Ngày 19/1, Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng phối hợp UBND huyện Hoàng Sa tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, chuyên gia để hoàn tất bản thiết kế Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Mở đầu hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho biết, đất nước đã giải phóng hơn 40 năm, non sông đã thu về một mối nhưng riêng TP Đà Nẵng vẫn còn huyện Hoàng Sa bị nước khác chiếm đóng.
"Người dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa thể nào quên ngày này 42 năm trước khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa. Cách đây ít ngày, tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Hôm nay, chúng ta tổ chức hội thảo với mong muốn làm một việc gì đó để hướng đến Hoàng Sa”, ông Tiếng nói.
TP Đà Nẵng đang lưu giữ hơn 500 tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa. Trong đó, có cả bản đồ cổ của người Trung Quốc vẽ cũng khẳng định lãnh thổ của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Huỳnh Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Những năm qua, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã sưu tầm, tiếp nhận hơn 500 tư liệu, hiện vật có giá trị liên quan đến Hoàng Sa. Những tư liệu hiện vật này ở nhiều giai đoạn lịch sử đều khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.
"Có những tài liệu, bản đồ của phương Tây và cả người Trung Quốc vẽ đều thể hiện lãnh thổ của họ chỉ tới đảo Hải Nam mà không hề đề cập đến Hoàng Sa - Trường Sa. Trong khi đó, các tài liệu, bản đồ của Việt Nam lại thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã có từ rất lâu đời", ông Thiện cho biết.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) cho rằng, những năm gần đây Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, việc tổ chức trưng bày các tư liệu, bằng chứng để khẳng chủ quyền biển đảo là rất cần thiết.
Ông An cho biết, việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa để trưng bày các tư liệu này là rất cần thiết. Chúng ta phải cho nhân dân trong nước và cả bạn bè quốc tế thấy rằng, những tuyên bố về chủ quyền của Nhà nước ta là dựa trên những chứng cứ lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trang bị camera cho ngư dân
Ông Thiện cho biết, sau khi Nhà trưng bày Hoàng Sa đưa vào sử dụng, ngoài việc giới thiệu các tư liệu quý thì tòa nhà này cũng dành một góc để trưng bày những bức ảnh, thước phim về những tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm.
UBND huyện Hoàng Sa sẽ trưng bày tàu cá DNa - 90152 để tố cáo tội ác của tàu vỏ sắt Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông cũng đề xuất chính quyền Đà Nẵng nên trang bị máy quay camera cho các ngư dân để họ ghi lại những hành động hung hăng của phía Trung Quốc ở ngoài khơi.
"Thời gian gần đây, phía Trung Quốc liên tục có những động thô bạo hành hung, đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Đây là những hành động vô nhân đạo. Do đó, chúng ta nên trang bị cho ngư dân các máy quay để họ ghi lại những hành động này", ông Thiện đề xuất.
Ông Võ Công Chánh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý dành một khoảng đất phía trước Nhà trưng bày Hoàng Sa để trưng bày tàu cá mang số hiệu DNa - 90152 do tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm năm 2014.
"Con tàu này là minh chứng rõ nhất cho hành vi vô nhân đạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. "Chúng tôi sẽ trưng bày bằng chứng lịch sử này để tố cáo tội ác", ông Chánh nói.
Liên quan đến đề xuất trang bị máy quay cho ngư dân, ông Chánh cho rằng, đây là ý tưởng rất hay nhưng phải nghiên cứu mới quyết định.
"Việc ghi lại bằng chứng các tàu vỏ sắt Trung Quốc hành hung, đâm chìm tàu cá của ngư dân chúng ta là cần thiết. Tuy nhiên, ngư dân Đà Nẵng rất nhiều nên việc trang các máy quay rất tốn kém. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất này cẩn thận rồi mới quyết định", ông Chánh nói.