Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắn ngư dân là không thể chấp nhận được

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ - chuyên gia luật biển quốc tế), việc cảnh sát biển Thái Lan bắn ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được.

Tiến sĩ (TS) Trục nói: “Tôi nghĩ những ngư dân này chỉ vì cuộc sống mưu sinh và dù họ có vô tình hay cố ý vào vùng biển Thái Lan cũng không đe dọa gì đến an ninh quốc gia của nước này.

Do vậy việc cảnh sát biển Thái Lan xả súng khiến một người chết và hai người bị thương là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế, ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước”.

Bộ đội biên phòng Kiên Giang tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành luật pháp trên biển.
Bộ đội biên phòng Kiên Giang tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành luật pháp trên biển.

TS Trục nhấn mạnh: “Nếu ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển của Thái Lan, các lực lượng chức năng của nước này có thể sử dụng nhiều biện pháp như cưỡng chế bắt buộc, cảnh cáo hoặc giam giữ và xét xử ở tòa án theo luật định”.

Theo TS Trục, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối đến Thái Lan là điều tất yếu. Tuy nhiên, phải xem xét kết quả điều tra để nhìn nhận một vấn đề khách quan.

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành vi sử dụng bạo lực đối với những ngư dân là vô nhân đạo", TS Trần Công Trục

Trước những lực lượng có trang bị vũ trang như cảnh sát biển Thái Lan thì người dân bình thường không thể chống chọi được. Cho nên không thể nói những ngư dân Việt chủ động tấn công.

“Tôi nghĩ sắp tới cần phải trang bị và hướng dẫn ngư dân sử dụng các phương tiện kỹ thuật số như máy ảnh, máy quay phim để có bằng chứng phản bác lại, đồng thời phổ biến về các kiến thức pháp luật để tránh những tình trạng đau lòng tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Trục đề nghị.

Còn luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, không có quy định nào cho phép tàu thực thi pháp luật của một quốc gia này được bắn tàu của một quốc gia khác.

Các ngư dân Việt Nam nếu có xâm phạm vùng biển của nước ngoài thì lực lượng chức năng của nước sở tại cũng không được phép nổ súng, đặc biệt là bắn thẳng vào ngư dân.

Hành động nổ súng vào dân thường là hành động vô nhân đạo, trái với quy định quốc tế và trái với đạo lý của con người.

Luật sư Trung khẳng định việc cảnh sát Thái Lan cho rằng họ bắn vào các ngư dân Việt Nam để tự vệ là hết sức vô lý, không phù hợp và mang nặng tính ngụy biện.

Tàu của lực lượng cảnh sát biển Thái Lan là tàu chuyên dùng, có tốc độ cao, được trang bị vũ khí thì làm sao các tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam - loại tàu gỗ, công suất máy yếu - có thể uy hiếp, đe dọa lực lượng chức năng Thái Lan.

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời lại là đối tác chiến lược, có quan hệ ngoại giao sâu rộng với nhau.

Việc lực lượng cảnh sát biển Thái Lan bắn vào ngư dân Việt Nam là hành động làm tổn hại tới niềm tin tình cảm của người dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Thái Lan điều tra, xử lý những cá nhân gây ra vụ việc.

Việt Nam cũng cần sử dụng tất cả các biện pháp để bảo hộ công dân Việt Nam như Hiến pháp đã quy định, sử dụng các kênh ngoại giao, giải pháp đồng bộ để buộc phía Thái Lan phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của mình, đồng thời cần có các biện pháp cụ thể để tăng cường việc bảo vệ ngư dân Việt Nam khi tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Lên án tàu cảnh sát Thái Lan tấn công tàu cá Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra, xử lý nghiêm những người tấn công tàu cá Việt Nam, khiến một người thiệt mạng và 2 người bị thương

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150919/ban-ngu-dan-la-khong-the-chap-nhan-duoc/971760.html

Theo Q.Trung - Gia Minh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm