Sáng 30/9, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chương trình “Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng” nhằm ôn lại truyền thống, những mốc son quan trọng trong chặng đường xây dựng và trưởng thành. Đây cũng là dịp để nhìn lại những kết quả, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong công tác tham mưu về đường lối và phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Tham dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương trước kia nhằm thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tập trung sức người, sức của cho thắng lợi của cuộc kháng chiến. Việc này cũng thể hiện tầm nhìn xa của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế và vai trò quan trọng của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế đất nước.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ông Vượng đánh giá Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế.
Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu nhiều chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên bước phát triển của cách mạng Việt Nam.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Khi hòa bình lặp lại, kinh tế - xã hội đất nước đứng trước thách thức lớn, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã kìm hãm sự phát triển. Vì thế, các cấp, các ngành, địa phương luôn trăn trở tìm cách khôi phục sản xuất.
Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động nghiên cứu thực tiễn, phát triển mô hình, cách làm mới, góp phần tham mưu cho Đảng nhiều chủ trương có tính chất đột phá như chủ trương khoán 10, chủ trương khoán 100 trong nông nghiệp, chủ trương bù giá vào lương…
“Đây là những đóng góp quan trọng không chỉ mở đường cho sản xuất, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ, mà còn đặt những viên gạch đầu tiên, quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế”, ông Vượng nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số đề án lớn, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về vấn đề kinh tế xã hội, có tầm quan trọng chiến lược.
Các nghị quyết xác định chủ trương quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của đất nước, như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, chủ trương chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Ban Kinh tế trung ương thực hiện tốt việc thẩm định các đề án kinh tế xã hội, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chất lượng ngày càng nâng cao, có những đóng góp ý kiến thẳng thắn, thực chất và trách nhiệm…
“Hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả, khẳng định vị thế, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội”, Thường trực Ban Bí thư đánh giá.
Không đổi mới sẽ không theo kịp tình hình
Thường trực Ban Bí thư cho rằng những thành tích đáng tự hào trong 70 năm qua của Ban Kinh tế Trung ương có sự đóng góp không nhỏ của các lãnh đạo Ban qua từng thời kỳ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cao hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, thể chế hóa, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế xã hội.
Nêu tình hình trong nước và thế giới đang có nhiều diễn biến ngoài dự báo, Thường trực Ban Bí thư cho rằng kinh tế là lĩnh vực biến chuyển nhanh và sâu sắc, nếu không liên tục đổi mới thì không thể theo kịp.
Vì vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn đề xuất những vấn đề mới, thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược về kinh tế xã hội, theo sát tình hình thế giới và thực tế đất nước…
“Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nước nhà”, ông Vượng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương kiện toàn bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, Thường trực Ban Bí thư cho rằng chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi tình trạng bị động, thiếu sót và sai lầm.
Nhân dân luôn kỳ vọng quyết sách sáng suốt về kinh tế
Phát biểu trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của Ban Kinh tế Trung ương.
Ngoài tham mưu các chủ trương, chính sách chung về phát triển kinh tế - xã hội, ông Bình cho biết Ban Kinh tế Trung ương còn chủ trì, tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có vai trò, vị trí quan trọng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng nhân dân luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng về định hướng chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: Việt Linh. |
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Văn Bình cho biết Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, phối hợp với nhiều cơ quan để tranh thủ tri thức, tập hợp trí tuệ phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Bình cho rằng không thể chủ quan, thỏa mãn với những thành tựu đạt được.
“Tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, có nhiều vận hội nhưng cũng đặt ra nhưng không ít khó khăn, thách thức. Trong khi đó, nhân dân luôn đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng về định hướng chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, ông cho rằng nhiệm vụ tới đây của Ban Kinh tế Trung ương rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phát huy, truyền thống 70 năm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân đã giao phó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ban Kinh tế trình 2 nghị quyết rất quan trọng trong nhiệm kỳ
Trong nhiệm kỳ khóa XII, tôi đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có 2 nghị quyết rất quan trọng là: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ, toàn diện đến tất cả các quốc gia, nhất là nước ta với độ mở lớn và hội nhập sâu rộng. Cuộc cách mạng này mở ra nhiều cơ hội; nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức; trong đó nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch cụ thể. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị là nghị quyết đầu tiên mang tính toàn diện và tổng thể về việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng này đối với nước ta.
Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết 55, đưa ra những định hướng mang tầm chiến lược cho phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết này là cơ sở quan trọng để Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, trong đó có Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ban Kinh tế hoàn thành tốt các đề án có tầm chiến lược
Trong nhiệm kỳ này, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu 15 nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội, đồng thời hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, báo cáo có tầm chiến lược giúp cho việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi tin rằng thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương sẽ khắc phục những hạn chế để tiếp tục chủ động nghiên cứu những vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đề xuất, tham mưu cho Đảng những chính sách giúp hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đổi mới quản lý kinh tế và thúc đẩy các cơ quan hành pháp thực hiện. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội trong thẩm định, thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, những đề án trình Bộ Chính trị...