Người dùng iPhone sẵn sàng chi thêm để mua phụ kiện đắt tiền. Ảnh: Hải Dương. |
Tại các đại lý lớn, iPhone 14 được xem là sản phẩm chủ lực, đem lại doanh thu lớn cho mùa mua sắm cuối năm. Ở những hệ thống nhỏ hơn, chưa có danh tiếng, số lượng cửa hàng có hạn, đây là thiết bị để lôi kéo khách hàng đến đại lý.
Tiếp cận bằng giá bán rẻ, những đơn vị này chỉ lời rất ít, hoặc phải bán lỗ chiếc điện thoại Apple. Đổi lại, họ kiếm thêm bằng việc bán phụ kiện, gói bảo hành mở rộng.
Phụ kiện quyết định lời, lỗ của đại lý
Tại Việt Nam, một số đại lý tầm trung chọn bán iPhone với giá thấp hơn mặt bằng chung để hút khách. Đổi lại, các đơn vị này sẽ bù đắp thông qua việc bán phụ kiện đi kèm với sản phẩm mới.
Bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24h Store cho biết khách mua iPhone đa phần là người có thu nhập tốt, sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm công nghệ. Do đó, những người dùng này chấp nhận bỏ thêm một khoản nữa để sắm các sản phẩm phụ trợ.
Đại lý bán thêm những bộ phụ kiện trị giá 600.000-1,5 triệu đồng với mỗi chiếc iPhone 14. Ảnh: Hải Dương. |
Ốp lưng, dán màn hình, sạc nhanh là các sản phẩm được nhiều khách hàng chọn mua kèm với iPhone 14. “Mỗi khách mua iPhone 14 thường chi thêm 600.000-1,2 triệu đồng cho các phụ kiện điện thoại”, bà Hoàng Tâm, đại diện Hoàng Hà Mobile nói với Zing.
Bên cạnh đó, đại lý cũng tranh thủ bán thêm các sản phẩm đi kèm dưới dạng gói combo, phiếu quà tặng mua phụ kiện. “Chúng tôi cung cấp thêm các gói 600.000-1,5 triệu đồng để khách lựa chọn. Những combo này có giá rẻ hơn khi mua lẻ từng món, có lợi cho người dùng”, phía 24h Strore chia sẻ.
Đại lý cho biết việc bán phụ kiện đi kèm là nguồn thu rất lớn với các hệ thống tầm trung, để bù đắp mức chi phí cho các chương trình bán iPhone.
“Doanh thu từ bán phụ kiện đóng vai trò rất quan trọng, chiếm một phần không hề nhỏ trong lợi nhuận của đại lý. Không phải iPhone, chính phụ kiện mới quyết định lời lỗ của doanh nghiệp trong cả năm”, đại diện một hệ thống bán hàng ủy quyền Apple (yêu cầu giấu tên) nói với Zing.
Bên cạnh đó, hiện tại trong hộp iPhone Apple loại bỏ hầu hết phụ kiện đi kèm, buộc người dùng phải mua thêm. Trong hộp một chiếc điện thoại Android tầm trung có thể gồm cả ốp lưng, sạc nhanh, tai nghe và được dán sẵn màn hình. Tuy nhiên, toàn bộ những sản phẩm này đều không được Táo khuyết trang bị cho iPhone.
Cắt lỗ iPhone để bán phụ kiện, gói bảo hành
Đồng thời, khi mua hàng tại các hệ thống, nhân viên còn giới thiệu thêm gói bảo hành mở rộng (bảo hành VIP, bảo hành vàng) đi kèm với iPhone. Gói này sẽ bổ sung thời gian, mở rộng điều kiện được hỗ trợ khi thiết bị gặp sự cố. Người dùng phải trả thêm 1-1,5 triệu đồng cho dịch vụ này.
Tuy nhiên, gói bảo hành này hoạt động song song với hậu mãi của Apple. Nếu sản phẩm có lỗi, được Apple tiếp nhận, cửa hàng không cần chịu trách nhiệm với thiết bị. Như vậy, một cửa hàng có thể kiếm thêm 2-3 triệu đồng trên mỗi khách mua iPhone mới nhờ vào việc bán phụ kiện, bảo hành đi kèm.
Tại Việt Nam, Apple chia sản phẩm qua các nhà phân phối. Giá bán sẽ có một mức chiết khấu cho các đơn vị bán lẻ. Đồng thời, tùy quan hệ, năng lực của đối tác bán hàng mà lượng máy cung ứng, giá gốc khác nhau.
Những đại lý có quy mô vừa và nhỏ khó cạnh tranh về số cửa hàng, lượng máy có sẵn. Họ chọn cách “đạp giá” để tăng năng lực cạnh tranh. Apple Việt Nam không áp đặt mức giá sàn cho sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc phía cửa hàng có quyền tự đưa ra một mức phù hợp với mục tiêu kinh doanh của họ.
Apple Việt Nam không đặt giá sàn cho iPhone, đơn vị bán lẻ có quyền tự điều chỉnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Giá bán một số model của iPhone 14 tại các đại lý nhỏ có thể chênh lệch 3-6 triệu đồng so với hệ thống nhóm đầu. Xác nhận với Zing, một số nhà bán lẻ cho biết việc đưa ra giá bán thấp có thể khiến họ thâm hụt chi phí trên mỗi chiếc máy bán ra. Nhưng đây là cách bắt buộc để quảng bá hệ thống, tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
“Bán iPhone không những lời ít mà đôi khi còn lỗ”, bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24h Store chia sẻ.
Ngoài ra, Apple phân chia sản phẩm cung ứng dựa trên năng lực của các hệ thống. Những đại lý bán giá thấp thu hút được lượng lớn đặt trước nhưng hàng hóa không dồi dào.
Bên cạnh đó, việc bán giá thấp sẽ giúp phía hệ thống gia tăng uy tín với Apple. Cụ thể, lượng iPhone kích hoạt trên số tồn kho được Táo khuyết xem là yếu tố quan trọng khi quyết định phân phối hàng. Các nhà bán lẻ, để giá iPhone rẻ sẽ bán rất nhanh. Nhờ vậy, họ có thể yêu cầu thêm máy cho các đợt hàng sau.
Thâm hụt từ việc bán iPhone sẽ được các hệ thống bù đắp bằng khoản của phụ kiện, gói bảo hành mở rộng.