nơi đưa ra mệnh lệnh, nhưng hệ viền mạnh mẽ vốn thiên về cảm xúc lại không chịu lắng nghe.
Tự điều chỉnh là khả năng kiểm soát cảm xúc của mình một cách có ý thức. Khả năng này càng phát triển, bạn càng dễ hành động theo những gì bạn tự nhủ phải làm và càng giỏi chống lại cám dỗ. Nhờ vậy, bạn sẽ ít trì hoãn hơn.
Kỹ năng tự điều chỉnh không có nghĩa là “tắt đi” cảm xúc của bạn. Cảm xúc tự nó không xấu. Thậm chí còn ngược lại. Cảm xúc giúp bạn quyết định dễ dàng hơn, phản ứng nhanh hơn lý trí và do đó góp phần vào sự sinh tồn. Có kỹ năng tự điều chỉnh, bạn sẽ tránh được tình trạng trở thành nô lệ của cảm xúc trong các tình huống mà cảm xúc không có lợi.