Annalisa Malara là bác sĩ gây mê của một bệnh viện tại thị trấn Codogno, miền Bắc vùng Lombardy. Cô hồi tưởng về lần đầu nhìn thấy hình ảnh chụp CT phổi của “bệnh nhân số 1” Mattia Maestri hôm 20/1.
“Hình ảnh ấy thật vô lý. Chứng viêm phổi của anh Maestri nhanh chóng trở nên nghiêm trọng chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng”, bác sĩ Malara chia sẻ với The Guardian. Cô rất bất ngờ khi người đàn ông 38 tuổi khoẻ mạnh này nhiễm bệnh nặng.
“Trường hợp này rất ấn tượng nên việc chẩn đoán trở nên dễ dàng hơn”, bác sĩ Malara nhận định về ca nhiễm virus corona đầu tiên của Italy. Ở thời điểm ấy, người dân Italy vẫn nghĩ đại dịch Covid-19 còn ở rất xa.
Bệnh nhân số 1
Bác sĩ Annalisa Malara cùng các đồng nghiệp tại một bệnh viện thuộc thị trấn Codogno. Ảnh: The Guardian. |
Bác sĩ Malara cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó nhưng không ai tưởng tượng được dịch bệnh lây lan nhanh chóng đến như vậy”.
“Lúc này chỉ những người trở về từ Trung Quốc mới được xét nghiệm với virus corona. Tôi đã phải rất vất vả mới đưa anh Maestri đi xét nghiệm được. Kết quả dương tính của anh ấy kéo theo thị trấn Codogno và vùng lân cận bị phong toả”.
Trong 10 ngày đầu phát bệnh, anh Meastri có những triệu chứng điển hình do virus corona gây ra, bao gồm sốt, ho và khó thở. Meastri đến bệnh viện để chụp X-quang thì thấy lá phổi bên phải bị viêm nhẹ. Sau khi được kê thuốc, anh từ chối nhập viện và tự điều trị tại nhà.
Chỉ vài giờ sau, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn khiến anh Meastri buộc phải quay lại bệnh viện. Tại đây, anh cần dùng đến máy thở trong khi bác sĩ Malara và đồng nghiệp loay hoay chẩn đoán bệnh.
Chuyến đi cuối cùng của anh Meastri là đến New York (Mỹ) hồi tháng 9/2019. Song bệnh nhân này từng ăn tối với một người đồng nghiệp từ Trung Quốc trở về. Đáng chú ý, người đồng nghiệp không hề có triệu chứng nhiễm bệnh và xét nghiệm âm tính với virus corona.
Hai ngày sau khi thị trấn Codogno bị cách ly, chính quyền Italy tiếp tục phong toả 9 thị trấn lân cận thuộc vùng Lombardy. Đây cũng là lúc nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19.
Đến nay, “bệnh nhân số 1” đã bình phục. Trong một cuộc trò chuyện với bác sĩ Malara, anh Maestri cho biết mình ổn và mới trở thành cha vài tuần trước. Dù vậy, cha của Maestri đã nhiễm bệnh và qua đời trong thời gian anh điều trị.
Khi sự thật được phơi bày
Hôm 3/3, thị trưởng Costantino Pesatori của thị trấn Castiglione d’Adda, một trong 10 thị trấn bị phong toả, đăng tải một đoạn video để kêu gọi giúp đỡ. Vào thời điểm này, hầu hết người dân Italy vẫn coi đại dịch Covid-19 là một khái niệm khá mơ hồ.
Đây cũng là lúc virus corona bắt đầu gây tử vong ở người và hệ thống y tế Italy trở nên quá tải. Những trường hợp tử vong đầu tiên đều có điểm chung là bệnh nhân cao tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Thị trưởng Costantino Pesatori của thị trấn Castiglione d’Adda. Ảnh: The Guardian. |
Trong khi chính quyền nhiều khu vực khuyến khích người dân không nên quá lo lắng, thị trưởng Pesatori sớm nhận ra điều bất thường khi thị trấn 4.600 dân của ông ghi nhận 2-3 người chết mỗi ngày.
