"Messi Phú Yên" trên phố Núi
Thuận chân trái, rất nhanh, khéo léo, đôi mắt sáng, da ngăm đen và miệng lúc nào cũng tươi cười là những đặc điểm dễ thấy nhất về Huỳnh Tuấn Vũ, sinh năm 2002, so với các học viên khác của khóa III. Thể hình của em không lý tưởng nhưng được các chuyên gia của học viện JMG toàn cầu đánh giá cao về tư duy chơi bóng. Đó cũng là lý do cậu bé được các thầy (HLV U11 Phú Yên - Nguyễn Hoàng Đông) và đồng đội nhí đặt cho biệt danh "Messi Phú Yên".
Ở đợt tuyển chọn học viên khóa III tháng 8/2013, Huỳnh Tuấn Vũ là 1 trong 4 người được chọn đầu tiên bên cạnh Phan Hồ Khải (Đồng Nai), Nguyễn Duy Tâm (Lạng Sơn) và Huỳnh Văn Hải (Đắk Lắk). Ngay từ những bài kiểm tra đầu tiên, Tuấn Vũ đã cho thấy sự nhỉnh hơn so với các cầu thủ khác nhờ tài năng và “kinh nghiệm” thi đấu cho đội nhi đồng Phú Yên.
Huỳnh Tuấn Vũ cười tươi sau một buổi tập cùng đồng đội. Lúc mới đến học viện, em rất hay khóc vì nhớ nhà nhưng giờ đã quen dần. |
Tuấn Vũ sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng anh Huỳnh Minh Tuấn và chị Nguyễn Thị Trang (bố mẹ của Tuấn Vũ) luôn để cho cậu con trai út của mình được thỏa sức với môn thể thao vua. Khoảng sân trước nhà là nơi Tuấn Vũ chập chững làm quen với trái bóng, nuôi dưỡng giấc mơ thành cầu thủ.
Sau khi vô địch giải bóng đá VTV Phú Yên năm 2012 cùng đội bóng của huyện Đông Hòa, Tuấn Vũ thường xuyên xa nhà để tập luyện, thi đấu cho đội U10, U11 của tỉnh, tham dự những giải đấu toàn quốc. Đến năm 2013, Tuấn Vũ là hạt nhân trong lối chơi của đội nhi đồng Phú Yên đoạt 2 HCĐ toàn quốc.
Biết được đam mê của con, anh Huỳnh Minh Tuấn đã hướng cho cậu bé vào học viện HAGL-Arsenal JMG. Trong cuộc thi sơ tuyển tại Phú Yên, Tuấn Vũ là người duy nhất được chọn. Đến vòng chung kết, Tuấn Vũ tỏ ra vượt trội ở những bài 3 đánh 3, 4 đánh 4, với ý thức chiến thuật rất tốt để là 1 trong 4 học viên được chọn của khóa III.
Vincent Defour, Tổng giám đốc học viện JMG toàn cầu khi sang Việt Nam chọn những học viên vào khóa III đã ấn tượng mạnh với Tuấn Vũ ngay từ những pha bóng đầu tiên. Chiều cao của em rất hạn chế, chỉ 1,33 m nhưng có kỹ năng, tư duy bóng đá và tinh thần thi đấu rất tuyệt vời. Đây là những căn cứ để tuyển học viên của học viện JMG chứ không phải yếu tố hình thể.
"Hy sinh đời bố"
Ngày Tuấn Vũ nhận được hợp đồng từ ban giám đốc học viện HAGL-Arsenal JMG, căn nhà nhỏ của anh Huỳnh Minh Tuấn đầy ắp tiếng cười. Anh vui vì những hy sinh lặng thầm của mình cuối cùng cũng được bù đắp chút ít khi cậu con trai có nơi ăn chốn ở, tập luyện bóng đá tốt để sau này có thể đổi đời.
Vốn nhà thuần nông, lại không có nhiều đất canh tác, anh Tuấn gần như quanh năm làm thuê với đủ các loại nghề để nuôi sống cả gia đình. Thời điểm khi Tuấn Vũ chuẩn bị lên học viện thi tuyển chung kết, anh Tuấn làm phụ hồ tại TP.HCM nhưng bỏ ngang để đưa cậu con trai lên Gia Lai với niềm tin mãnh liệt rằng "báu vật nhỏ" này chắc chắn sẽ được tuyển.
