Đây là nhận định trong báo cáo cập nhật thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh dựa trên nghiên cứu đo lường bán lẻ, do công ty đo lường hiệu suất toàn cầu Nielsen công bố ngày 18/9.
Có hai điểm cho thấy thị trường nông thôn còn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến.
Thứ nhất, dân số ở khu vực nông thôn Việt Nam chiếm 68% trong hơn 90 triệu dân, và hiện chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn.
Trong quý 2, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở thị trường nông thôn tốt hơn so với thành thị - Ảnh: N.Bình. |
Thứ hai, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong ba năm qua.
Với nhận định trên, ông Alex Jeater, quản lý cao cấp phụ trách dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho rằng, câu chuyện này một lần nữa được nhìn thấy rất rõ trong nửa đầu năm 2015.
Trong khi thành thị chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 1,6% vào quý 2 thì thị trường nông thôn phát triển ở mức 2,7%, nhờ tăng trưởng khối lượng tiêu thụ.
Ngoài ra, khi các nhóm sản phẩm chính vẫn đang gặp nhiều thách thức ở các thành phố trọng điểm thì 11 trong 18 nhóm sản phẩm chính này đang có tốc độ tăng trưởng tích cực ở thị trường nông thôn, cho thấy cơ hội rất lớn với các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ.
Năm nhóm sản phẩm dẫn đầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường nông thôn là nước uống năng lượng, nước rửa chén, sữa uống đóng chai/đóng hộp, nước uống đóng chai và nước giải khát.
Tuy nhiên, chuyên gia của Nielsen cũng nhận định, việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam đi kèm nhiều thách thức tương tự ở các nước châu Á khác từng gặp phải, như chi phí cao để phục vụ các thị trấn, thị xã nằm phân tán ở nhiều khu vực khác nhau.
“Cũng giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc, giờ đây điều quan trọng đối với các nhà sản xuất tại Việt Nam là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp vào các vùng nông thôn mà họ ưu tiên.
Một số vùng nhất định của nông thôn có triển vọng cao hơn so với những vùng khác, do đó việc xác định được những vùng trọng điểm đầu tư trở nên rất quan trọng để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh”, chuyên gia của Niselsen phân tích.
Trong quý 2/2015, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở sáu thành phố chính tại VN gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng chững lại, chỉ đạt 0,9% so với năm trước, chủ yếu có được đến từ việc tăng giá, trong khi đó tăng trưởng khối lượng tiêu thụ “giậm chân tại chỗ” với mức 0,0%.