“Tôi biết chắc rằng Covid-19 là mối hiểm hoạ nghiêm trọng vì nhiều người ở Castiglione d’Adda qua đời từ lúc Codogno ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên”, ông Pesatori chia sẻ với The Guardian.
Trong đoạn video, thị trưởng Pesatori phơi bày sự tàn phá khủng khiếp của virus corona. Thị trấn Castiglione d’Adda ghi nhận 18 ca tử vong trong vòng chưa đầy 2 tuần, bao gồm một người đàn ông 55 tuổi khoẻ mạnh.
Ông cũng cho biết trong số 5 bác sĩ của thị trấn, 3 người bị cách ly còn 2 người phải nhập viện vì nhiễm virus corona. “Có rất nhiều người bị sốt nhưng phải tự cách ly ở nhà và không được gặp bác sĩ”.
“Tình hình rất đáng lo ngại”, ông Pesatori cho biết người dân Italy vẫn khá vô lo do nhiều ý kiến cho rằng virus corona không nghiêm trọng bằng virus cúm.
Chỉ vài ngày sau, cả vùng Lombardy bị cách ly, khiến hàng nghìn người dân vội di chuyển về phía Nam. Đến hôm 11/3, Italy chính thức thực hiện lệnh phong toả toàn quốc. Vào thời điểm này, Italy ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm và 827 ca tử vong do Covid-19.
Khi thị trưởng Pesatori vất vả chống dịch để bảo vệ người dân, gia đình của ông đã gặp nạn. Mẹ của ông Pesatori là một trong 76 ca tử vong do Covid-19 tại thị trấn Castiglione d’Adda.
“Sau tất cả, tôi nghĩ việc quan trọng là giữ bình tĩnh”, ông Pesatori chia sẻ. “Tôi phải vượt qua nỗi đau và nhìn về phía trước”. Cũng theo ông Pesatori, dù dịch bệnh đã có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng virus corona vẫn còn đó và Italy không được mất cảnh giác.
Không còn giường bệnh ở Bergamo
“Ở đây không còn giường bệnh nữa” là những lời cuối cùng mà ông Ettore Consonni, 61 tuổi, nghe được trước khi rơi vào tình trạng hôn mê tại một bệnh viện thuộc Bergamo.
Ông Consonni, một công nhân đã về hưu, du lịch tới Dominica để kỷ niệm 40 năm ngày cưới cùng vợ. Sau khi trở về Italy, ông có triệu chứng nhiễm virus corona và nhập viện hôm 4/3. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với chủng virus quái ác.
Ông Ettore Consonni được chuyển viện từ Bergamo đến Sicily để điều trị Covid-19. Ảnh: The Guardian. |
Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi cơ sở y tế ở vùng này đều bị quá tải. Trong tình trạng khẩn cấp ấy, nhiều bệnh nhân nằm la liệt dọc hành lang bệnh viện trong khi những người khác được chuyển viện bằng máy bay quân sự đến miền Nam Italy.
Ông Consonni tỉnh dậy sau 23 ngày bất tỉnh và nhận ra mình đang được điều trị ở Sicily. “Tôi tưởng là đùa. Tôi ngất đi ở Bergamo và tỉnh dậy ở một nơi rất xa”. Tại đây, ông Consonni nằm chung phòng với nhiều bệnh nhân khác.
“Các bác sĩ nói rằng tôi suýt chết. Thật may là tôi không nhớ gì nhiều về những ngày kinh khủng ấy”, ông chia sẻ. Đến đầu tháng 4, Consonnni đã thở được bình thường và không phải điều trị tích cực nữa.
Sau khi có kết quả âm tính với virus corona, ông được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình và hàng xóm. Song một điều tồi tệ đã xảy ra trong khi ông Consonni được ban cho cơ hội sống.
