Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Bản làng không ánh đèn và những mái nhà hiu hắt trong đêm

Sống trong bóng tối kể từ khi bản làng được khai hoang, mong muốn lớn nhất của người dân sống tại các bản nhỏ thuộc xã Chiềng Nơi (Sơn La) là được nhìn thấy ánh đèn.

Samsung anh 1Samsung anh 2

Sống trong bóng tối kể từ khi bản làng được khai hoang, mong muốn lớn nhất của người dân sống tại các bản nhỏ thuộc xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là được nhìn thấy ánh đèn.

Tối 29/3, một sự kiện lớn ở Hà Nội được tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn người - lễ hội “Tắt đèn 2019”. Nhiều tuyến phố của thủ đô và các thành phố lớn tắt điện hơn một giờ. Ở cách đó hơn 300 km về hướng bắc, một bản làng hẻo lánh giáp biên giới Việt - Lào cũng chìm trong bóng tối, nhưng không có lễ hội nào được tổ chức ở đó. Người dân ở đây đã sống dưới những mái nhà không ánh đèn điện kể từ khi bản làng được khai hoang.

Samsung anh 3

28 Tết vừa qua, anh Lò Văn Hưởng gói ghém tất cả quần áo, đồ đạc cá nhân mang về quê. Sau 9 năm sống dưới huyện Mai Sơn, Tết này, anh sẽ chuyển về nhà ở hẳn để chăm sóc bố mẹ đã đến tuổi xế chiều. Nhà anh nằm sâu trong bản Huổi Do, xã Chiềng Nơi. Đường từ huyện lên bản dài 80 km, phải băng qua nhiều con đường gồ ghề, bụi mù. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu, xe máy nhiều lần rê bánh dưới lớp cát dày.

Trong những đồ đạc anh mang về, có một bộ loa đài được mua với giá 3 triệu đồng ở cửa hàng điện tử dưới huyện. Anh dự định sẽ mang chiếc loa về quê để bật lên nghe nhạc những lúc rảnh rỗi, thói quen như hồi anh sống dưới huyện. Tuy nhiên, dự định không thành hiện thực. Nhà anh vẫn chưa có điện, chiếc loa giờ để bám bụi bên trên nóc tủ thờ.

Anh Hưởng đành nhờ người quen chạy xe xuống huyện mua hộ một chiếc cát-xét chạy bằng pin con thỏ, loa rè rè, phải điều chỉnh nút theo các tần số khác nhau để nghe thông tin từ đài phát thanh. Khu nhà anh ở có sóng điện thoại chập chờn, anh cũng không thể truy cập Internet để đọc báo nữa.

“Sống được có mấy tháng mà tôi đã thấy không quen, nhưng ông bà thích ở trên này chứ nhất quyết không muốn về xuôi”, anh Hưởng thắc mắc, không giấu được vẻ lo lắng cho cha mẹ mình.

Anh Hưởng sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Do, một trong 3 bản chưa có điện ở xã Chiềng Nơi. Năm 18 tuổi, anh quyết định xuống huyện đi học nghề rồi mở một cửa hàng làm biển quảng cáo dưới đó. Thu nhập ổn định, anh cưới vợ, sinh con rồi ở lại luôn, một năm về nhà 2-3 lần khi lễ Tết hoặc khi bố mẹ bệnh, cần sự chăm sóc.

Samsung anh 4Nhiều lần, anh bày tỏ mong muốn được đưa bố mẹ đi khỏi bản làng nghèo khó này, xuống huyện sống để được gần con, gần cháu. Ở dưới đó, vợ chồng anh xây được một cơ ngơi nho nhỏ, đủ để ông bà an hưởng, không phải làm nương rẫy vất vả như ở nhà. Hai cháu đang đi học ở huyện cũng sẽ được gần gũi với ông bà nhiều hơn là chỉ gặp một lần vào dịp Tết, nhưng vốn quen với cuộc sống tại bản, bố mẹ anh không thể rời khỏi nơi này.

Bố anh - ông Bình bị lãng tai, không nghe được gì nên mọi âm thanh anh mang về nhà không đem lại niềm vui cho ông. Ông Bình cũng quen với cuộc sống không có điện. Tối đến, ông sẽ nhóm một bếp lửa nhỏ ở trong nhà, vừa để thắp sáng, vừa để đun trà uống cùng mấy người hàng xóm và sưởi ấm những hôm trời giá lạnh.

“Bố tôi bảo sống ở đây quen rồi, không muốn đi đâu nữa”, anh Hưởng tự trả lời cho thắc mắc của mình.

