Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Băn khoăn từ khách sạn 5 sao cho thú cưng ở Sài Gòn

Sau khi xem bài "Khách sạn 5 sao dành cho thú cưng", có bạn đọc cảm thán việc, chó còn hưởng tiện nghi xa xỉ hơn con người, nhưng cũng có ý kiến cho rằng có cung thì sẽ có cầu.

Vừa qua, ở Sài Gòn khai trương một khách sạn thú cưng, với vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, trong đó có dịch vụ từ lưu trú, khám chữa bệnh và spa thẩm mỹ cho thú cưng. Thông tin này dấy lên những luồng ý kiến khác nhau.

'Khách sạn' 5 sao cho thú cưng độc nhất Việt Nam

Khách sạn dành cho thú cưng sang trọng có nhiều dịch vụ đi kèm như spa thẩm mỹ, tập thể dục, cắt tỉa móng... với tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên ở Sài Gòn vừa được đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Nghĩ về những người nghèo...

Sau khi xem bài báo, bạn Trần Văn Tiên viết: "90 triệu dân nước mình, có bao người từng đi khách sạn 5 sao, được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạng sang?".

Độc giả Diệp Dương thì băn khoăn về cuộc sống khổ cực của những người nghèo mà anh chứng kiến trong các chuyến đi làm từ thiện. Những người ở vùng sâu vùng xa, khi bệnh tật phải đi bộ nhiều cây số, chờ đợi nhiều giờ để được điều trị bệnh. Vì thế, nhiều bạn đọc lập luận, VN không nên bắt chước các nước phương tây: "Hãy làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đi, đời sống bao giờ nâng cao như họ rồi mới nghĩ đến các dịch vụ cho thú cưng".

Một khâu chăm sóc thú cưng tại khách sạn "đặc biệt" này.  Ảnh: Zen Nguyễn.

Mặc dù số tiền đầu tư 5 tỷ đồng xây khách sạn 5 sao cho thú cưng là để kinh doanh nhưng một độc giả lại đưa ý kiến: "Nước ta vẫn còn rất nhiều trẻ em lang thang kiếm sống bấp bênh ở ngoài đường, tối thì ngủ lại ở chợ, ghế đá, góc phố. Xây một cái nhà vừa có tình nghĩa, lại được tiếng thơm".

Chỉ là dịch vụ khi có cung có cầu

Những lập luận về việc dùng tiền cho người nghèo bị cư dân mạng phản đối khá dữ dội. Họ cho rằng, đây là một loại hình dịch vụ, nếu có người sử dụng thì đáp ứng, không nên chỉ nhìn vào giá thành đầu tư rồi quy chụp rằng nó không mang lại lợi ích cho xã hội.

Độc giả Nguyễn Quốc Anh Khoa phân tích kỹ điểm tích cực của loại hình dịch vụ 5 sao: "Thứ 1: Tạo được công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Thứ 2: Chăm sóc đời sống tinh thần cho con người, giúp họ chuyên tâm vào công việc hơn thay vì tự tay chăm sóc thú cưng, phát triển đất nước tốt hơn. Thứ 3: Khi khách hàng sử dụng dịch vụ, sẽ phải trả tiền, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng một số thuế không nhỏ cho nhà nước, Chính phủ sẽ biết phải làm gì tốt cho người nghèo với số tiền thuế đó. Thứ 4: Bạn có 5 tỷ trong tay, bạn có chắc sẽ làm từ thiện hết số tiền đó? Hoặc bạn có dám bỏ ra 50% để xây một cái nhà tình thương cho người nghèo?".

Cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc chăm lo cho người nghèo là việc của xã hội, nhà nước, chứ không phải trách nhiệm cá nhân. Nhiều bạn nhấn mạnh, cho người nghèo cần câu chứ không nên cho họ cá. Có thể tạo điều kiện cho họ công ăn việc làm. Còn việc khách sạn cho thú cưng cũng là một hình thức kinh doanh, thương mại, mà kinh doanh thì phải theo đà phát triển theo thị hiếu của khách hàng.

Bạn Suzy Vũ viết: "Đất nước cứ có người nghèo là người giàu phải từ thiện hết à. Sao mọi người không nghĩ họ kinh doanh ra tiền mới có cái mà từ thiện. Và người ta có thể đã làm từ thiện nhưng thực hiện âm thầm thì sao. Không lẽ cứ ai mở công ty kinh doanh phải ghi thêm dòng chữ đã đi từ thiện mới được công nhận".

Cùng quan điểm, bạn Eros phân tích: "Khách sạn hạng sang đồng nghĩa với giá tiền cao, thúc đẩy nền kinh tế. Đây chỉ là hình thức kinh doanh hợp pháp, cũng phải đi làm, cũng phải đầu tư để kiếm tiền. Nước ngoài cũng có nhiều người vô gia cư, nhưng những chỗ làm việc chăm sóc sắc đẹp cho chó vẫn tồn tại. Sao không nghĩ đây là ngành tạo công việc cho người nghèo mà cứ phải vác tiền cho họ mới là tốt?".

Những người yêu động vật cũng khẳng định ý kiến trên. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho thú cưng của mình nếu điều đó khiến họ hài lòng. Với họ, chó hay thú cưng không còn đơn thuần là động vật nữa mà là thành viên trong gia đình. Thậm chí có người còn coi chúng như con cái. Và vì thế, việc bỏ tiền chăm sóc, dù ít hay nhiều, đều hoàn toàn bình thường. “Điều đó cũng giống như ba mẹ của tất cả mọi người luôn muốn đầu tư cho con cái mình những điều tốt nhất”, một bạn nhấn mạnh. 

An Huỳnh (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm