Sáng 14/4, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Hều hết 197 ứng cử viên đều đạt số phiếu tín nhiệm cao với tỷ lệ cử tri ở cơ quan công tác và nơi cư trú tín nhiệm từ 97% trở lên.
Có hay không việc mua phiếu?
Tuy nhiên tại phần thảo luận, ông Hà Văn Núi, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ sự băn khoăn khi tất cả ứng viên đều có số phiếu tín nhiệm cao từ 97% trở lên. Trong khi đó, ở địa phương tỷ lệ này thấp hơn nhiều, có người chỉ được hơn 60%.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội của MTTQ Việt Nam cho biết, khi hiệp thương ứng cử lấy phiếu tín nhiệm các địa phương bỏ phiếu kín còn trung ương lại giơ tay. Dự 3 buổi tiếp xúc cử tri lấy phiếu tín nhiệm tại địa phương, ông cho rằng hoạt động này hết sức hình thức, toàn giơ tay tín nhiệm cao.
"Chúng ta phải làm sao đến nơi đến chốn, để việc tiếp xúc cử tri được thực chất hơn" - ông Nguyễn Túc đề nghị.
Ông MTTQ cần làm việc trách nhiệm, giám sát ứng viên đại biểu chặt chẽ vì nếu làm không đúng sẽ có lỗi với dân. Cần trả lời rõ các câu hỏi của dư luận như có hay không sự cả nể nhau, kể cả mua phiếu?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của MTTQ Việt Nam . Ảnh: Công Khanh. |
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Túc, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng khẳng định, Mặt trận phải có trách nhiệm trước người dân và lịch sử về việc giới thiệu các ứng viên đại biểu Quốc hội.
Vì trên thực tế nhiều đồng chí đại biểu, nhiều cán bộ sau khi về hưu để lộ ra tài sản lớn làm người dân rất băn khoăn. Thậm chí có đại biểu Quốc hội được mặt trận giới thiệu đã bị bãi miễn vì không đủ tiêu chuẩn.
"Đảng dựa vào dân để đổi mới, vì vậy Mặt trận cũng phải dựa vào dân, tin dân để thực hiện vai trò giám sát của mình" - giáo sư Phạm Xuân Hằng nói.
Tiếp thu các ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Nguyễn Thiện nhân cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín hay giơ tay là do sự lựa chọn và quyết định của các cử tri tại hội nghị hiệp thương.
Dù vậy, ông Nhân cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp nên bỏ phiếu kín trong việc lấy phiếu tín nhiệm để cử tri bớt băn khoăn.
Thông qua danh sách 197 ứng viên do Trung ương giới thiệu
Tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ đã tiến hành bầu để thông qua danh sách 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại Trung ương.
Trong danh sách được giới thiệu ứng cử có 5 đại biểu thảo luận về trường hợp của ông Lê Thanh Vân (52 tuổi, tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách).
Nhiều vị cho rằng ông Lê Thanh Vân được luân chuyển về Hải Dương để làm Phó bí thư tỉnh ủy, tuy nhiên do sau đại hội ông Vân không đạt đủ tín nhiệm để tham gia Thường vụ tỉnh ủy, vì vậy phải luân chuyển ngược về Trung ương.
Hội nghị thông qua danh sách 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại Trung ương. Ảnh: Công Khanh. |
Nguyên Phó chủ tịch Mặt trận, ông Lê Truyền băn khoăn, không trúng cử thường vụ, liệu có phải ông Lê Thanh Vân "không hoàn thành nhiệm vụ, như vậy ông Vân có xứng đáng được giới thiệu ửng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV".
Ông Nguyễn Túc và ông Hà Văn Núi cũng cho rằng, ông Lê Thanh Vân không được địa phương tín nhiệm, nhưng giờ lại được đưa lên cao hơn để ứng cử đại biểu Quốc hội có thể gây khó cho chính ông Vân.
Song, nhiều đại biểu lên tiếng bảo vệ ông Lê Thanh Vân. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ, ông Lê Thanh Vân trong quá trình hoạt động ở Hải Dương thể hiện ý thức tốt, và việc trượt Thường vụ Tỉnh ủy là đáng tiếc.
Hay giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng không nên quan niệm người không trúng vào cơ quan Đảng là người không tốt.
Theo ông Đường, đại biểu Lê Thanh Vân là người có năng lực, là tiến sĩ luật có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, được cử tri tại nơi cư trú đồng ý 100% thì không có lý do gì mặt trận lại không đồng ý.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ý kiến về việc thông qua danh sách bằng hình thức biểu quyết hay bỏ phiếu kín.
Đối với 196 vị trong danh sách giới thiệu không có ý kiến thảo luận, 100% đại biểu đều thống nhất hình thức giơ tay. Còn đối với trường hợp ông Lê Thanh Vân, 5 người yêu cầu hình thức bỏ phiếu kín và 57 người yêu cầu hình thức giơ tay.
Dựa trên kết quả này, ông Nguyễn Thiện Nhân tiến hành biểu quyết giơ tay và thông qua danh sách 196 vị ứng cử đại biểu Quốc hội. Riêng trường hợp ông Lê Thanh Vân, sau khi biểu quyết 57/62 đại biểu đồng ý giới thiệu ông Vân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Theo quy trình bầu cử, đến trước 27/4 Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ công bố danh sách ứng cử viên và từ 2/5 đến 21/5 ứng cử viên có thể vận đồng bầu cử tại hội nghị cử tri hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đến ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu, chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Cơ cấu danh sách 197 người được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử gồm: Khối các cơ quan Đảng 12 người; Khối Chủ tịch nước, cơ quan tư pháp 3 người; Quốc hội 113; Chính phủ 17; Quân đội 15; Bộ Công an 3; Kiểm toán Nhà nước 1; MTTQ và đoàn thể 31.