“Vợ tôi thông báo rằng anh trai của tôi qua đời vì Covid-19”, ông Consonni chợt nhận ra thành phố của ông, Bergamo, đã phải chiến đấu khốc liệt với dịch bệnh. Các bác sĩ so sánh tình cảnh ấy với thời chiến vì họ không thể cứu hết tất cả bệnh nhân.
Khi ông Consonni đang điều trị ở Sicily, Bergamo chìm trong hoảng loạn với tiếng còi cứu hoả và tiếng chuông báo tử vang không ngừng.
Chuyện về một người cha
“Bố tôi ra đi trong vòng tay của mẹ còn tôi đang cố gọi điện để tìm sự giúp đỡ”, Asia Marchesi, 24 tuổi chia sẻ với The Guardian. “Nhìn ông ấy vật lộn để thở giống như chứng kiến ai đó bị chết đuối vậy”.
Bức ảnh của cô con gái Asia Marchesia và cha mình, ông Siro. Ảnh: The Guardian. |
Cha của Asia, ông Siro qua đời trong ngôi nhà của mình vào ngày 13/3. Cái chết của ông cùng nhiều người khác ở các cơ sở dưỡng lão không được liệt kê trong số liệu chính thức.
Người cha 64 tuổi được cho là nhiễm virus corona từ ngày 22/2 khi đến khám chữa bệnh tại khoa cấp cứu của một bệnh viện thuộc thành phố Bergamo. Đến ngày 6/3, ông Siro cảm thấy không ổn. Asia Marchesia cho biết: “Bố tôi đổ bệnh cũng là lúc cơn ác mộng này bắt đầu”.
Một bác sĩ tư đã đến thăm khám và kê thuốc kháng sinh cho ông Siro. Dù gia đình liệt kê nhiều triệu chứng nghiêm trọng nhưng ông Siro không hề được xét nghiệm với virus corona. Ông Siro qua đời hôm 13/3 với nguyên nhân không được xác định.
Asia Marchesi không kìm được nước mắt khi kể về phút cuối đời của người cha bất hạnh: “Ông liên tục nói với tôi rằng đừng gọi điện cho bác sĩ nữa vì không muốn làm phiền họ”.
Cô Asia cũng cho biết: “Khác với nhiều người, bố tôi không phải chết cô độc trong bệnh viện. Nhưng ông ấy cũng có một cái chết thật kinh khủng. Chúng tôi cảm thấy bị bỏ mặc”.
Do Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nên gia đình của Asia không thể tổ chức tang lễ. Cô và mẹ không có cơ hội chia sẻ nỗi buồn và được nhận sự an ủi từ những người thân. “Chúng tôi thậm chí còn không có một cái ôm”.
Ông Siro Marchesia và vợ. Ảnh: The Guardian. |
Cô Asia đã tham gia một nhóm trên Facebook mang tên NOI Denunceremo. Nhóm này quy tụ gia quyến của nhiều nạn nhân Covid-19 mong muốn tìm được công lý.
“Người thân của chúng tôi đã ra đi một cách bất công. Bồi thường tiền bạc không thể mang bố tôi trở về. Điều tôi muốn là những người gây ra lỗi lầm này phải chịu trách nhiệm”, cô Asia kết luận.
Milan chỉ có xe cứu thương
Trung tâm kinh tế và thời trang Milan của vùng Lombardy thường ngày tấp nập với đủ loại xe cộ trên đường phố. Từ ngày 9/3, thành phố này áp dụng lệnh phong toả và xe cứu thương là phương tiện duy nhất được phép lăn bánh.
Matteo Derai là một trong hàng trăm tình nguyện viện tham gia tuyến đầu chống dịch. Với nhiệm vụ trên xe cấp cứu, anh Derai cho biết khoảng 80% cuộc gọi đến là để báo cáo ca nghi nhiễm Covid-19.