Buổi tối, trong khi ông Bình nhóm lửa ngồi uống trà với vài người hàng xóm ở dưới bếp, anh Hưởng thêm dầu cho cây đèn trong nhà, quẹt diêm châm ngọn bấc để có một đốm sáng nhỏ. Dưới ánh đèn tù mù, anh mở quyển tạp chí cũ ra đọc vài thông tin thường thức về các loại xe hơi, dòng điện thoại.

“Giờ chỉ mong hàng ngày không phải ăn cơm, đọc báo dưới cái đèn dầu nữa là vui rồi”, anh Hưởng nói về ước mơ của mình, có lẽ cũng là mong ước của nhiều người dân khác trong bản.

Bản Huổi Do nằm sâu trong xã Chiềng Nơi. Ban ngày, đàn ông hay phụ nữ đều đi lên nương làm rẫy từ sớm tinh mơ đến tối mịt mới về. Buổi tối, cả nhà trở về, thắp ngọn đèn dầu tù mù rồi sinh hoạt dưới ánh sáng yếu ớt.

Người dân ở đây chưa từng biết đến tivi hay cột đèn cao áp. Những thanh niên như anh Hưởng rời quê hương đi kiếm ăn ở xa nhiều, với mong ước có nguồn thu nhập ổn định, giúp đỡ được gia đình nơi quê nhà.

“Điện - đường - trường - trạm” được coi là những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất, thiết lập nên cuộc sống của một khu dân cư. Trong khi đó, Huổi Do, Nà Phặng, Pá Hốc là 3 bản của xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn chưa có điện, nhu cầu thiết yếu này chưa thể đến với hơn 200 hộ dân của cả 3 bản làng.

Samsung anh 5

Ở xóm bên cạnh nhà anh Hưởng, ông Hạnh cứ cuối tuần lại đi 3 cây số đường đèo để đón Lò Thị Minh Hà - đứa cháu ngoại của ông về nhà. Hà học lớp 4 tại trường Tiểu học Chiềng Nơi, hàng ngày em ở bán trú tại trường. 

Ở trường của Hà, khu bán trú có độc một chiếc đèn điện được treo trên cao. Đến giờ đi ngủ, một bạn sẽ trèo lên cái cột được cắm trước giường, tắt công tắc. Nhiều bạn nhỏ khác đứng ở dưới ngước lên hò reo, ngắm nhìn và chờ đợi đến khi tối hẳn mới chịu leo lên giường ngủ.

Cuối tuần, em được ông ngoại đón về nhà, không quên mang theo vài cuốn sách giáo khoa và vở bài tập để học bài. Bố mẹ em đã đi làm ăn xa, hàng tháng gửi tiền về nhờ ông Hạnh nuôi giúp đứa con gái.

Từ trường tiểu học của Hà, băng qua một quả đồi rồi lội xe máy qua một đoạn suối, ông Hạnh rẽ vào con ngõ nhỏ với rừng cây hai bên um tùm. Nhà ông nằm ở sâu bên trong, có khoảng sân rộng trước mặt đủ để làm chỗ cho đám trẻ trong xóm đá bóng. Bé Hà nhanh nhảu nhảy xuống ngay khi chiếc xe máy đỗ xịch trước cổng.

Samsung anh 6Samsung anh 7

Tranh thủ lúc đứa cháu ngoại chuẩn bị bữa trưa, ông Hạnh đi ra sau nhà, băng qua một mô đất cao, rồi trèo xuống con suối sát bờ nương đang mùa cà phê ra hoa. Ở đó có một thiết bị thô sơ, nguồn phát điện “tạm” mà ông và một vài người dân trong bản thường sử dụng để có đèn thắp sáng trong nhà.

“Cái máy phát điện” có quy trình hoạt động khá đơn giản. Ở ngoài là khung nứa để che chắn, bên trong có một thiết bị như ròng rọc nhỏ. Thiết bị này sẽ quay đều, tạo ra sức nước giúp điện được phát ra. Suối càng chảy xiết, nước càng dâng cao thì điện phát ra càng mạnh, nhưng vẫn chỉ đủ dùng để phát sáng một cho bóng đèn dây tóc duy nhất, không phát điện được cho các thiết bị khác.

“Cứ vài tuần tôi lại phải chạy xuống kiểm tra cái máy một lần. Bất tiện nhưng không có cái máy thì chúng tôi không có điện để dùng”, ông Hạnh nói.

Samsung anh 8Samsung anh 9

Mùa lũ đến, nước chảy mạnh cuốn trôi cả máy, người dân sống dưới cảnh mưa dột mái nhà và hoàn toàn không có nguồn ánh sáng nào. Và đèn dầu thì cũng không thể thắp.