Anh Huỳnh Minh Tuấn trong những ngày dẫn cậu con trai lên Gia Lai thi tuyển vào học viện HAGL-Arsenal JMG. |
Tuấn Vũ đậu vào học viện, gia đình anh bớt phần lo toan khi mọi chi phí đã có HAGL đảm trách. Nhưng gánh nặng cơm áo không vì thế bớt đi với anh. Cậu con trai lớn của anh thi đầu vào ngành cơ khí ở một trường Đại học tại TP.HCM, buộc anh phải bươn chải khắp nơi để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Những ngày này, anh Tuấn đang làm thuê cho một chủ rẫy cà phê ở Đắk Lắk. Công việc chính của anh là tưới nước, chăm sóc cho những cây cà phê đang lớn. Làm nặng nhọc nhưng mức lương anh nhận được chỉ chừng 4 triệu đồng/tháng. Làm bao nhiêu tiền anh gửi về để phụ vợ nuôi con. Niềm vui của người đàn ông ngoài 40 tuổi này là lâu lâu lại tranh thủ bắt xe đò lên thăm cậu con trai ở học viện.
“Hồi trẻ tôi cũng mê đá bóng, đá cũng được nên khi thấy cháu ham tôi quyết tâm cho cháu theo đến cùng. Đời tôi khổ lắm rồi nên thấy cháu Vũ vô được học viện tôi mừng lắm. Giờ tôi còn lo cho đứa lớn đang học. Khổ cách mấy tôi cũng chịu được, coi như hy sinh đời mình để mấy đứa sau này nó có tương lai tươi sáng hơn”, anh Tuấn cho biết.
Đằng sau sự thành công của các cầu thủ luôn có những hy sinh lặng thầm của các đấng sinh thành. Tuấn Vũ biết điều đó nên rất thương bố, không để bố phải phiền lòng và nung nấu quyết tâm thành tài sau 6 năm nữa…
Bản sao của Công Phượng: Dù mới vào học viện HAGL-Arsenal JMG hơn 1 năm nhưng Huỳnh Tuấn Vũ có phong cách rất riêng. Thành công của các đàn anh khóa I, điển hình là Công Phượng đã ảnh hưởng lớn đến Tuấn Vũ. Theo ban huấn luyện, tài năng nhí này được xem là bản sao của Công Phượng từ cách đi đứng, trò chuyện cho đến sở trường chơi bóng trên sân.
“Em Vũ có được sự ổn định trong cách chơi bóng trong các bài “3 đánh 3 hay 4 đánh 4” luôn thể hiện ý thức chiến thuật rất tốt. Tinh thần thi đấu thì khỏi phải chê. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của Vũ chính là khả năng tổ chức trận đấu và cầu thủ này có cái kèo trái không lẫn vào đâu được so với các bạn cùng lứa”, ông Trần Văn Minh, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai nhận xét về tài năng nhí trên báo Phú Yên online.
Thừa nhận Huỳnh Tuấn Vũ có hạn chế về thể hình, nhưng với phương pháp huấn luyện, chế độ dinh dưỡng được các chuyên gia hàng đầu của CLB Arsenal xây dựng, ông Minh tin rằng Huỳnh Tuấn Vũ hoàn toàn có thể cải thiện được chiều cao và phát triển kỹ năng của mình trong tương lai. “Bạn biết đấy, Messi chỉ cao chưa đầy 1,7m nhưng vẫn là ngôi sao bóng đá thế giới. So sánh vậy có phần khập khiễng, nhưng với thương hiệu, tiêu chí huấn luyện dựa trên lối chơi kỹ thuật và đầu óc của chúng tôi, những cầu thủ như Huỳnh Tuấn Vũ sẽ là “hạt mầm” tốt. Thành công của U.19 Việt Nam hiện nay cũng xuất phát từ cách huấn luyện này”, ông Minh chia sẻ.