“Không ai bắt tôi làm điều này nhưng tôi luôn cảm thấy sẵn sàng trong những giây phút chiến đấu với dịch bệnh. Chỉ khi kết thúc ca làm việc, tôi mới nhận ra mình chưa chợp mắt suốt 24 tiếng đồng hồ”.
Matteo Derai là một trong hàng trăm tình nguyện viện tham gia tuyến đầu chống dịch. Ảnh: The Guardian. |
Vợ của anh Derai là một nữ y tá đang trong thời kỳ nghỉ thai sản. Cặp đôi mới có một cậu con trai tên Tommaso. Anh Derai luôn lo sợ mang theo virus corona về gia đình nhỏ của mình.
Derai chia sẻ câu chuyện của một phụ nữ anh từng gặp trong quá trình làm việc: “Covid-19 cướp đi chồng của bà ấy. Bà nói rằng điều tồi tệ nhất là khoảng lặng khi vắng bóng người bạn đời cùng nỗi lo sợ bà sẽ là người tiếp theo ra đi”.
Chỉ làm việc trên xe cứu thương nên anh Derai không hề biết những người anh vận chuyển có sống sót hay không.
“Lúc đầu, tôi thắc mắc những người tôi gặp có bình phục không. Sau khi nhìn số liệu tử vong tăng từng ngày, tôi dừng thắc mắc và chỉ mong họ sống sót vượt qua. Đôi khi tôi biết điều đó là không thể”, anh Derai chia sẻ.
Tương lai bất ổn
Sau lệnh phong toả dài nhất thế giới, một phần cuộc sống của Italy sẽ trở lại bình thường kể từ ngày 4/5. Sau khi mối đe doạ về sức khoẻ cộng đồng giảm, nước này tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức kinh tế.
Soemia Ira, 38 tuổi, là một nghệ sĩ đường phố sống tại Catania, Sicily. Ảnh: The Guardian. |
Các chuyên gia dự đoán một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ sẽ sớm diễn ra. Italy đã tái khởi động một vài ngành công nghiệp, các hộ nhỏ lẻ được tiếp tục kinh doanh từ ngày 18/3. Song các quán bar và nhà hàng vẫn phải đóng cửa đến đầu tháng 6.
Soemia Ira, 38 tuổi, là một nghệ sĩ đường phố sống tại Catania, Sicily. Cô không được đi làm từ khi nước này áp đặt lệnh phong toả và hoàn toàn mất phương hướng về tương lai.
Hàng ngày, cô Ira kiếm sống bằng cách biểu diễn trên phố: “Không có khán giả, không có các đám đông, công việc của tôi đi vào ngõ cụt. Covid-19 cướp đi kế sinh nhai của tôi rồi”.
Gói cứu trợ kinh tế của chính phủ là chưa đủ với tình hình hiện tại. Vào cuối tháng 3, tình trạng bất ổn xã hội ở khu vực Nam Ý, bao gồm trộm cướp nhu yếu phẩm, tiền bạc tại các siêu thị, đã diễn ra.
Tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ đang phân phát thực phẩm tới những người gặp khó khăn. Dù vậy, nhiều băng đảng ở miền Nam Italy đang lợi dụng tình hình này để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Hội Chữ thập đỏ đang chuẩn bị các bưu kiện thực phẩm cho người gặp khó khăn tại Catania. Ảnh: The Guardian. |
Hàng nghìn người dân Italy sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Ngành du lịch mũi nhọn của nền kinh tế nước này cũng dự báo một mùa hè không mấy khả quan.
Trong những ngày phong toả, nhiều ban công của đất nước đậm chất nghệ thuật vang lên lời ca của bài hát “Andra tutto bene” (tạm dịch: Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi). Song hoàn cảnh của những người như cô Ira chỉ ra rằng: “Không. Mọi chuyện sẽ không ổn đâu”.