Samsung anh 10

Cách đó chừng 10 nóc nhà, chị Lý cầm đèn pin bước vào vườn cà chua. Chiếc đèn di chuyển theo những khóm lá trong vườn, đến chỗ có quả cà đỏ mỏng, chị vặt lấy rồi để vào cái rổ con bên cạnh. Nhà chị Lý không có điện, chị chưa từng biết đến việc xem thời sự hay các bộ phim truyền hình.

Dưới ánh sáng phát ra từ bếp lửa bập bùng, chị nấu những món ăn cho gia đình từ nguyên liệu có sẵn trong vườn. Anh Thiết, chồng chị đang tra lại dầu cho chiếc đèn, cầm que lấy lửa từ bếp rồi châm vào ngọn bấc, đặt giữa mâm cơm.

Cả gia đình đã ngồi ăn cơm dưới ánh đèn dầu như vậy suốt bao nhiêu năm nay.

Samsung anh 11Samsung anh 12

“Khổ quá nhưng mà quen rồi, nhà không có tiền mua máy phát điện tự chế như người ta thì phải chịu”, anh Thiết vừa nói vừa cười.

Nhìn thấy bản bên cạnh có ánh đèn được thắp lên sáng choang, anh cũng ao ước một ngày trong nhà mình có được ánh sáng tương tự, không phải ánh sáng từ bếp lửa hay ngọn đèn dầu, mà là ánh đèn điện thắp lên nhìn rõ tất cả đồ vật trong nhà.

Samsung anh 13

Chiếc đèn điện được xem như nguồn ánh sáng mà mọi người dân ở đây đều mơ ước. Không có nguồn ánh sáng này, chị Lý ở bản Huổi Do phải soi đèn pin đi hái cà chua trong đêm tối, anh Thiết và gia đình phải ăn tối dưới ánh đèn dầu tù mù, ông Hạnh vẫn hàng ngày lo lắng cho chiếc “máy phát điện tự chế” hư hỏng vào mùa mưa.

Samsung anh 14Người dân ở đây có thể quen với việc không có tivi, quạt điện, những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, nhưng ánh sáng là nguồn sống, là nhu cầu không thể thiếu với bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào. Trước khi chờ đợi lưới điện có thể kéo về bản, những đứa trẻ như Hà vẫn phải học bài trong một góc học tập không đủ sáng, anh Hưởng vẫn phải đọc báo dưới ánh đèn dầu, nhiều gia đình vẫn phải sinh hoạt trong cảnh tăm tối khi mặt trời lặn xuống.

Hiểu được khó khăn của người dân Chiềng Nơi và những vùng miền chưa thể tiếp cận nguồn ánh sáng nhân tạo, Samsung mang dự án “Mặt trời mơ ước” đến 3 bản Huổi Do, Nà Phặng, Pá Hốc - 3 bản chưa có điện tại xã Chiềng Nơi này và 3 xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, đảo Hòn Chuối, Cà Mau.

1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời từ Samsung đến với các khu vực còn thiếu điện sẽ giúp hoạt động sinh hoạt của người dân và trẻ em những nơi này bớt khó khăn hơn. Đáng nói hơn cả, 1.000 chiếc đèn này do chính các nhân viên Samsung lắp ráp để tặng cho các khu vực còn thiếu điện, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất 2019 - một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (World Wildlife Fund - WWF). Với việc tắt đèn và các thiết bị chiếu sáng trong một giờ, công ty hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ trái đất, môi trường.

Bằng cách tắt đèn trong một giờ tại 7 trụ sở chính của Samsung tại Hàn Quốc và 31 chi nhánh bán hàng trên khắp thế giới, ngoài việc tiết kiệm điện, công ty đã giảm thiểu 5,7 tấn phát thải CO2, tương đương với lượng khí mà 870 cây thông 30 tuổi có thể hấp thụ trong suốt 1 năm.

Như chính thông điệp in trên mỗi chiếc đèn - "Share the light" (Sẻ chia ánh sáng), Samsung mong muốn chiến dịch "Mặt trời mơ ước" sẽ trở thành cầu nối đưa công nghệ đến gần hơn với mỗi người dân Việt Nam, cũng như thêm cơ hội để hàng ngàn “mặt trời” tiếp tục tỏa sáng dưới những mái nhà trong đêm tối.

Samsung anh 15

Mỹ Hà - Quỳnh Trang - Giang Uyển Nguyên

Đồ họa: Anh Nguyên

Bạn có thể quan tâm